Hỏi đáp - Công tác tổ chức

Câu hỏi:

Hiện nay chi bộ nơi tôi đang sinh hoạt và công tác có 23 Đảng viên tháng 8 năm 2018 có 1 đồng chí trong cấp ủy nghỉ chế độ hưu trí (hiện nay chi bộ có 1 bí thư, 1 Phó Bí thư và 2 chi ủy viên) xin hỏi quy trình thủ tục để tiến hành kiện toàn cấp ủy chi bộ tôi phải thực hiện như thế nào?

Câu trả lời:

Căn Cứ Điều 16.2 khoản 2, Điều 13 Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XII): Việc bổ sung cấp ủy viên thiếu do cấp ủy đề nghị, cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định “Khi cần bổ sung cấp ủy viên thiếu tập thể cấp ủy thảo luận, thống nhất đề nghị cấp ủy cấp trên ra quyết định bổ sung cấp ủy viên thiếu”.

Như vậy trường hợp đồng chí, chi ủy cần hội ý dự kiến nhân sự cụ thể, sau đó tổ chức hội nghị chi bộ để lấy phiếu giới thiệu, chi bộ làm văn bản báo cáo cấp ủy cấp trên; cấp ủy cấp trên xem xét, chỉ định bổ sung chi ủy viên

Câu hỏi:

Đảng viên A là cán bộ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về việc sinh con thứ 3, khi đang chấp hành kỷ luật Đảng thì đảng viên vi phạm đến thời điểm phải bổ nhiệm lại. Vậy, theo quy định của Đảng thì đảng viên A có được xem xét, bổ nhiệm lại không ?

Câu trả lời:

Khoản 11, Điều 2, quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định:

“Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được Tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật”.

Căn cứ quy định trên, đảng viên đang được Tổ chức đảng có thẩm quyền thi hành kỷ luật là: (1) đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy trình kỷ luật; (2) Tổ chức đảng đang thi hành kỷ luật và đảng viên đang trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức đảng có thẩm quyền.

Như vậy, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên đang bị tổ chức đảng thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo thì chưa được xem xét bổ nhiệm (bổ nhiệm lần đầu và bổ nhiệm lại).

Câu hỏi:

Đảng viên A là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND xã. Tháng 1 năm 2019, đảng viên A có đơn xin nghỉ việc do hoàn cảnh khó khăn. Đơn nghỉ việc chưa được giải quyết thì đảng viên A tự ý đi khỏi địa phương, tổ chức đảng nhiều lần mời đảng viên A đến làm việc nhưng đảng viên A không có mặt. Có 2 ý kiến: Ý kiến 1: Kiểm tra vắng mặt đảng viên A khi có dấu hiệu vi phạm về ý thức tổ chức kỷ luật (có đơn xin nghỉ nhưng chưa được chấp nhận mà đã tự nghỉ). Ý kiến 2: Đảng viên A tự ý bỏ sinh hoạt đảng từ tháng 1 đến hết tháng 3 năm 2019 (3 tháng liên tục) mà không có lý do chính đáng. Chi bộ có thể làm thủ tục xóa tên đảng viên A theo quy định tại Điều 8, Điều lệ Đảng. Vậy ý kiến nào đúng?

Câu trả lời:

Điểm 8.1, Mục 8, Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng quy định như sau:

“Chi bộ xem xét, đề nghị cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên đối với các trường hợp sau: đảng viên bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng…”

Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên A nộp đơn xin nghỉ việc, nhưng chưa được giải quyết đã tự ý bỏ sinh hoạt đảng 3 tháng mà không có lý do chính đáng thì Chi bộ có thể xem xét, đề nghị cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên  đối với đảng viên A mà không cần phải kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên A.

Vậy, ý kiến thứ 2 đúng.

Tạp chí Kiểm tra

Câu hỏi:

Khi đang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên A, cũng trong thời gian này đến thời kỳ xem xét, bổ nhiệm lại đối với đồng chí A theo quy định. UBKT nhận thấy đồng chí A mặc dù chưa có kết luận, nhưng có vi phạm khuyết điểm và đề nghị tạm dừng việc bổ nhiệm lại đối với đồng chí A. Hỏi: Việc làm trên của UBKT có đúng không?

Câu trả lời:

Tại Khoản 3, Điều 11, Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25/02/2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ quy định về một trong những thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, như sau:

“3- Được yêu cầu tạm dừng việc thực hiện các nội dung trong công tác cán bộ đối với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm”.

Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đồng chí A đang là đối tượng kiểm tra, mặc dù chưa có kết luận kiểm tra, nhưng do có vi phạm khuyết điểm nên ủy ban kiểm tra đề nghị tạm dừng việc bổ nhiệm lại đối với đồng chí A là đúng quy định của Đảng.

Tạp chí Kiểm tra