Theo quy định khoản 2, Điều 6, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì: “Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu HĐND bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND”.
Như vậy, xét về mặt cơ cấu tổ chức thì đại biểu HĐND không phải là một cơ cấu riêng biệt của HĐND vì HĐND là cơ quan hoạt động tập thể có hình thức hoạt động chủ yếu là kỳ họp. Ở đó tất cả các đại biểu đều tham dự, bình đẳng trong thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. Có một số đại biểu còn tham gia vào cơ quan như Thường trực HĐND, các Ban HĐND. Một số đại biểu khác còn tham gia công việc của Uỷ ban nhân dân (UBND). Một số hoạt động của đại biểu cùng với Tổ đại biểu tại đơn vị bầu cử trực tiếp liên hệ với cử tri, thu thập ý kiến cử tri, báo cáo hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng hoạt động của đại biểu HĐND cũng có tính độc lập nhất định. Bởi lẽ, đại biểu HĐND là người chịu trách nhiệm trước cử tri và chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương. Khi làm việc, đại biểu HĐND phải xuất phát từ lợi ích của Nhân dân địa phương. Đại biểu HĐND là người thay mặt Nhân dân địa phương quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, thể hiện và phản ánh ý trí, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân vào Nghị quyết của HĐND.
Với vị trí, vai trò quan trọng như vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước tại điạ phương trong giai đoạn hiện nay cần có những giải pháp cụ thể sau:
Đối với đại biểu HĐND:
Thứ nhất, đại biểu HĐND phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động gia đình, Nhân dân cùng thực hiện, đồng thời vận động Nhân dân phát huy tính tích cực chính trị và trách nhiệm công dân trong quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội tại địa phương.
Thứ hai, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử thích hợp trong công việc, có tinh thần phục vụ Nhân dân, có tinh thần chịu trách nhiệm cao. Có thái độ chủ động, tích cực, nghiêm túc, khách quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm, tận tuỵ trong công việc, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, cô tư.
Thứ ba, Thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, trao dồi, rèn luyện khả năng nhận thức, kiến thức ở tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh kiến thức chuyên môn được đào tạo, kiến thức pháp luật và quản lý Nhà nước, đại biểu HĐND phải tự trang bị các kiến thức tổng hợp về đời sống của địa phương trên tất cả các lĩnh vực chính trị- kinh tế, văn hoá – xã hội, an ninh – quốc phòng,.. thấu hiểu đặc thù của từng địa phương trong bối cảnh tương quan trong khu vực, trong nước, quốc tế. Có năng lực từ trải nghiệm thực tế và nỗ lực học hỏi, rèn luyện, thường xuyên nâng cao kiến thức và cập nhật thông tin, tri thức nhân loại.
Thứ tư, Rèn luyện kỹ năng hoạt động của người đại biểu HĐND thành thục trong thực hiện các hoạt động, các thao tác công việc và các thao tác, thủ tục, quy trình liên quan. Bên cạch những kỹ năng chuyên môn sau như: Giám sát, tiếp xúc cử tri, chất vấn, phát biểu thảo luận, phân tích đánh giá… đại biểu cần kỹ năng lãnh đạo, quản lý, các kỹ năng mềm như: Linh hoạt trong ứng sử các tình huống mới, kỹ năng giao tiếp, thái độ ứng xử, kỹ năng tiếp nhận thông tin…
Thứ năm, Thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu HĐND. Đối với mỗi đại biểu HĐND tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của HĐND; tham gia thảo luận và biểu quyết chương trình kỳ họp; bầu cử và ứng cử vào các chức vụ Chủ tịch, phó Chủ tịch HĐND và các Ban của HĐND; thảo luận và biểu quyết những vấn đề thuộc về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. Đối với cử tri cần: Liên hệ chặt chẽ với cử tri; thu thập, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND; trả lời yêu cầu, kiến nghị của cử tri; tiếp công dân định kỳ theo lịch, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện một số quyền theo quy định như: Quyền chấm dứt các hoạt động trái pháp luật; quyền yêu cầu gặp người phụ trách cơ quan, tổ chức, đơn vị; quyền kiến nghị việc thực hiện pháp luật; quyền đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu; quyền được tạo điều kiện hoạt động; quyền được hưởng các chế độ đối với đại biểu HĐND; quyền miễn trừ đại biểu HĐND (Điều 100, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015); quyền chất vấn của đại biểu HĐND; quyền yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu HĐND.
Đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương:
Thứ nhất, việc lựa chọn đại biểu HĐND phải đảm bảo tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp, trong đó việc lựa chọn đại biểu phải đáp ứng đúng yêu cầu, tiêu chuẩn đại biểu HĐND theo hướng dẫn của Ban tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn chung về tiêu chuẩn đại biểu HĐND chuyên trách trong nhiệm kỳ.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân giới thiệu các đại biểu ứng cử khách quan, công tâm giới thiệu những đại biểu tiêu biểu, có năng lực, kinh nghiệm, nhiệt huyết hoạt động ở cơ quan dân cử. Chú ý người có sự tín nhiệm cao của cử tri và Nhân dân, làm cơ sở cho đại biểu HĐND thực hiện quyền ứng cử, đề cử và bầu cử các chức danh của HĐND nhiệm kỳ mới.
Thứ hai, Sau khi trúng cử, các đại biểu cần được đào tạo, bồi dưỡng trang bị những kỹ năng cơ bản của đại biểu HĐND; tập huấn chuyên sâu đối với đại biểu tham gia các Ban của HĐND, các chức danh chủ chốt của HĐND như chủ tịch, Phó chủ tịch, trưởng, phó của các Ban HĐND; được tạo điều kiện để các đại biểu được tham gia các hội nghị giao ban của thường trực HĐND, được trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh tại những địa phương HĐND hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Thứ ba, tạo điều kiện cơ sở vật chất, tư vấn, bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ số, chính quyền số trong hoạt động của HĐND là hết sức cần thiết, do vậy cơ quan HĐND, mỗi đại biểu HĐND cần được tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình.
Thứ tư, Thường trực HĐND các cấp cần xây dựng quy định, quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời có đánh giá, nhận xét, chấm điểm hằng năm đối với các đại biểu; bỏ phiếu đối với những chức danh đại biểu HĐND bầu theo luật định. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm giám sát, theo dõi việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức thực hiện và kết quả của từng đại biểu mà trước khi ứng cử đại biểu đã hứa và trình bày trước cử tri.
Thứ năm, Sơ kết, tổng kết hoạt động của HĐND hằng năm, giữa nhiệm kỳ, tổng kết nhiệm kỳ theo đó cần động viên khích lệ kịp thời bằng các hoạt động biểu dương, khen thưởng, đề xuất quy hoạch, luân chuyển cán bộ./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh