Phát biểu đề dẫn Hội thảo “Yên Bái – 30 năm một chặng đường phát triển” của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy

Sáng 24/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái đã diễn ra Hội thảo “Yên Bái – 30 năm một chặng đường phát triển” (1/10/1991 – 1/10/2021). Đồng chí Đỗ Đức Duy – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội thảo. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Thanh Chi)

Kính thưa đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

– Kính thưa đồng chí Phùng Quốc Hiển – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam,

– Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ Trưởng các bộ, ngành Trung ương,

– Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai,

– Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo tỉnh Yên Bái qua các thời kỳ,

– Thưa toàn thể các đồng chí!

Trong những ngày tháng này, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang hăng hái thi đua, tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của năm 2021 nhằm hoàn thành toàn diện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Yên Bái (01/10/1991-01/10/2021). Hôm nay, Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức Hội thảo với chủ đề “Yên Bái – 30 năm một chặng đường phát triển” để cùng nhìn nhận, đánh giá về những thành tựu đạt được trong 30 năm qua, từ đó bồi đắp thêm niềm tự hào, tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với quê hương Yên Bái, đồng thời tạo động lực mới, khí thế mới để tiếp tục xây dựng, phát triển tỉnh Yên Bái giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí đại biểu đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và toàn thể các đồng chí đại biểu khách quý đã giành thời gian, tâm sức tham dự và đóng góp cho Hội thảo. Kính chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc; chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Kính thưa các đồng chí!

Thưa toàn thể Hội thảo!

Yên Bái là vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời. Từ thời xa xưa, Yên Bái đã là nơi quần cư, sinh tồn của người Việt cổ, và đến nay là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%).

Trải qua lịch sử hơn 120 năm xây dựng và phát triển, Yên Bái đã xây đắp, gìn giữ và lưu truyền những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa đậm đà, hun đúc nên truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cùng ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển, vươn lên mãnh mẽ.

Trong suốt chiều dài lịch sử đó, dấu mốc ngày 01/10/1991 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, là ngày tỉnh Yên Bái chính thức được tái lập, từ việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, quyết định này của Trung ương là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Tỉnh Hoàng Liên Sơn với quy mô, diện tích, số lượng các huyện, thị trực thuộc quá lớn, gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và tổ chức phát triển kinh tế – xã hội.

Việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn, tái lập hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai, chính là tạo điều kiện để cấp ủy, chính quyền mỗi tỉnh có điều kiện tập trung nghiên cứu, điều tra cơ bản, xác định những tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, cơ hội cũng như những hạn chế, khó khăn, thách thức; từ đó có cơ sở vạch ra các chủ trương, định hướng, chiến lược, mục tiêu và giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn phát triển, trên các phương diện chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương.

Yên Bái bước vào thời kỳ đổi mới sau ngày tái lập tỉnh với vô vàn khó khăn, thách thức: Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thấp kém, kinh tế chậm phát triển, chủ yếu “tự cung tự cấp”, đời sống của nhân dân các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu.

Vượt lên những khó khăn, thách thức đó, dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng, sự quan tâm đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, sự chia sẻ, ủng hộ của các tỉnh bạn, đặc biệt là tỉnh Lào Cai; cùng với sựlãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới tư duy, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương Yên Bái vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

So với chặng đường hình thành và phát triển hơn một thế kỷ, quãng thời gian 30 năm tái lập chưa thật dài, nhưng đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tỉnh, thể hiện sinh động trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, những năm gần đây đạt trên 6,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, từ một tỉnh thuần nông đến nay công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng khoảng 75% trong cơ cấu kinh tế.

Sau 30 năm, tổng sản phẩm trêm địa bàn tăng hơn 60 lần, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng 50 lần, thu ngân sách tăng 116 lần, giá trị xuất khẩu tăng 35 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 700 lần. Sản xuất nông nghiệp từ chỗ chưa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, đến nay đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, với nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đi vào chiều sâu, là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh và khá đa dạng; dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc.

Hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư đồng bộ; Yên Bái là tỉnh đầu tiên của khu vực Tây Bắc có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên địa bàn tỉnh có 7 cầu bắc qua sông Hồng, cùng với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Kinh tế – xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc. Đồng bào vùng cao cơ bản đã có đủ tư liệu sản xuất, không còn phải phá rừng để làm nương rẫy, thay vào đó là bảo vệ rừng, nỗ lực phát triển kinh tế đồi rừng để xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu từ rừng; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng từ 23% lên 63%, thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

Văn hoá – xã hội được quan tâm chăm lo và có bước tiến bộ vượt bậc. Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được nâng lên. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (giai đoạn 2016 – 2020, giảm bình quân trên 5%/năm). Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng – an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng thực hiện tốt; Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh, đã có trên 58.000 đảng viên, 100% thôn, bản đã có chi bộ bền vững. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, kết hợp với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể được xây dựng vững mạnh, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc.

Từ cuối đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đã và đang giữ cho Yên Bái là tỉnh “vùng xanh” trên bản đồ dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội diễn ra trong trạng thái bình thường mới.

Kính thưa các đồng chí!

Thưa toàn thể Hội thảo!

Với phần thưởng cao quý Huân chương độc lập Hạng Nhất được Đảng và Nhà nước trao tặng tại Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Yên Bái (tháng 6/2020), đã khẳng định những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh. Đó là là sự kết tinh từ truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới sáng tạo, sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc vươn lên trong gian khó của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Vui mừng, phấn khởi và trân trọng những thành quả to lớn đã đạt được, song chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng tỉnh ta vẫn còn là một tỉnh nghèo; quy mô kinh tế nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; mục tiêu trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc như lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong lần duy nhất Bác về thăm Yên Bái vẫn chưa đạt được. Điều đó đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ, trăn trở là cần phải làm thế nào để khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế, đưa Yên Bái thực sự phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá và hướng tới nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Chính vì vậy, tại Hội thảo quan trọng và ý nghĩa này, trong khuôn khổ thời gian cho phép, Ban Tổ chức Hội thảo đề nghị các tác giả tham luận cùng toàn thể Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vấn đề sau:

Một là, từ góc nhìn thực tiễn lịch sử khách quan, chúng ta luận giải rõ hơn những thành tựu đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn 30 năm đổi mới và phát triển kể từ ngày tái lập tỉnh Yên Bái. Đánh giá đúng những đổi thay, sự phát triển và vị thế của tỉnh trong mối tương quan so sánh giữa “xưa và nay”, cũng như đặt trong không gian phát triển chung của vùng trung du và miền núi phía Bắc và của cả nước.

Hai là, tập trung thảo luận, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, làm rõ thêm về quan điểm, định hướng phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá trên các lĩnh vực, để đạt được mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá và hướng tới nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Ba là, phân tích, trao đổi, chia sẻ, học tập những kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả, những bài học quý báu trong quá trình phát triển của tỉnh bạn Lào Cai, vận dụng vào thực tiễn của tỉnh Yên Bái, nhằm kết nối, hỗ trợ, giúp đỡ để cả hai địa phương cùng đồng hành phát triển.

Ban Tổ chức kỳ vọng Hội thảo sẽ là diễn đàn để các thế hệ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương của tỉnh có dịp nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, phát triển của tỉnh nhà. Với việc tổng kết thực tiễn, phân tích sâu sắc để làm rõ thêm những thành tựu đạt được, kết hợp với trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển của tỉnh bạn Lào Cai, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện tỉnh nhà trong giai đoạn tới, chắc chắn Hội thảo sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Qua đó, giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp bổ sung, hoàn thiện các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án, giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới; đồng thời cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, khơi dậy truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới, tư duy dáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tạo khí thế và động lực mới để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đưa Yên Bái bước vào một chặng đường phát triển mới, phồn vinh và hạnh phúc.

Với tinh thần đó, tôi xin trân trọng khai mạc Hội thảo “Yên Bái – 30 năm một chặng đường phát triển”.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: