Tiềm năng dược liệu và tri thức y dược cổ truyền ở Văn Yên: “Kho báu” chưa mở cửa – Bài 1: Tiềm năng dồi dào

Văn Yên hiện đang quản lý, bảo vệ diện tích rất lớn rừng tự nhiên với thảm thực vật đa dạng; trong đó, có nhiều loại dược liệu quý hiếm. Dưới chân những cánh rừng tự nhiên là quê hương của các ông lang, bà mế Tày, Dao, Mường… có nhiều bài thuốc hay, kinh nghiệm quý trong trị bệnh bằng thuốc nam. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn giống như một “kho báu” chưa mở cửa.

Lương y Hà Thị Thoa ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên chia sẻ về những bài thuốc hay, những kinh nghiệm quý trong nghề thuốc nam.

Trong chuyến công tác tại huyện Văn Yên, tôi tình cờ gặp bà mế Hoàng Thị Lâm – người Tày ở thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp và bà giới thiệu mình có nghề thuốc nam gia truyền. Bà Lâm hồ hởi giới thiệu hàng loạt bài thuốc thế mạnh chữa các chứng bệnh: dạ dày, gan, thận, vô sinh, xương khớp… Hỏi về trữ lượng cây thuốc ở Văn Yên, bà Lâm cho hay, hiện các loài cây thuốc vẫn rất sẵn. Bà mời chúng tôi kết bạn Facebook và khi mở trang cá nhân của bà, tôi thấy bà rất nỗ lực khai thác mạng xã hội để phục vụ cho nghề thuốc.

Để kiểm chứng nhận định của bà Lâm về nguồn dược liệu, hôm sau, đến xã Châu Quế Thượng, tôi gặp lương y Trương Duy Huy. Anh Huy là người dân tộc Thổ, quê ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An nhưng gốc gác 5 đời trước là người Mường ở tỉnh Hòa Bình, có nghề thuốc gia truyền. Trong quá trình công tác, anh gặp và kết hôn với một cô giáo người Xa Phó ở Châu Quế Thượng rồi định cư tại đây vừa kinh doanh tân dược vừa hành nghề thuốc nam. Anh Huy cũng khẳng định, nguồn dược liệu thuốc nam ở Văn Yên hiện vẫn rất dồi dào.

Trở về trung tâm huyện, tôi tìm đến Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An và gặp lương y Đỗ Đức Tĩnh. Qua hành nghề, ông Tĩnh dành nhiều thời gian điều tra, nghiên cứu tiềm năng dược liệu, các bài thuốc dân gian ở Văn Yên… và ông cho biết, Yên Bái được các cơ quan nghiên cứu về y dược trung ương khẳng định, là tỉnh có tiềm năng cây dược liệu lớn nhất cả nước.

Điều này, hoàn toàn có cơ sở, vì theo thống kê của Viện Dược liệu thuộc Cục Quản lý Y dược cổ truyền (YDCT), hiện nay, Việt Nam ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật, nấm, trên 400 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc.

Trong khi đó, Yên Bái là khu vực khí hậu ôn hòa và là địa bàn chuyển tiếp hệ thực vật giữa vùng trung du với vùng núi cao; là điểm giao thoa khí hậu, hệ thực vật vùng Đông Bắc và Tây Bắc; là địa bàn nằm trên dải Hoàng Liên Sơn cách không xa tỉnh Vân Nam – nơi được mệnh danh là “vương quốc dược liệu” của Trung Quốc, nên Văn Yên cũng có những loài dược liệu phân bố nhiều ở Vân Nam.

Bởi thế, trong sự đa dạng về loài dược liệu của tỉnh thì Văn Yên cũng là huyện hàng đầu không những về tiềm năng dược liệu thiên nhiên phong phú, mà còn có nhiều dược liệu quý hiếm cũng như tiềm năng để trồng nhiều loại dược liệu quý.

Từ thực tế ở cơ sở và qua tiếp cận các nguồn thông tin khác, được biết, nguồn dược liệu ở Văn Yên hiện phân bố khá rộng tại các xã: Tân Hợp, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu, Ngòi A, Yên Thái… Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là nơi đang có tới hàng nghìn loài dược liệu.

Văn Yên cũng nằm trong địa bàn có sự xuất hiện của các loài dược liệu quý hiếm như: hoàng liên, hoàng liên gai, hoàng liên ô rô, ngũ vị tử, bạch truật, thất diệp nhất chi hoa, sâm vũ diệp, tam thất hoang, hoàng tinh hoa đỏ, hoa trắng, lan kim tuyến, dương đào, trà hoa vàng… Đặc biệt, trong số trên hai trăm loài dược liệu nằm trong Sách đỏ Việt Nam thì Yên Bái có gần trăm loài; trong đó, Văn Yên cũng là địa bàn phân bố tập trung những dược liệu đó.

Bên cạnh tiềm năng dược liệu, tiềm năng tri thức bản địa về YDCT ở Văn Yên cũng rất lớn, đó là đội ngũ những người có năng lực khai thác, chế biến các loại dược liệu thành những bài thuốc dân gian.

Cụ thể, về cơ cấu dân tộc, Văn Yên có 12 dân tộc chung sống và dân tộc Kinh chiếm 52,86%, còn lại là các dân tộc khác; trong đó, dân tộc Tày chiếm 15,58%, Dao 25,4% và hai dân tộc này nằm trong tốp đầu được đánh giá là những tộc người có nền YDCT mạnh nhất ở Việt Nam. Yếu tố này được tạo nên bởi bản sắc văn hóa từ xa xưa của nhiều tộc người ở Việt Nam, việc “biết thuốc” là một trong những “thuộc tính” bắt buộc với mỗi người, nhất là phụ nữ để thực hiện bổn phận chăm sóc sức khỏe cho gia đình.

Bởi vậy, thuở còn trị bệnh hoàn toàn nhờ vào thuốc nam, mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số khi đến tuổi trưởng thành, ít nhất phải biết một vài bài thuốc thông dụng do gia đình tự trao truyền hoặc phải học từ cộng đồng.

Những người chuyên nghề thuốc thì trau dồi thêm kiến thức qua sách y dược hoặc qua các thầy lang cao tay, qua cộng đồng để biết thêm nhiều bài thuốc, phương pháp trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, dù mỗi người chỉ biết một hay vài bài thuốc, nhưng có thể đó lại là những bài thuốc quý hiếm.

Điển hình như lương y Hà Thị Thoa, dân tộc Mường ở xã Đông Cuông, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y tỉnh được bố đẻ truyền cho bài thuốc trị rắn độc cắn, mà nay bà được nhiều người đặt cho biệt danh “thần y” trị rắn độc cắn. Hoặc như bài thuốc thận do mẹ chồng bà Thoa là người Tày truyền dạy, hiện cũng đang nổi tiếng gần xa.

Bà Hoàng Thị Thái ở xã Phong Dụ Thượng là người duy nhất trong xã, trong vùng biết cách kéo xương và bó thuốc nam chữa gãy xương. Bà Đặng Thị Thanh, dân tộc Xa Phó ở xã Châu Quế Thượng nổi tiếng với bài thuốc tắm lưu thông khí huyết phục hồi thể lực cho phụ nữ sau sinh đẻ…

Điều đáng trân trọng nữa là, khi lực lượng thanh niên ở nông thôn; trong đó, có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Văn Yên ngày càng thoát ly đi học tập, công tác, lao động trong các khu công nghiệp hoặc lao động tự do tại các thành phố lớn thì vẫn còn nhiều bạn trẻ ở lại quê tâm huyết với tiềm năng nguồn dược liệu và tinh hoa của nền YDCT để chuyên tâm theo đuổi nghề thuốc.

Họ có một niềm tin vững chắc là, khi đời sống kinh tế – xã hội phát triển; khoa học, kỹ thuật ứng dụng cho khai thác nền YDCT được quan tâm đúng mức; các mô hình khai thác hiệu quả nền YDCT được mở rộng; sự liên kết, chia sẻ lợi ích kinh tế theo chuỗi giá trị YDCT được thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ… sẽ mang lại nguồn lực kinh tế rất lớn và cơ hội làm giàu.

Anh Trương Văn Thương – Bí thư Đoàn xã Tân Hợp bên cây trà hoa vàng được ươm giống bảo tồn thành công tại vườn nhà.

Những tấm gương tuổi trẻ đam mê ấy, phải kể đến như thạc sĩ Phạm Tiến Thịnh – cán bộ kiểm lâm huyện đang điều tra, nghiên cứu, bảo tồn hàng trăm loài dược liệu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu; Trương Văn Thương – Bí thư Đoàn xã Tân Hợp, vì thấy cây trà hoa vàng trên rừng đang mất dần nên đã chuyên tâm nghiên cứu, đầu tư máy móc để sấy thành công sản phẩm trà hoa vàng và ươm giống bảo tồn hàng nghìn cây ở vườn nhà; Đặng Hồng Sinh, dân tộc Dao ở xã Tân Hợp dày công tìm hiểu để kế thừa những bài thuốc quý từ người bác vốn là một bà mế giỏi nghề thuốc; Trương Duy Huy ở Châu Quế Thượng, nỗ lực theo học chuyên môn tại Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái để nâng cao hơn nữa hiệu quả các bài thuốc nam gia truyền; nhiều bạn trẻ chẳng ngại gian truân của nghiệp “sơn tràng” để ngày ngày thức khuya, dậy sớm miệt mài leo núi, chịu đựng muỗi, vắt, địa hình phức tạp cùng cha mẹ, người thân mò tìm, thu hái, mang vác cây thuốc về bào chế ra các bài thuốc.

Một số xã ở Văn Yên, mới đây thành lập được nhóm cùng sở thích trồng cây thuốc nam và được Trung tâm Phát triển khoa học, công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YEN BAI CDSH) phối hợp triển khai Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” hiện đang triển khai trồng, chế biến cà gai leo…

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: