Viên gạch hồng trong vườn hoa việc tốt của Agribank Yên Bái

Phan Thị Xuân Chính, cán bộ thủ quỹ, phòng Kế toán và Ngân quỹ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái là một trong những gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác đã được Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh tuyên dương, khen thưởng, chị được biết đến là một cán bộ tận tụy, trung thực và là người phát hiện và trả lại nhiều món tiền thừa cho khách hàng ở Agirbank Yên Bái.

Đ/c Phan Thị Xuân Chính, cán bộ thủ quỹ, phòng Kế toán và Ngân quỹ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái

Trên 17 năm công tác tại Agribank Yên Bai, với tính cách nhanh nhẹn, ham học hỏi, Phan Thị Xuân Chính nhanh chóng phát huy sở trường, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là thủ quỹ chính và quản lý tài sản thế chấp của khách hàng tại Hội sở Ngân hàng tỉnh nên chị phải thường xuyên giao dịch trực tiếp với khách hàng, tiếp xúc với tiền bạc và khối lượng giao dịch tiền mặt hàng ngày lớn, chị đã luôn nhận thức được trách nhiệm của mình, dù bất cứ ở đâu hay làm việc gì cũng phải toàn tâm, toàn ý cho công việc, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao vì lợi ích chung của tập thể và luôn phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ với chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Với công việc thu chi hàng ngày phải đảm bảo nhanh gọn, kịp thời và chính xác khi khách hàng đến giao dịch hay khi cán bộ Ngân hàng các huyện, thị xã, thành phố về lĩnh tiền tại Hội sở Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh. Chính cùng với các đồng nghiệp, chị đã sắp xếp thời gian hợp lý, tỷ mỉ để không bị nhầm lẫn, đặc biệt là thường xuyên đi sớm, về muộn để đảm bảo chi cho các đơn vị kịp thời giao dịch với khách hàng trong ngày cũng như kiểm quỹ cuối ngày… Với tiền mặt thu vào và chi ra quá lớn như vậy, Chính đã  phải rất tỉ mỹ, thận trọng và tập trung cao độ để hoàn thành công việc mà không để xảy ra sai sót, nhầm lẫn, thiếu tiền mặt, đảm bảo tuyệt đối an toàn kho quỹ.

Đ/c Phan Thị Xuân Chính kiểm kiểm đếm tiền tại chi nhánh

Không những thế, với khả năng chuyên môn cũng như sự tận tụy, trung thực và kỷ luật vốn có của người cán bộ ngân hàng. Trong 5 năm qua, chị trở thành một trong những người trả lại nhiều món tiền thừa nhiều nhất cho khách ở Agribank Yên Bái với trên 80 món tiền trị giá trên 1,5 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, Chị đã trả lại tiền thừa với tổng số trên 173 triệu đồng; năm 2017, đã trả lại 18 món với số tiền trên trên 701 triệu đồng; năm 2018, với 14 món trị giá trên 230 triệu; 6 tháng đầu năm 2019 với 11 món, trị giá trên 237 triệu.

Do công việc khá bận rộn, rất nhiều món tiền giao dịch hàng ngày, nhiều khách hàng khi mang tiền đến giao dịch họ đưa ra một tập tiền và không nghĩ trong đó thừa từ một vài trăm đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Có những khách hàng với số tiền lớn do thu gom từ các đại lý nên khách hàng không phát hiện được số tiền thừa hoặc có những trường hợp khách hàng đưa tiền vào nộp nhưng đưa thừa tiền so với bảng kê và giấy nộp tiền.

Được biết, trong số hàng trăm món tiền thừa do chị Chính phát hiện được trả lại cho khách hàng như: Anh Trịnh Văn Thanh ở tổ 6, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái với số tiền 304 triệu đồng; anh Nguyễn Hữu Tuyền, thị xã Nghĩa Lộ 136 triệu; anh Đặng Văn Trung ở huyện Trấn Yên 40 triệu đồng và anh Đặng Ngọc Toàn, thành phố Yên Bái 40 triệu… ngoài việc trả tiền thừa cho khách, chị còn trả lại tiền thừa cho đồng nghiệp ở các đơn vị như  trả lại cho Ngân hàng Thành phố với số tiền  200 triệu đồng…

Buổi giao dịch của chị Phan Thị Xuân Chính

Không chỉ trả lại tiền thừa cho khách hàng, chị còn rất thận trong trong giao dịch khi khách hàng mang tiền giả đến giao dịch, chị đã thường xuyên nghiên cứu, cập nhật những văn bản của Ngân hàng cấp trên về việc thông báo tiền giả, để từ đó nhận biết đặc điểm để kiểm tra và thu giữ chính xác. Do vậy, nhiều năm qua, chị đã làm tốt công tác phát hiện tiền giả. Trong quá trình thu, kiểm tra và phát hiện tiền giả, chị đã lập biên bản thu hồi và nộp về Ngân hàng Nhà nước theo quy định.

Nhìn sổ ghi chép về các món tiền trả lại cho khách, chúng tôi hỏi chị: Với nhiều món lớn như vậy, khách không để ý, sao chị không giữ lại?- Chị Chính cười và tâm sự: Học tập và làm theo lời Bác cũng như thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của đơn vị gắn với xây dựng văn hóa Agribank  góp phần “Phát huy thương hiệu Agribank, xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở nơi giao dịch”, mỗi cán bộ ngân hàng luôn xác định phải tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, trung thực, khách quan, không bị đồng tiền che mắt. Từ đó mới có thể “thoải mái” làm việc bên những “đống” tiền. Chị Chính cho biết thêm: Không chỉ bản thân tôi mà mỗi cán bộ kế toán ngân quỹ của Agribank Yên Bái đều vậy cả. Bản thân mình hãy tự đặt vào vị trí khách hàng, mỗi người đều phải lao động, kiếm ra những đồng tiền bằng mồ hôi, công sức vất vả, chẳng may bị mất ai cũng buồn. Chính vì thế, việc trả lại tiền thừa cho khách hàng là trách nhiệm mà mỗi cán bộ ngân hàng như chị đều phải làm.

Với công việc quản lý hồ sơ tài sản thế chấp của khách hàng vay tại Hội sở Ngân hàng tỉnh, Chính đã mở sổ theo dõi nhập xuất tài sản đầy đủ, sắp xếp một cách khoa học, gọn gàng, ngăn nắp, dễ tìm, dễ lấy, dễ kiểm tra, đảm bảo chính xác an toàn tuyệt đối tài sản của khách hàng, khi kiểm kê khớp đúng với sổ sách tín dụng.

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị còn nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể do Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức. Với  những đóng góp trong công tác chuyên môn cũng như các hoạt động đoàn thể, Chị Phan Thị Xuân Chính thường xuyên được các cấp, ngành khen thưởng, trong đó có bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cũng như bằng khen của Đảng ủy Khối về có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đức Nguyễn

Bài viết mới nhất: