Yên Bái nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử

Trong 15 mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, Yên Bái có 1 mục tiêu vượt kế hoạch, 10 mục tiêu đã hoàn thành, 4 mục tiêu đang trong giai đoạn thực hiện.

Hiện nay, 100% các giao dịch trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin Một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; 100% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC.

Qua thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, thứ hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Đến nay, Yên Bái đang xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 25 bậc so với trước khi thực hiện Nghị quyết, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố về khả năng cải thiện chỉ số DTI.

Một trong những nhiệm vụ được Yên Bái quan tâm chú trọng là xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Theo đó, Yên Bái đã tập trung phát triển các nền tảng để cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ông Vũ Lê Chung Anh – Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: Lãnh đạo UBND huyện, các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn sử dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử; UBND huyện và các xã, thị trấn đã có phòng họp trực tuyến; việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân đã được cải thiện rất nhiều về thời gian, các loại giấy tờ; 100% TTHC có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Đến nay, nền tảng quản lý văn bản và điều hành tỉnh Yên Bái đã cấp gần 12.000 tài khoản sử dụng, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương (khối cơ quan nhà nước) thực hiện chức năng báo cáo điện tử (ký số), 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật).

Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Yên Bái để tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết.

Theo đó, Hệ thống đã tích hợp 10 dịch vụ công thiết yếu được nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh, 13 dịch vụ công thiết yếu được liên kết với Cổng dịch vụ công của bộ, ngành Trung ương, 2 dịch vụ công thiết yếu được liên kết và thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tỉnh đã hoàn thành một số chỉ tiêu dịch vụ công quan trọng như: 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (dịch vụ công trực tuyến toàn trình) và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên tổng số hồ sơ năm 2023 đạt 61,65% (198.178 hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần).

Ở huyện Trấn Yên, song song với triển khai các phần mềm, huyện cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức phục vụ cho nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS). Toàn huyện đã được đầu tư 17 phòng họp hội nghị trực tuyến; trong đó: 2 phòng họp tại trung tâm huyện, 15 phòng họp tại các xã xa trung tâm. Huyện có 394 TTHC được rà soát, trong đó có 248 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện thực hiện tại Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện, 142 TTHC thực hiện tại bộ phận phục vụ hành chính công cấp xã.

“Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp huyện tiếp nhận 13.497 hồ sơ và giải quyết 11.748 hồ sơ (tiếp nhận trực tuyến 5.405 hồ sơ; nhận qua dịch vụ công trực tuyến 3.890 hồ sơ); cấp xã tiếp nhận 7.544 hồ sơ (nhận qua dịch vụ công trực tuyến là 1.515 hồ sơ)…” – Ông Phạm Huy Mai – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Trấn Yên thông tin.

Cán bộ xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên giải quyết TTHC cho người dân tại Bộ phận Phục vụ hành chính công.

Về nền tảng quản lý cán bộ, công chức, viên chức, toàn tỉnh đã hoàn thành việc số hóa, cập nhật, đồng bộ 24.352 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái (đạt 100%) với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; cung cấp 9.644 tài khoản thư điện tử công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của 57 sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (đạt 100%). Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi thông tin công việc đạt 70%.

Ông Nguyễn Thúc Mạnh – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: UBND tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố tỉnh Yên Bái và tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố hằng năm. Qua đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương thấy được mức độ CĐS của mình để phát huy những mặt mạnh, có giải pháp khắc phục những mặt còn hạn chế, tiếp tục CĐS mạnh mẽ hơn nữa, góp phần nâng cao thứ hạng chỉ số CĐS chung của tỉnh Yên Bái”.

Quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ CĐS, đến nay, trong 15 mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động đã có 1 mục tiêu vượt kế hoạch là 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Cụ thể: cấp tỉnh đạt 111,11%, cấp huyện đạt 125%, cấp xã đạt 166,67% kế hoạch.

Có 10 mục tiêu đã hoàn thành kế hoạch là 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; 100% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

4 mục tiêu đang trong giai đoạn thực hiện với 44,97% hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần) trên tổng số hồ sơ; báo cáo (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, phục vụ hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; 74% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Khẩn trương tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến hết tháng 6/2025, tỉnh sẽ hoàn thành 100% mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là trong xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp Yên Bái.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: