Hành trình về địa chỉ đỏ của tuổi trẻ Chi đoàn Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh

Nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024), Chi đoàn Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ Khu di tích Bạch Đằng Giang và Di tích Bến tàu không số K15, thành phố Hải Phòng.

Tuổi trẻ Chi đoàn Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh tại địa chỉ đỏ Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Điểm đến đầu tiên của hành trình là Khu di tích Bạch Đằng Giang. Đây là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, lưu giữ bề dày lịch sử của dân tộc, di tích của những trận chiến anh dũng trên sông Bạch Đằng.

Vùng cửa sông Bạch Đằng chảy qua địa phận Hải Phòng là một địa danh đặc biệt, gắn liền với 3 trận “thủy chiến” chống quân xâm lược “khét tiếng” trong lịch sử nước ta. Cả 3 lần quân ta đều dùng trận địa cọc để tiêu diệt kẻ thù, bắt sống giặc, làm quân thù Nam Hán (năm 938), quân Đại Tống (năm 981), quân Nguyên Mông (năm 1288) khiếp sợ. Những trận chiến đó tiêu biểu cho tinh thần của một dân tộc anh hùng, nơi gắn liền với tên tuổi của 3 nhà cầm quân lẫy lừng trong lịch sử dân tộc: Đức Vương Ngô Quyền; Vua Lê Đại Hành và Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Tại đây, đoàn đã dâng hương, dâng hoa, tri ân, tưởng nhớ các vị anh hùng của dân tộc; tìm hiểu về lịch sử và tham quan thực tế khuôn viên của khu di tích Bạch Đằng Giang gồm: linh từ Tràng Kênh, đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đền Tràng Kênh thờ vua Lê Đại Hành, đền thờ Ngô Quyền, đền thờ Mẫu, chùa Trúc Lâm và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các thành viên trong đoàn lắng nghe thuyết minh về Khu di tích Bạch Đằng Giang

Trong hành trình của mình, đoàn đã đến dâng hoa, dâng dương và tìm hiểu Di tích quốc gia Bến tàu không số K15 (còn gọi là Bến Nghiêng, tọa lạc dưới chân đồi Nghinh Phong, ven biển Đồ Sơn (TP Hải Phòng). Đây là điểm xuất phát – “cột mốc số 0” của Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Được nghe thuyết minh về con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, cảm xúc nghẹn ngào bỗng ùa về khiến tất cả thành viên trong đoàn cay cay khóe mắt bởi ai cũng thấy mình thật nhỏ bé trước sự hy sinh to lớn của các bậc cha anh đã anh dũng hi sinh, vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Ngược lòng lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để kịp thời, bí mật thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, Quân ủy Trung ương chỉ đạo gấp rút, bí mật xây dựng một cầu tàu tại Bến K15, Đồ Sơn. Cầu tàu được thiết kế theo hình chữ T, mặt rộng 6m, dài 60m, phần ngang rộng 6m, dài 12m, kết cấu bê tông cốt thép khung dầm, ván lát mặt cầu là gỗ lim. Ngày 17/3/1963, từ Bến K15, chiếc tàu sắt đầu tiên mang số hiệu Tàu 43 do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng, chở hơn 44 tấn vũ khí, hành trình hàng nghìn hải lý, vượt qua sự bao vây, phong tỏa của kẻ thù, cập bến Trà Vinh an toàn.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, mưu trí, linh hoạt, vạch “đường mà đi” tìm “bến mà đến” và tinh thần dũng cảm, quật cường, từ Bến K15, những “con tàu không số” đã xuất phát, chở hàng ngàn tấn vũ khí, phương tiện, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men và hàng trăm cán bộ chi viện cho nhiều hướng chiến trường, nhiều địa bàn trọng yếu, nơi mà sự chi viện bằng tuyến bộ chưa vươn tới, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến công hiển hách của những “đoàn tàu không số” năm xưa là bài học lịch sử vô cùng quý báu đối với tuổi trẻ, giúp đoàn viên, thanh niên được hiểu thêm về lịch sử, truyền thống anh hùng của dân tộc, quân đội và Hải quân nhân dân Việt Nam. Là biểu tượng đẹp đẽ nhất của ý chí quật cường và lòng dũng cảm, của tình yêu và lòng trung thành với Tổ Quốc, có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ, để mỗi đoàn viên thanh niên gìn giữ, kế thừa đến mai sau.

Các đoàn viên, thành viên trong đoàn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại bia Di tích Bến K15

Đồng chí Ninh Tuấn Vũ – Bí thư Chi đoàn Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh cho biết: “Tuổi trẻ của cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và cơ quan Văn phòng UBND tỉnh nguyện sẽ phát huy truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh. Cùng với đó phát huy ý chí tự lực tự cường, nâng cao ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới”.

Hành trình hướng về địa chỉ đỏ là một trong những hoạt động trong nhiều năm qua của tuổi trẻ cơ quan Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, khơi dậy cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc; giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, hoài bão; nêu cao tinh thần bản lĩnh, sáng tạo, đổi mới của tuổi trẻ trong thời kỳ hội nhập.

Đồng chí Đồng Mạnh Linh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái (người thứ 3 từ phải sang – hàng thứ 2) đồng hành cùng tuổi trẻ Chi đoàn Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh trên hành trình về địa chỉ đỏ (Trong ảnh, đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Bến tàu không số K15 ).

Theo Cổng TTĐT tỉnh

Bài viết mới nhất: