UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án 06, phục vụ người dân, doanh nghiệp
UBND tỉnh đã có văn bản gửi các sở, ngành thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án 06, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 14/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh đề nghị các ngành thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án 06, nhất là trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, thông suốt, hiệu quả.
Tiếp tục tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu rộng về vai trò, ý nghĩa quan trọng của Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần thúc đẩy quản trị xã hội theo hướng hiện đại văn minh, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm sinh kế cho người dân.
Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy trình nội bộ để đáp ứng các quy định của Luật Giao dịch điện tử thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử thay thế với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, sớm đề xuất cấp có thẩm quyền phương án cắt giảm các thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa.
Chỉ đạo rà soát thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình để cắt giảm, không yêu cầu người dân phải đính kèm giấy tờ khi dữ liệu đã được số hóa, trước mắt ưu tiên đối với dữ liệu đất đai đã được số hóa, nghiên cứu đưa vào tái sử dụng phục vụ cắt giảm các thủ tục hành chính về cư trú như giải pháp tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai đã triển khai trong thời gian vừa qua trên tinh thần đơn vị nào đã hoàn thành thì đưa vào sử dụng ngay.
Căn cứ 19 mô hình điểm đã triển khai thành công tại thành phố Hà Nội, chủ động lựa chọn những mô hình phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương mình, trong đó tập trung đối với hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, thu thuế khoán hộ gia đình và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ.
Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) tạo biểu mẫu điện tử đối với các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo đơn giản, tiện dụng, hạn chế sử dụng từ ngữ nghiệp vụ đảm bảo tối thiểu 50% mẫu đơn, tờ khai có thông tin công dân được chuẩn hóa, thống nhất theo yêu cầu từ dữ liệu gốc của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ đảm bảo đến hết ngày 15/12/2025 đạt 100%.
Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) chủ động nghiên cứu phương án nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo đảm kế thừa các kết quả đã triển khai, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đối với các sở, ngành nằm trong định hướng, chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2030 gắn với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024. Đối với việc mới, việc phát sinh theo chỉ đạo của cấp trên và từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh, các đơn vị đề xuất phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, đánh giá sự cần thiết và tính khả thi, tổng hợp đưa vào Kế hoạch Chuyển đổi số của tỉnh hằng năm để triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng các quy định. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất việc huy động các nguồn lực xã hội và các nguồn lực hợp pháp khác bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện.
Sở Nội vụ; các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra công vụ đối với cơ quan, đơn vị và lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó chú trọng kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án 06 và Chỉ thị số 04/CT-TTg tại cơ quan, đơn vị mình, đánh giá trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện Đề án 06; kịp thời biểu dương, khen thưởng hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến có thành tích trong hoạt động công vụ; phát hiện, xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các cá nhân thiếu trách nhiệm, gây cản trở khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Công an tỉnh đảm bảo trang thiết bị, nguồn nhân lực nhằm duy trì dữ liệu công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được “Đúng, đủ, sạch, sống” và 100% số công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh được cấp Căn cước; cấp tài khoản định danh điện tử. Đồng thời, hướng dẫn người dân kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến có thành tích trong thực hiện Đề án 06.