Số vụ tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện trong năm 2024 là 956 vụ, tăng 20,55%. Kết quả này cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tội phạm tham nhũng, kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 26/11, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đại diện Chính phủ báo cáo Quốc hội công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024).
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, tình hình tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động nắm tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối bảo vệ an ninh quốc gia; kịp thời khởi tố điều tra, làm rõ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng 12,53%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội đạt 83,48%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,15%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,08%.
Trong khi đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.
Cũng theo Bộ trưởng, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn (tăng) 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%.
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, tội phạm về tham nhũng, chức vụ đã phát hiện 956 vụ, tăng 20,55%.
Kết quả này cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tuy nhiên, theo bà Nga, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn có mặt cần lưu ý, cụ thể như: trong một số trường hợp, cơ quan chức năng vẫn chưa kịp thời phát hiện, xử lý và có giải pháp ngăn chặn hiệu quả dẫn đến tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại một số cơ sở kinh doanh có điều kiện vẫn diễn biến phức tạp.
Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường chưa tương xứng với tình hình thực tế, số vụ việc được phát hiện giảm so với năm 2023.
Tham mưu chiến lược từ sớm, từ xa
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy; chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ma túy tại cơ sở; số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, xử lý nhiều hơn 2,49%.
Năm 2025, dự báo tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm tới.
Trong đó, Chính phủ sẽ chủ động nâng cao chất lượng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược từ sớm, từ xa… Triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn.
Tập trung phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình gây rối an ninh, trật tự của các thế lực thù địch, phản động, số đối tượng chống đối. Chỉ đạo chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện ngay từ sớm, từ cơ sở.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; thúc đẩy tiến độ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở giam, giữ…
Kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố
Báo cáo công tác, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong năm qua đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 142.946 vụ/231.614 bị can (tăng 6,3% số vụ và 10,7% số bị can); kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ban hành 102.584 bản yêu cầu điều tra (tăng 3,5%).
Không phê chuẩn 521 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; quyết định hủy 494 quyết định tạm giữ; hủy 24 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%) và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,9% (vượt 4,9%).
Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 103.365 vụ/198.262 bị cáo. Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện vi phạm và ban hành 697 kháng nghị phúc thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 83,2% (vượt 13,2%); ban hành 95 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 82,5% (vượt 7,5%).