Ngày 23/6, tại tỉnh Yên Bái, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức “Toạ đàm góp ý kiến về dự thảo Luật HTX sửa đổi”.
Chủ trì buổi Tọa đàm có các đồng chí: Lê Văn Nghị – Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Đặng Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Phát triển HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Thế Phước – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái; Nguyễn Quốc Luận – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Cùng tham dự Toạ đàm còn có lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái; Chủ tịch Liên minh HTX 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và trên 30 HTX tiêu biểu tại các tỉnh.
Phát biểu chào mừng Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước đã thông tin đến các đại biểu về tiềm năng, thế mạnh cũng như mục tiêu, giải pháp của tỉnh Yên Bái trong phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, hoạt động của HTX kiểu mới đã mang lại nhiều lợi ích cho thành viên; khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh có gần 600 HTX trên các lĩnh vực và tạo việc làm thường xuyên cho gần 9.000 lao động, phần lớn là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế ngày càng được củng cố và khẳng định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước nhấn mạnh, Tọa đàm là cơ hội để tỉnh Yên Bái được tiếp nhận thêm nhiều thông tin, ý kiến góp ý của các tỉnh bạn về Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) và được tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật HTX (sửa đổi). UBND tỉnh giao Liên minh HTX tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để cùng với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc có thêm nhiều ý kiến tham gia có chất lượng vào Dự thảo Luật HTX sửa đổi.
Tại Tọa đàm có 18 ý kiến tham gia đóng góp về một số nội dung trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) như: Tên gọi của Luật; cấu trúc, bố cục của Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; bổ sung quy định về phân loại tổ chức kinh tế hợp tác; đăng ký thành lập tổ chức kinh tế hợp tác; thành viên tổ chức; tổ chức quản lý, điều hành; chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với tổ chức; bổ sung quy định về kiểm toán HTX; sửa đổi các quy định tại Điều 59, Điều 60 Luật HTX năm 2012 về quản lý Nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác…
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị đánh giá cao các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, đồng thời cho rằng buổi tọa đàm là một chương trình hết sức có ý nghĩa khi Ban soạn thảo được nghe trực tiếp khó khăn vướng mắc tồn tại trong thực tế từ các HTX. Qua đó, Ban soạn thảo sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn.
Luật HTX năm 2012 đã bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các HTX. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX năm 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cụ thể hoá 5 nhóm chính sách: nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác; nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.