Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) ngày càng được mở rộng, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã tăng nhanh đáng kể, đặc biệt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT của tỉnh đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết 21 đề ra, tiến đến mục tiêu BHYT toàn dân.
Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 – 2020”,
Ông Nguyễn Trí Đại – Giám đốc BHXH tỉnh Yên Bái cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 21 (NQ21) của Bộ Chính trị, từ tình hình thực tế mỗi giai đoạn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo thực hiện phù hợp. Các cấp, các ngành triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng dân cư về công tác BHXH, BHYT. Nhờ đó, hàng năm, BHXH tỉnh đã thực hiện đạt tốt các chỉ tiêu mà NQ21 đặt ra”.
Nổi bật, đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã tăng nhanh đáng kể, đặc biệt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT của tỉnh đã vượt chỉ tiêu NQ đề ra, tiến đến mục tiêu BHYT toàn dân.
Cụ thể, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 53.313 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5.931 người so với cùng kỳ năm 2013; số đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã đạt 44.476 người, tăng hơn 9.000 người so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng tăng nhanh, năm 2021, toàn tỉnh đã có 754.853 người tham gia BHYT, tăng khoảng 20% so với trước khi thực hiện NQ, tỷ lệ bao phủ đạt 90,54% dân số.
Cùng với công tác phát triển đối tượng tham gia, số tiền thu hàng năm cũng tăng nhanh. Năm 2012, số thu BHXH, BHYT toàn tỉnh đạt 934,6 tỷ đồng, đến năm 2021 số thu BHXH, BHYT được gần 1.742 tỷ đồng; hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch ít nhất 2% trở lên.
Tỷ lệ nợ đọng đến 31/12/2021 còn 1,9%, thấp hơn kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Song song với việc thu BHXH, BHYT, BHXH tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện tốt công tác cấp sổ thẻ; tiếp nhận và kịp thời giải quyết đúng các chế độ cho người lao động, tạo được lòng tin của nhân dân và người thụ hưởng chính sách.
Dấu ấn nổi bật trong thực hiện NQ 21 là BHXH quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, quản lý của ngành, trong quản lý và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, trong giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, duy trì và củng cố cơ chế “một cửa”, giảm phiền hà cho cá nhân và đơn vị đến giao dịch, đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
Đồng thời, cơ quan BHXH đã vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn… Đến nay, đã có trên 98% đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; 100% đơn vị sử dụng lao động đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Công tác tuyên tuyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân để mở rộng đối tượng tham gia tuy có nhiều cố gắng nhưng cũng còn hạn chế so với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn thấp so với tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 1.099/ 2.155 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đóng BHXH cho 22.165 người lao động (chiếm 51% tổng số doanh nghiệp của toàn tỉnh).
Một số doanh nghiệp chưa tham gia đủ số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc hoặc có tham gia nhưng mức lương làm căn cứ đóng BHXH còn chưa đúng với mức lương thực tế, thực lĩnh của người lao động.
Tình trạng lạm dụng hưởng chế độ chính sách BHXH như: chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ phía người lao động và người sử dụng lao động vẫn còn xảy ra. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn chây ỳ, nộp chậm BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều đơn vị sử dụng lao động nợ số tiền lớn mặc dù đã được thanh tra, kiểm tra nhưng chậm khắc phục. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, trong khi đó cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế cấp xã còn thiếu, lạc hậu. Do vậy, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh.
Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2021-2030 đạt kế hoạch đề ra, tỉnh tăng cường thực hiện hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, trọng tâm phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; bảo đảm kịp thời, đầy đủ chế độ, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT an toàn và hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin và liên thông dữ liệu trong hoạt động nghiệp vụ. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 52,6% lực lượng lao động tham gia BHXH; 30,9% lực lượng lao động tham gia bảo BHTN; 98% dân số tham gia BHYT.