Người dân Yên Bái cải thiện đời sống nhờ xuất khẩu lao động

Giai đoạn 2019 – 2023, tỉnh Yên Bái đã đưa 2.212 người đi lao động xuất khẩu. Trừ các chi phí sinh hoạt, thu nhập tiết kiệm của lao động còn khoảng 8 đến 10 triệu đồng/tháng ở thị trường lao động giản đơn, từ 13 đến 15 triệu đồng/tháng ở thị trường có thu nhập trung bình và từ 35 đến dưới 50 triệu đồng/tháng ở Hàn Quốc, Nhật Bản.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Yên giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ xuất khẩu lao động.

Tính đến hết năm 2023, tỉnh Yên Bái có hơn 376.000 lao động trên 15 tuổi. Hàng năm, tỉnh tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 20.000 lao động.

Qua báo cáo của doanh nghiệp và theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn 2019 – 2023, tỉnh Yên Bái đã đưa 2.212 lao động đi làm việc tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Đức, Trung Đông, Lào, Thái Lan, Malaysia… Nhìn chung, lao động đi làm việc ở nước ngoài được thị trường chấp nhận, đa số nỗ lực, chủ động học tập, nắm bắt công việc, sáng tạo và cần cù lao động.

Thu nhập của lao động đi làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, có thể cao hơn từ 2 đến 3 lần thu nhập trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, thu nhập tiết kiệm của lao động còn khoảng 8 đến 10 triệu đồng/tháng ở thị trường lao động giản đơn như: Malaysia, Lybia; từ 13 đến 15 triệu đồng/tháng ở thị trường có thu nhập trung bình như: UAE, Đài Loan; tại Hàn Quốc và Nhật Bản người lao động có thu nhập cao hơn, từ 35 đến dưới 50 triệu đồng/tháng. Công việc của lao động tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như: sản xuất chế tạo, may mặc, điện tử, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng…

Có thể nói, phụ thuộc vào từng nước tiếp nhận mà nghề nghiệp của lao động ở mỗi nơi có khác nhau. Xem xét theo 4 thị trường về mức tiền tiết kiệm từ cao đến thấp, nhóm lao động trở về từ: Hàn Quốc có mức tiết kiệm bình quân đầu người cao nhất là 670 triệu đồng/người; Nhật Bản là 520 triệu đồng/người; Đài Loan là 350 triệu đồng/người; Malaysia với 120 triệu đồng/người là thấp nhất.

Người lao động làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động tín nhiệm và đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đã giảm mạnh sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về. Hầu hết lao động cho biết tình trạng kinh tế gia đình của họ sau khi về nước thuộc mức trung bình và khá trở lên.

Nhờ có thu nhập ròng cao, người lao động đã tiết kiệm và gửi được tiền về cho gia đình. Khoản tiền người lao động gửi về nhà được chia thành hai phần: một phần gia đình chi tiêu vào việc nâng cao mức sống, chăm sóc sức khỏe của gia đình, đặc biệt là chi tiêu cho việc học tập của con cái, góp phần nâng cao dân trí; một phần lớn dành để tiết kiệm nhằm mục đích đầu tư trong tương lai.

Năm 2023, tỉnh có 508 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS). Người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong 5 ngành gồm: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, đóng tàu; được hưởng đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm như người lao động bản địa, mức lương tối thiểu hiện nay là trên 2 triệu won/tháng, tương đương với 36 triệu đồng, chưa kể tiền lương làm thêm giờ.

Để tham gia Chương trình EPS, người lao động phải vượt qua 2 vòng thi tuyển vòng 1: kiểm tra tiếng Hàn, vòng 2: kiểm tra tay nghề. Hồ sơ của người lao động sau khi đạt 2 vòng kiểm tra được hệ thống máy tính giới thiệu ngẫu nhiên cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Vì vậy, quy trình hoàn toàn khách quan, không có sự can thiệp của con người. Công tác phái cử lao động đi làm việc theo Chương trình EPS được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc (HRD) triển khai, cùng các địa phương thực hiện tuyển chọn lao động.

Việc đưa người lao động của tỉnh Yên Bái đi làm việc tại nước ngoài không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, trình độ kỹ năng nghề sau khi về nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: