Sinh hoạt chuyên đề Về xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong họch tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kính thưa các đồng chí đảng viên, thưa toàn thể Chi bộ!

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đầy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hôm nay, Chi bộ …………….tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Như chúng ta đã biết, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để dân tộc Việt Nam chúng ta noi theo. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng, một người cộng sản vĩ đại nhưng cũng rất đỗi bình dị, gần gũi mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể học tập và làm theo.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ, Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy” vì thế Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách công tác. Và những phong cách công tác đó được thể hiện ở những nội dung như sau:

  1. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên:

Trong cuộc sống cũng như trong công việc, với mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta đều phải thể hiện được Phong cách dân chủ, quần chúng; Phong cách khoa học; Phong cách nêu gương.

Phong cách dân chủ là là phong cách hàng đầu mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có; Dân chủ ở đây được hiểu là dân chủ về tư tưởng, hành động, người dân có quyền tự do trong suy nghĩ, hành động dưới sự dẫn dắt của cán bộ đảng viên. Người cán bộ, đảng viên phải biết khơi dậy lòng nhiệt tình, hăng say lao động, sáng tạo của người dân để rồi từ đó chọn lọc những điểm hay, gạn lọc những điểm dở, tập hợp lại thành một sức mạnh cho tập thể. Cán bộ, đảng viên phải luôn đi sâu đi sát với quần chúng, lắng nghe quần chúng, kịp thời biểu dương những gương điển hình cũng như kịp thời ngăn chặn được những thói hư tật xấu; Phong cách quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng” mà người cán bộ, đảng viên cần phải có bản lĩnh vững vàng, có tư duy nhận thức sâu sắc để dẫn dắt quần chúng đi đến những thành quả, thắng lợi cuối cùng.

Muốn đạt được mục đích nêu ra, người cán bộ, đảng viên phải có Phong cách khoa học, nghĩa là khi xem xét, quyết định một vấn đề gì cần phải có điều tra, nghiên cứu, phân tích, phản biện trên cơ sở khoa học trên tinh thần tôn trọng ý kiến tập thể; điều tối kỵ nhất là quyết định vấn đề dựa vào “Phỏng đoán”, một người dân làm sai đôi khi chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người đó, nhưng người cán bộ ra quyết định sai thì ảnh hưởng đến cả một tập thể, phải nhớ rằng làm gì cũng phải có phương pháp để giảm thiểu thiệt hại khi ra quyết định sai, tiết kiệm được sức người, sức của.

Và cuối cùng là Phong cách nêu gương; Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn làm gương trong mọi công việc, hành động, lời nói, nói phải đi đôi với làm, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chúng ta phải biết rằng, mỗi hành động, việc làm của cán bộ, đảng viên người dân đều biết hết, chúng ta đừng tưởng rằng chúng ta nói mình liêm, mình chính thì dân sẽ tin như thế; cuộc sống của cán bộ đảng viên, cơm ăn áo mặc cũng từ dân mà ra, dó đó chúng ta phải biết tôn trọng dân, yêu dân, làm gương để phát huy sức mạnh trong dân để cuộc sống của dân ngày càng tươi đẹp hơn.

  1. Đối với người đứng đầu

Đối với cán bộ, đảng viên là người đứng đầu thì cần phải có Phong cách dân chủ nhưng quyết đoán; Phong cách lãnh đạo sâu sát; Khéo dùng người, trọng người tài; Phong cách khoa học, năng động, sáng tạo.

Người lãnh đạo được ví như người lái thuyền, quần chúng là người chèo thuyền, người lái thuyền giỏi là người biết cách hướng dẫn, biết kết nối những người chèo thuyền, vừa đỡ tốn sức, vừa tạo được sự đồng đều, tạo ra sức mạnh cộng hưởng giúp cho con thuyền nhanh đến đích .

Là Người cán bộ lãnh đạo thì cần phải biết gom góp mọi ý kiến của quần chúng nhân dân, sau đó phân tích, sang lọc, đánh giá, hệ thống lại sao cho lo gic để rồi từ đó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành nó và người lãnh đạo cần phải biết quan sát xem nó đúng hay sai, cái gì được, cái gì chưa được để tìm cách khắc phục và phát huy. Tuy nhiên, ý kiến của người dân thì vô cùng đa dạng, phong phú, đúng có, sai có, xây dựng có, phá ngang cũng có; do vậy đồi hỏi người lãnh đạo phải có bản lĩnh quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm; được như vậy thì quần chúng càng tin yêu và đóng góp được những sáng kiến hay.

Đối với người đứng đầu thì luôn cần có Phong cách lãnh đaọ sâu sát, lãnh đạo sâu sát sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Muốn làm được điều này thì người lãnh đạo phải thường xuyên đến cơ sở, gặp gỡ quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng để động viên khen thưởng cũng như kịp thời nhắc nhở, phê bình đối với những việc làm chưa được.

Người lãnh đạo phải biết khéo dùng người, trọng dụng người tài.

Mỗi quần chúng nhân dân đều có một sở trường, sở đoản khác nhau, người mạnh mặt này, người mạnh mặt khác, do đó lãnh đạo cần phải quan sát, tìm hiểu xem ai phù hợp với công việc gì thì giao cho việc đó, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, động viên khích lệ để người đó phát huy hết khả năng thế mạnh của mình. Thực tế mỗi người có nhiều điểm mạnh, khi đó lãnh đạo phải biết được điểm mạnh nhất là gì để tạo cơ hội cho người đó phát huy, qua đó tạo ra sức lan tỏa đối với quần chúng khác, nhìn vào cách giao việc của lãnh đạo, mỗi quần chúng sẽ tự khai phá ra ưu điểm lớn nhất của mình để lãnh đạo thấy được, khi đó sẽ tạo lên một tập thể vững mạnh. Thêm vào đó, trong công việc, người lãnh đạo phải biết trọng dụng người tài, mà là người tài thật sự chứ không phải tài “khua môi múa mép”, nếu trọng dụng sai người thì không những hỏng việc do người đó làm mà các quần chúng khác sẽ cảm thấy chán nản, mất niềm tin vào lãnh đạo, từ đó gây ra sự ì trệ, lười lao động, lười tư duy, sáng tạo.

Cuối cùng là người lãnh đạo phải có Phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo.

Người lãnh đạo là người phải “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, phải nhiệt tình cách mạng”, lãnh đạo phải khoa học, có phương pháp, phải thường xuyên học tập, rèn luyện, nghiên cứu để nâng cao trình độ về chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, học từ trường lớp, trường đời, học từ quần chúng nhân dân để đúc kết lãnh đạo quần chúng. Trong công việc phải kiên định về nguyên tắc nhưng phải mềm dẻo về kỹ năng, linh hoạt về sách lược, hình thức, phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành, phải luôn luôn đổi mới, sáng tạo ra cách làm hay, cách làm mới để quần chúng phấn khởi, hào hứng noi theo.

Kính thưa các đồng chí, vừa rồi tôi đã trình bày báo cáo đề dẫn chuyên đề “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; sau đây, đề nghị các đồng chí đảng viên đóng góp ý kiến tham luận.

Xin mời các đồng chí!

Đức Phương

Bài viết mới nhất: