Thực hiện Kế hoạch số 49- KH/ĐUK, ngày 06/4/2021 về Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021 của Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, để Hội thi đạt kết quả. Đảng ủy Khối trân trọng giới thiệu bài viết: “Phương pháp làm báo cáo viên” để bạn đọc có tư liệu về phương pháp tiến hành, thực hiện của người báo cáo viên, tuyên truyền viên vận dụng truyền đạt nghị quyết đạt kết quả.
Một buổi báo cáo viên có 2 Phần: Chuẩn bị bài phát biểu (bài viết) và phát biểu trước công chúng.
Kỳ I- CHUẨN BỊ BÀI PHÁT BIỂU CỦA NGƯỜI LÀM BÁO CÁO VIÊN
Hoạt động Báo cáo viên vừa là một khoa học và là một nghệ thuật. Để cuốn hút người nghe đạt hiệu quả cao của một bài nói, người báo cáo viên phải vận dụng thành thạo các thao tác nghiệp vụ của quá trình phát biểu trước tạp thể hoặc công chúng.
Bước 1. Xác định mục đích, chủ đề bài phát biểu
Thứ nhất: Xác định mục đích bài phát biểu:
Chuẩn bị bài phát biểu rất công phu, gồm nhiều khâu. Kinh nghiệm chuẩn bị bài nói tốt thì buổi nói chuyện trước công chúng thành công.
Mục đích của báo cáo viên là trang bị kiến thức về (chính trị, kinh tế, văn hoá…) từ đó, nâng cao nhận thức, phải hình thành niềm tin khoa học, cổ vũ người nghe.
Bài phát biểu đạt cho được mục đích chung, tuỳ theo nhiệm vụ ,tuỳ theo đối tượng cụ thể đạt tới các yêu cầu trên. Mỗi bài phát biểu cần đặt ra yêu cầu vừa phải, phù hợp. Không nên đặt ra yêu cầu quá cao với một bài phát biểu.
Thứ hai: Chọn chủ đề bài phát biểu:
Về nguyên tắc bài phát biểu cần đạt tới 4 yêu cầu sau:
– Mang đến cho người nghe những thông tin phải mới và lý thú
– Phải biết thực hiện, đáp ứng nhu cầu thông tin của một loại hình công chúng cụ thể. (Người báo cáo viên tìm hiểu, khảo sát xem nơi chuẩn bị đến để tuyên truyền cần những thông tin gì, để chuẩn bị lựa chọn thông tin không cũ, không miên man)
– Những thông tin lựa chọn phải mang tính cấp thiết, thời sự.
– Vì vậy chọn chủ đề không quá rộng hoặc quá hẹp.
Chủ đề bài phát biểu được thể hiện ngay ở đầu đề bài nói. Một đầu đề hay phải ngắn gọn, thông báo được nội dung bài phát biểu, hướng dẫn tư tưởng, tình cảm người nghe và thu hút sự chú ý của người nghe ngay từ ban đầu.
Người làm báo cáo viên căn cứ vào bốn yêu cầu trên, rồi căn cứ vào kế hoạch, yêu cầu đề xuất của nơi đến để thông tin về đề tài tuyên truyền của cấp uỷ, của cơ quan tuyên truyền cấp trên hoặc của cơ sở để chọn chủ đề bài phát biểu.
Trong việc chọn chủ đề, cần đặc biệt lưu ý kết hợp đáp ứng nhu cầu thông tin của đối tượng và định hướng tư tưởng tuyên truyền của cấp uỷ, của ngành trong hoạt động tư tưởng nói chung.
Bước 2- Tìm hiểu đặc điểm người nghe
Muốn cho bài phát biểu thành công, báo cáo viên phải tìm hiểu đặc điểm người nghe (đối tượng tuyên truyền), phải biết mình nói cho ai nghe.
Nội dung nghiên cứu đối tượng bao gồm:
– Thành phần xã hội, giai cấp gì, nghề nghiệp, trình độ học vấn, giới tính, tín ngưỡng, tuổi tác, đặc điểm địa phương, dân tộc (để đưa ra phương pháp hợp lý) ví dụ: Đối tượng là Thanh niên thì cách nói phương pháp khác; người cao tuổi thì cách nói phương pháp khác. . .v v
– Căn cứ vào đặc điểm tâm lý, lợi ích, nhu cầu thông tin của người nghe. Ví dụ: Tuổi trẻ thích nghe thần đồng toán học, rồi văn học. Phụ nữ thích nghe dẫn chuyện về xã hội. Người cao tuổi thích nghe thông tin về thời sự…v v
Trên cơ sở nghiên cứu đối tượng mà xác định nội dung, cách thức và phương thức phát biểu. Tuy nhiên, trong thực tế rất ít buổi nói chuyện được dành cho một loại đối tượng thuần nhất. Thông thường báo cáo viên phải tiếp xúc cùng một lúc với nhiều đối tượng khác nhau trong cùng một cơ sở, cùng một môi trường công tác. Thí dụ: Trong một Đảng bộ hoặc một cơ quan, doanh nghiệp, tuy đều là đảng viên nhưng trình độ học vấn khác nhau, công việc rất khác nhau, có người là cán bộ quản lý, phần đông là công nhân trực tiếp sản xuất nhưng cũng có đảng viên làm công tác tạp vụ …vv vì vậy phải cung cấp thông tin đơn giản dễ hiểu.
Trong một cơ quan nghiên cứu vừa có cán bộ quản lý, vừa có cán bộ khoa học và có cả người lao công. Vấn đề là tìm cho được cái phổ quát, cái chung của cơ quan, đơn vị để lựa chọn nội dung và phương pháp thích hợp. Do đó, trong nội dung bài nói cũng như phương pháp diễn đạt có thể có phần cao hơn, sâu hơn để đáp ứng yêu cầu của một loại đối tượng có trình độ cao, đồng thời cũng có chỗ phải trình bày một cách giản dị, hàm lượng thông tin dẫn dắt để đáp ứng yêu cầu của một bộ phận đối tượng còn lại. Đương nhiên một bài nói như vậy phải xử dụng cách nói truyền đạt thông tin, kiến thức tổng hợp không thể làm thoả mãn mọi đối tượng trong một buổi nói (Trước khi đến nói chuyện phải hỏi rõ đối tượng)
Bước 3. Thu thập, nghiên cứu và xử lý tài liệu:
Trong thời đại bùng nổ của thông tin hiện nay nguồn tài liệu cực kỳ phong phú. Vấn đề đặt ra là thu thập, khai thác, sử dụng như thế nào?
a. Về tài liệu:
– Căn cứ vào các tác phẩm kinh điển, văn kiện đảng, nhà nước, các bài nói, bài viết của các nhà lãnh đạo…ví dụ: Nhân việc xử lý vụ tiêu cực, có nhà báo nước ngoài đã từng hỏi nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước là: Có phải là “nhà dột từ nóc dột xuống” thì đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trả lời ngay “mía sâu có đốt, nhà dột có chỗ, sai đâu sửa đấy” quan điểm rất triết học ở chỗ chúng ta không phủ nhận sạch trơn….
– Căn cứ vào các loại sách, báo, tạp chí.
– Phim tài liệu, băng ghi âm, ghi hình.
– Những thông tin tiếp nhận qua hệ thống báo cáo viên cấp trên.
– Vốn sống thực tế phong phú.
– Và những nguồn khác (đã kiểm chứng).
Người báo cáo viên giỏi phải là người có vốn kiến thức phong phú, nhiều mặt, vừa rộng, vừa sâu. Muốn vậy phải có ý thức tích luỹ tư liệu thường xuyên, liên tục và bằng nhiều cách khác nhau. Nói một cách khác là người làm báo cáo viên phải thường xuyên học tập, học trong sách vở, học trong thực tế cuộc sống, nghĩa là vốn từ rộng
b. Việc Nghiên cứu tài liệu:
– Vấn đề đọc tài liệu: Thoạt đầu đọc lướt qua sau đó đọc kỹ những phần có liên quan đến nội dung bài phát biểu. Đọc để ghi nhớ, có suy nghĩ phân tích. Có thể đọc cả tài liệu phản diện để hiểu và phê phán, nâng cao tính chiến đấu của bài phát biểu.
– Cần ghi chép tài liệu: Có thể ghi tóm tắt hoặc trích dẫn, không ghi tràn lan. Khi trích dẫn các tác phẩm của các nhà kinh điển cần chú ý: Trích nguyên văn từ tài liệu gốc, ghi rõ tên tác giả, tác phẩm, nơi xuất bản, năm xuất bản, số trang…
Có nhiều phương pháp nguyên cứu tài liệu, chọn phương pháp nào thì phụ thuộc vào thói quen và kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Phải chú ý:
Thứ nhất, bám sát chủ đề bài phát biểu
Thứ hai, đọc và ghi chép. Đó là hai bước rất quan trọng để ghi nhớ.
c. Công việc chú ý khi sử dụng tài liệu:
– Đọc, ghi chép lựa chọn những tư liệu mới nhất, có giá trị nhất, dự kiến có khả năng thu hút người nghe đông nhất thì mới đưa vào bài phát biểu.
– Chọn và sắp xếp tư liệu theo trình tự lô-gíc của đề cương. Chỉ đưa tư liệu vào đúng những chỗ cần thiết trong đề cương bài nói, nhằm minh chứng cho một luận điểm nào đó hoặc thay cho kết luận.
– Chỉ dùng những tư liệu rõ ràng chính xác, có căn cứ hoặc những vấn đề đã hiểu một cách đầy đủ. Không sử dụng những tư liệu chưa rõ, thiếu luận cứ. (vấn đề gì chưa rõ không được phát ngôn).
– Bất cứ tư liệu nào cũng phải xem xét qua ‘lăng kính’của người làm báo cáo viên. ‘‘Lăng kính’’ở đây là sự nhạy cảm về tư tưởng, là bản lĩnh chính trị, là trách nhiệm trước đảng, trách nhiệm công dân. Như đã nói ở phần trên, đây chính là quá trình biến kiến thức xã hội làm giàu vốn hiểu biết của mỗi người. Báo cáo viên có trách nhiệm của mình trong việc sử dụng những tư liệu, tài liệu có được dẫn ra trong bài phát biểu.
Không thông tin những bí mật nhà nước, thông tin nội bộ. Cần xác định rõ nói với đối tượng nào? Đây là kỷ luật phát ngôn đối với mọi cán bộ làm công tác báo cáo viên.
Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, trong quá trình làm công tác thông tin nhất thiết phải định hướng thông tin theo quan điểm của Đảng trong mỗi giai đoạn nhất định. Ví dụ như: Tuyên truyền về chất độc da cam nào là Diosin…v v thì liên quan đến hàng nông sản của ta.
Thu thập, nghiên cứu tài liệu. Sử dụng tài liệu là một nghệ thuật, tuỳ thuộc vào năng lực bản lĩnh nghề nghiệp của cán bộ tuyên truyền. Cùng một lượng tài liệu như nhau, ai sáng tạo khai thác, sử dụng tốt sẽ có bài phát biểu chất lượng cao.
Bước 4. Chuẩn bị Đề cương bài phát biểu:
Việc xác định mục đích, chủ đề bài phát biểu, nghiên cứu đối tượng đến việc thu thập, xử lý tài liệu báo cáo viên phải xây dựng đề cương bài phát biểu. Đề cương bài nói chuyện không được quá sơ sài, phải làm rõ được nội dung cần thể hiện, chú ý không biến đề cương thành một bài viết sẵn để đọc.
Cấu trúc đề cương bài phát biểu:
Mỗi bài phát biểu thường chia làm 3 phần với những chức năng riêng.
*Phần mở đầu :
– Chức năng lời mở đầu: Là phần nhập đề hay còn gọi là (vào đề ) của chủ đề cần nói, đây là phương tiện tiếp xúc với người nghe, kích thích hứng thú của người nghe đối với vấn đề định nói. Các cụ đã dạy: (Vạn sự khởi đầu nan).
– Yêu cầu lời mở đầu: Phải tự nhiên, ngắn gọn, không khuôn sáo, phải gắn với nhừng nội dung trình bày sau đó, chọn lời mở đầu phải phù hợp với đặc điểm người nghe và khung cảnh buổi nói.
– Cách vào đề thường có hai cách: Trực tiếp hoặc gián tiếp.
– Mở đầu một bài phát biểu là: Một thủ thuật – thủ thuật chinh phục người nghe, thu hút sự chú ý của người nghe ngay từ ban đầu. Việc tìm tòi các thủ thuật này là một nhiệm vụ sáng tạo.
* Phần nội dung bài phát biểu:
– Đây là phần quan trọng nhất, dài nhất, quuyết định chất lượng bài phát biểu.
– Yêu cầu: Bố cục rõ ràng, kết cấu chặt trẽ, cân đối. Nêu bật được những luận điểm quan trọng nhất kết hợp với những dẫn chứng, minh hoạ từ tư liệu thu thập được, làm sáng tỏ những nhận định, đánh giá, những quan điểm tư tưởng của bài phát biểu. Những vấn đề nêu ra phải đảm bảo những yêu cầu của quá trình nhận thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và thể hiện được cả phương pháp trình bày diễn dịch hay quy nạp…
* Phần kết luận:
– Tổng kết những vấn đề đã nói. Củng cố và làm tăng ấn tượng về nội dung bài phát biểu, đặt ra cho người nghe những nhiệm vụ nhất định hoặc thôi thúc họ hành động.
– Yêu cầu: Phần kết phải ngắn gọn, gây ấn tượng và có sức cổ vũ.
Đề cương bài nói chuyện nên viết trên giấy một mặt, chữ viết rõ ràng, dễ đọc khi cần thiết. Sau khi viết song cần khiểm tra lại cho kỹ.
Bước 5. Sử dụng tư liệu thực tế:
a. Vị trí của tư liệu thực tế:
Tư liệu thực tế được sử dụng trong bài phát biểu là thể hiện nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, việc sử dụng tư liệu thực tế còn làm cho bài phát biểu thêm sinh động, tăng khả năng thu hút người nghe rồi khôi phục sự chú ý của người nghe.
Người báo cáo viên hay sử dụng tư liệu thực tế làm cơ sở cho một luận cứ nào đó trong bài phát biểu được nêu ra dễ hiểu hơn đối với người nghe. Tư liệu thực tế được sử dụng với tư cách là những dẫn chứng minh hoạ giúp người nghe kết hợp việc tiếp thu bằng hình ảnh cụ thể với tiếp thu thông tin bằng khái niệm. Từ đó bài phát biểu tăng thêm độ tin cậy và có sức thuyết phục hơn ví dụ: Câu chuyện về Bác Hồ.
b. Yêu cầu của tư liệu thực tế:
Thứ nhất, yêu cầu quan trọng của tư liệu thực tế là tính chân thực, độ tin cậy cao, phải là những tư liệu chính xác, khách quan.
Thứ hai, tư liệu thực tế cần phải phù hợp với đề tài, đặc điểm, trình độ người nghe và nhằm mục đích tư tưởng nhất định (động viên, khích lệ hoặc phê phán). Tư liệu thực tế chỉ có sức thuyết phục khi nó gần gũi, dễ hiểu với người nghe, phù hợp với quan điểm và định hướng giá trị trước đó của người nghe.
Có thể sử dụng cả hình thức văn học trong các trích dẫn từ tác phẩm văn học nghệ thuật cũng có tác dụng làm tăng cảm xúc người nghe. ví dụ: khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII nói về giáo dục đào tạo. “Ông thầy hôm nay đã được cả xã hội tôn vinh. Được đi dạy học, trọng thị, rồi được đóng bảo hiểm khác gì “sao trời lọt qua mắt lưới”.
c. Về nghệ thuật sử dụng tư liệu thực tế:
Để tư liệu thực tế được sử dụng có hiệu quả cần chú ý hai điểm.
Thứ nhất, chỉ sử dụng những tư liệu tiêu biểu, phù hợp với nội dung bài nói
Thứ hai, đưa tư liệu thực tế phải đúng lúc đúng chỗ.
Bước 6. Ngôn ngữ, văn phong bài phát biểu:
Ngôn ngữ là hình thức tồn tại và hình thức thể hiện của tư duy, đồng thời ngôn ngữ giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức.
a. Vai trò của ngôn ngữ trong bài phát biểu.
Ngôn ngữ là phương tiện chủ yếu của người báo cáo viên là yếu tố rất quan trọng nâng cao giá trị bài phát biểu. Người báo cáo viên phải có vốn ngôn ngữ phong phú để diễn đạt được những quan điểm, quan niệm, những sự kiện và cả những sự vật, hiện tượng, khái niệm…
b. Đặc điểm văn phong trong bài phát biểu:
Có 4 đặc điểm văn phong: Tính hội thoại; tính phổ thông; tính chính xác; tính truyền cảm. Tuy nhiên, tuỳ đối tượng và nội dung bài phát biểu mà một vài đặc điểm trong 4 đặc điểm trên được sử dụng nổi trội hơn. Ví dụ: đối tượng phát biểu của bài nói là công nhân, nông dân thì văn phong của báo cáo viên phải chú trọng tính phổ thông, dễ hiểu. Với các đối tượng là các nhà khoa học, thầy cô giáo, bác sỹ…v v Người báo cáo viên phải hết sức quan tâm tính chính xác, lập luận chặt trẽ, câu từ phải trau chuốt hơn…
Qúa trình chuẩn bị bài phát biểu là quá trình tích luỹ tài liệu, tình hình chuẩn bị bài nói, quá trịnh ghi nhớ, để sẵn sàng cho bước tiếp theo:
Qúa trình phát biểu. Người báo cáo viên phải trình bày bài phát biểu với nhiều thể loại khác nhau, truyền đạt nghị quyết của đảng, chính sách của nhà nước, thông tin thời sự, báo cáo chuyên đề về văn hoá, khoa học – kỹ thuật…v v Mỗi thể loại có một cách xây dựng đề cương riêng.
Trên đây chỉ là đề cương chung nhất, khi Người báo cáo viên chuẩn bị bài phát biểu cho một thể loại nào đó cần vận dụng một cách sáng tạo cho phù hợp.
còn tiếp
Cao Xuân Chiểu – Phó Bí thư Đảng ủy Khối