Với phương châm phát triển du lịch “xanh, bản sắc, hấp dẫn”, tỉnh Yên Bái đang từng bước khẳng định thương hiệu “Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” và là một trong những địa phương đầu tiên nắm bắt thời cơ đưa du lịch hồi sinh sau đại dịch.
Nhiều quyết sách đón đầu phục hồi du lịch
Giống như nhiều địa phương trong cả nước, sau hơn 2 năm “chạm đáy” vì đại dịch Covid-19, du lịch Yên Bái đang chuyển mình mạnh mẽ, với hàng loạt chính sách kịp thời được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đánh giá cao. Theo đó, Nghị quyết 28/2021 của Tỉnh ủy xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của Tây Bắc.
Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21 phục hồi và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái, đồng thời chỉ đạo quyết liệt để ban hành các chương trình, phương án nhằm xúc tiến, đẩy mạnh các hoạt động du lịch. Mặt khác, Yên Bái cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 14 và Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Đây được coi là cơ hội “có một không hai” giúp ngành du lịch Yên Bái vượt qua những “nốt trầm” do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cùng với đó, các sở, ngành cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi với các giải pháp rất cụ thể như: Tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng, nhất là người lao động trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ; hướng dẫn và triển khai cho các cơ sở dịch vụ tự đánh giá an toàn phục vụ khách du lịch; tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; làm mới, hoàn thiện các sản phẩm du lịch… Có thể nói, đây chính là nền tảng quan trọng để Yên Bái trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15.3, Yên Bái đã tổ chức một loạt sự kiện, điểm nhấn là Hội nghị kích cầu phát triển du lịch “Yên Bái – điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”. Chia sẻ về sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hiền Hạnh cho biết: Trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để Yên Bái đón đầu nhu cầu du lịch đang bị “kìm nén” trong đại dịch vừa qua. Việc tổ chức Hội nghị này thể hiện quyết tâm chính trị cao của Yên Bái để phục hồi và phát triển du lịch bền vững.
Hội nghị cũng là “hiệu lệnh” để tất cả các sở, ngành và địa phương nhanh chóng vào cuộc, lên kế hoạch, xây dựng phương án đón “làn sóng” du khách sau đại dịch. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ xây dựng, tổ chức thực hiện các phương án bảo đảm an ninh, an toàn; niêm yết giá, bán đúng giá; bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch Covid-19…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hiền Hạnh nhấn mạnh.
Phát triển du lịch trên nền tảng số
Chia sẻ về định hướng, chiến lược phát triển du lịch trong bối cảnh mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hiền Hạnh cho biết: Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, Yên Bái coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng xã hội. Bởi vậy, điều đầu tiên, Yên Bái sẽ không ngừng nâng cao nhận thức, tư duy của các cấp, ngành và người dân trong phát triển du lịch. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản bấy lâu nay.
Thẳng thắn nhìn nhận rằng, tiềm năng, dư địa để du lịch Yên Bái cất cánh còn khá lớn, song việc khai thác lợi thế đó còn hạn chế. Hiện nay, Yên Bái đang “trải thảm đỏ” đón những doanh nghiệp có tâm, có tầm đến với địa phương. Mới đây, một số nhà đầu tư lớn đã đến ngỏ lời, tìm hiểu để đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Yên Bái. Để đón những “đầu tàu” này, Yên Bái đang tập trung triển khai công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng bền vững. Theo đó, ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ nhằm kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Mặt khác, Yên Bái sẽ chú trọng mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng tại các vùng du lịch trọng điểm. Xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù: “Yên Bái – Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” với các sản phẩm chủ đạo, như: Du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, lễ hội truyền thống; du lịch tham quan các di tích lịch sử – văn hóa; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí; du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) ở 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh.
Đặc biệt, Yên Bái đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh trên cơ sở tiếp tục triển khai các nội dung đã được phê duyệt của Đề án đô thị thông minh tỉnh Yên Bái. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ nhà đầu tư, nhà quản lý sử dụng, khai thác dữ liệu trên nền tảng đô thị thông minh để phát triển, cung cấp các ứng dụng hỗ trợ phát triển du lịch và khách du lịch; tuyên truyền, quảng bá để người dân tham gia ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch bền vững…
Với tất cả sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, chúng tôi tin tưởng chỉ tiêu Yên Bái đón 1,5 triệu lượt khách, trong đó 400 nghìn lượt khách quốc tế mà Nghị quyết đặt ra sẽ thành hiện thực – Du lịch Yên Bái nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc.
Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, kể từ khi Yên Bái khôi phục lại hoạt động du lịch đến nay đã đón hơn 800 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 2.200 lượt khách, doanh thu đạt 524 tỷ đồng. Riêng dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5 đón trên 45 nghìn lượt khách.
Ngành du lịch tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, đón trên 1.500.000 lượt khách, trong đó 400.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm. Doanh thu từ du lịch năm 2025 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 26%/năm, chiếm khoảng 7% tổng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ; tạo việc làm cho 12.500 lao động trong lĩnh vực du lịch. |
Theo Cổng TTĐT tỉnh