Vẹn nguyên lời thề bảo vệ Tổ quốc

Hôm nay, khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S anh hùng tràn ngập một bầu không khí trang trọng, linh thiêng, rộn ràng, phấn chấn hướng về Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) – thắng lợi của tinh thần bất tử “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc”…

Tiếp bước cha anh, thế hệ trẻ tỉnh Yên Bái luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

Góp sức trong cuộc kháng chiến vệ quốc oai hùng ấy, suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái đã tích cực hoạt động, xây dựng củng cố địa phương về mọi mặt, phối hợp chiến đấu với các chiến trường, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ; quân và dân Yên Bái đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

Ngược dòng lịch sử, với vị trí nằm ở cửa ngõ chiến trường Tây Bắc, Yên Bái có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, là khu đệm giữa hậu phương và mặt trận Điện Biên Phủ. Sau Chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ (10/1952), Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vinh quang, là mở đường từ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe; mở đường 13A nối Ba Khe với đường 41 (ngã ba Cò Nòi – Sơn La), tổng chiều dài 188 km.

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông của chiến trường, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã động viên quân và dân tập trung sức lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị công binh cùng dân công Yên Bái đã khởi công mở đường cho xe ra tiền tuyến.

Tỉnh ủy Yên Bái quyết định thành lập Công trường 13, dân công từ các huyện Văn Bàn, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn… được tập hợp về biên chế thành các tiểu đội, trung đội trên cơ sở của thôn, bản, xã tham gia mở mới, nâng cấp tuyến đường từ bến phà Hiên (huyện Yên Bình) đi Ba Khe, đến đường số 41 (Ngã ba Cò Nòi – Sơn La).

Chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 8 – 10/1953), toàn tỉnh đã huy động được 124.458 lượt người, 273.197 ngày công, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, chống lún sạt, chống biệt kích và máy bay địch bắn phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm mới và sửa chữa gần 200 km đường, về trước thời gian một tháng, tiết kiệm được gần 42.000 ngày công, bảo đảm cho xe ô tô có thể chạy được giữa căn cứ Việt Bắc với Tây Bắc, nhờ đó, hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe đạp thồ chở hàng, vũ khí tiếp ứng đầy đủ kịp thời cho mặt trận…

Thành phố Yên Bái tổ chức Lễ gắn biển Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến Âu Lâu

Tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, dùng bom đạn để biến sông Hồng thành rào cản chặn đứng đoàn quân chi viện cho tiền tuyến của ta.

Với tinh thần “Nhất định mở đường cho xe ta ra chiến trường tiếp viện”, hàng vạn lượt dân công ngày đêm bám đường, bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông. Cùng với nhiệm vụ mở đường, quân dân Yên Bái đã khai thác thế mạnh tuyến đường thủy từ bến phà Âu Lâu (nằm trên địa bàn 2 xã Nam Cường và Âu Lâu, huyện Trấn Yên, nay thuộc thành phố Yên Bái) vượt sông Hồng.

Với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, tốc độ vận tải cho chiến trường từ 3km/giờ được nâng lên 13km/giờ; từ 8 đến 9 xe qua bến phà Âu Lâu trên sông Hồng lên 90 xe qua sông. Đặc biệt, với sự trợ giúp của dân công, nhân dân các xã Âu Lâu và Nam Cường đã rút ngắn thời gian vượt sông của mỗi chuyến phà từ 30 phút xuống còn 15 phút.

Mặc cho bom rơi, đạn nổ, pháo sáng, nhân dân các xã ven sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên, Văn Bàn và xã Nguyễn Phúc (ngày nay là Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái) đã đóng hàng trăm thuyền, bè, mảng vận chuyển huy động 2.700 ngày công và 650 xe đạp thồ cho chiến dịch.

Thi đua với dân công mở đường, các chiến sĩ quân giới công binh xưởng Vĩnh Kiên (Yên Bình), Kiên Thành (Trấn Yên) đẩy mạnh sản xuất vũ khí, cuốc, xẻng… giúp dân công mở đường, phát cây, đào hào chia cắt trận địa địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ…

Là hậu phương lớn trực tiếp của mặt trận, mới được giải phóng cuối năm 1952, nhưng với quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch lương thực, thực phẩm nuôi quân, đồng bào Tày ở các xã Đại Lịch, Thượng Bằng La (Văn Chấn), đồng bào Thái ở Mường Lò, dù mới thu hoạch vụ mùa đầu tiên đã đóng góp hơn 500 tấn thóc.

Ở vùng tự do cũ như Yên Bình, Lục Yên, xã Nguyễn Phúc… ngày giao lương trở thành ngày hội; từ các xã vùng cao đến vùng thấp, lương thực được chuyển về các kho cung cấp kịp thời cho tiền phương. Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã hoàn thành nhiệm vụ xay giã 1.578 tấn thóc, cung cấp cho mặt trận trên 1.500 tấn gạo, 1.372 con trâu bò, 489 con lợn và hơn 2.700 kg đỗ, lạc…

Đặc biệt, đã huy động 31.652 lượt dân công tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đội hình dân công đã xuất hiện nhiều tấm gương xuất sắc, tiêu biểu là ông Hà Văn Lô, dân tộc Tày ở xã Đồng Khê (Văn Chấn) đã dũng cảm vượt qua các trọng điểm ác liệt, chuyển hàng về đích an toàn, được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người…

Huấn luyện chiến sĩ trẻ tại Trung đoàn 121, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Từ năm 1952 đến năm 1954, gần 2.700 thanh niên ưu tú của 30 dân tộc anh em trong tỉnh đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích phát triển số lượng đi đôi với nâng cao chất lượng, không ngừng nâng cao sức chiến đấu và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lực lượng vũ trang.

Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã thành lập Tiểu đoàn 281 bộ đội chủ lực tỉnh, 5 đại đội bộ đội địa phương huyện, 1 trung đội bảo vệ cầu đường, tất cả các xã đều có từ 1 đến 2 trung đội du kích, 1 trung đội dân quân. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã phát động phong trào thi đua trong toàn dân, mở đường từ chợ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe (huyện Văn Chấn), mở tiếp đường 13A từ Ba Khe nối với đường 41 đi Sơn La dài 188km và từ Ba Khe đi Bản Tủ dài 70km.

Chỉ trong khoảng 3 tháng, nhân dân trong tỉnh đã đồng lòng đóng góp hơn 3,6 triệu ngày công phục vụ tiền tuyến. Mỗi người, không kể già trẻ, gái trai tùy sức lực, điều kiện đều nhất tề tham gia phục vụ chiến trường. Người khỏe thì mở đường, gánh gạo; người yếu hơn thì xay thóc, giã gạo, thổi cơm, chăm sóc thương binh. Những cô gái người dân tộc Mông, Dao sẵn sàng rời núi đi tải lương, tải đạn; những cô gái Tày, Thái, Mường rời khung cửi đi mở đường, gùi gạo nuôi quân…

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và cán bộ kỹ thuật cũng như địa hình hiểm trở, nhiều đoạn đường phải vượt qua vực sâu, vách đứng, thác lũ nhưng với quyết tâm khai thông đường cho chiến dịch, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho toàn thắng”, anh chị em dân công phấn khởi, hăng say lao động, không quản ngày đêm, mưa nắng vẫn kiên trì bền bỉ, tích cực cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, không ngừng đẩy mạnh tiến độ thi công…

Niềm vui của các tân binh huyện Yên Bình khi bước qua
Niềm vui của các tân binh huyện Yên Bình khi bước qua “cầu vinh quang” trong ngày nhập ngũ.

Kể về những ngày sục sôi mở đường, ông Lường Văn Hềnh (xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ) là thanh niên xung phong – một trong những dân công tham gia mở đường thời bấy giờ nhớ lại: “Các cung đường ngày đó vui như trảy hội. Trai, gái, già, trẻ nô nức thi đua mở đường, sửa đường. Mở đường rất khó khăn, vất vả vì núi cao, rừng rậm, khó định hướng. Khó nhất là đoạn đèo Lũng Lô, do núi đá cao nên nhiều đoạn phải đu dây để đục lỗ, nổ mìn phá đá. Vất vả và nguy hiểm là vậy nhưng ai cũng quyết tâm làm cho bằng được, tất cả vì tiền tuyến, vì Điện Biên Phủ”…

Từ khí thế ấy, quyết tâm ấy xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân luôn đạt năng suất trên 300%. Nhiều tấm gương lao động quên mình như: Hà Văn Đoàn, Vũ Ngọc Quỳnh và các đội dân công xã Bái Dương, Hưng Khánh đã trở thành niềm cổ vũ to lớn cho toàn công trường, góp phần hoàn thành con đường chiến dịch trước thời gian một tháng, tiết kiệm được hàng nghìn ngày công, bảo đảm cho xe ô tô có thể chạy được giữa căn cứ Việt Bắc với Tây Bắc…

Trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Yên Bái có 52 dân công hy sinh, 46 dân công bị thương, hiện tại còn 45 hài cốt liệt sĩ ở lại Nghĩa trang Điện Biên Phủ; tổng kết chiến dịch, quân và dân tỉnh Yên Bái được Trung ương tặng thưởng Huân chương Chiến công cho hai tập thể và ba cá nhân…

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), phát huy truyền thống của quê hương, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Yên Bái tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, ý chí quyết tâm, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, xây dựng Yên Bái phát triển theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: