Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1401/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 cử ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thay cho Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc vừa có quyết định nghỉ hưu.
Tại buổi làm việc đầu tiên trên cương vị mới (15/11), ông Nguyễn Minh Vũ trao đổi với Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang về các vấn đề nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Ủy ban) được thành lập ngày 15/6/1977 có chức năng tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ trong quan hệ với UNESCO và chỉ đạo, phối hợp các hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan với UNESCO.
Ủy ban gồm 5 Tiểu ban: Giáo dục; Văn hóa; Thông tin; Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội. Bên cạnh đó, Ủy ban còn có các Tiểu ban chuyên môn và Ban thư ký.
Việt Nam hiện đảm nhận vị trí quan trọng tại 6 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO; sở hữu 70 danh hiệu, di sản được UNESCO công nhận, trải khắp 63 tỉnh, thành, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội tại các địa phương.
Các chuyến thăm quan trọng của Lãnh đạo hai bên như: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Trụ sở UNESCO năm 2021, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đến Việt Nam năm 2022 và đặc biệt gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tới Trụ sở UNESCO (ngày 7/10/2024), đã góp phần đưa quan hệ Việt Nam và UNESCO ngày càng toàn diện, thực chất và hiệu quả.
Về định hướng hợp tác thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với UNESCO, thúc đẩy xây dựng, đệ trình UNESCO các hồ sơ di sản mới, tạo nguồn lực phát triển đất nước và làm giàu kho tàng văn hóa nhân loại; tập trung thực hiện tốt trọng trách tại các cơ chế then chốt, góp phần hoạch định chính sách, chiến lược của Tổ chức; đồng thời tranh thủ ý tưởng, nguồn lực UNESCO để bảo tồn và phát triển văn hóa, thúc đẩy giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; bên cạnh đó tiếp tục triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – UNESCO giai đoạn 2021-2025 và xây dựng hợp tác giai đoạn mới.