Kết thúc đợt 1 kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Nhiều điểm nhấn nổi bật

Đợt 1 kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung chương trình đề ra với những điểm nhấn nổi bật về lập pháp, thảo luận về kinh tế – xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, phương thức tổ chức kỳ họp của Quốc hội tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.

Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 tại đợt 1 kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Đáp ứng yêu cầu phát triển

Đợt 1 của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 21-10 đến 13-11-2024. Điểm nhấn quan trọng đầu tiên của đợt 1 kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV là việc Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phát biểu quan trọng trước Quốc hội. Trong đó, Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, cần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu trong bài phát biểu trước Quốc hội. Một yêu cầu nữa là phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. “Quốc hội và Chính phủ cần xác định nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, phát hiện những điểm nghẽn nhằm tháo gỡ, từ đó có cơ sở pháp lý, công cụ pháp lý để thực hiện trong thực tiễn”, đại biểu nói.

Tại đợt 1 của kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 3 bộ trưởng, trưởng ngành là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Y tế. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm rõ các vấn đề về công tác điều hành và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, người chất vấn và người trả lời chất vấn đều chung một tinh thần xây dựng để tìm giải pháp cho những vấn đề quản lý nhà nước đã, đang và sẽ đặt ra. Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) cho rằng, qua phiên chất vấn, nhiều vấn đề khó khăn và vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách đã được nêu, thuộc trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để điều chỉnh.

Đáng chú ý, tại đợt 1 kỳ họp, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Qua thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí cao với chủ trương đầu tư dự án nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa đất nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội…

Đổi mới, trách nhiệm với hoạt động Quốc hội

Đợt 1 của kỳ họp đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước, đặc biệt là công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Với việc xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao, Quốc hội đã bầu đồng chí Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, thành công trong công tác nhân sự tại đợt 1 kỳ họp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đồng thời gửi trọn niềm tin, kỳ vọng của Quốc hội và cử tri đối với chức danh Chủ tịch nước, tiếp tục đưa đất nước ta ngày càng phát triển bền vững.

Tại đợt 1 của kỳ họp thứ tám, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ và xin ý kiến đại biểu Quốc hội để thống nhất tiến hành giảm thời gian đọc tài liệu trên hội trường, dành thêm thời gian thảo luận. Đồng thời, kỳ họp đã bố trí tăng thời gian thảo luận ở tổ về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước. Các phiên thảo luận ở hội trường cũng được tăng cường truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân có điều kiện theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội.

Đợt 1 kỳ họp thứ tám cũng là thời điểm Quốc hội áp dụng nghiêm các quy định về nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Theo đó, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội không quá 10 phút. Trong quá trình điều hành, căn cứ diễn biến phiên họp, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công đã chủ động điều chỉnh thời gian phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội không quá 5 phút (quy định là 7 phút). Điều này đã giúp nhiều đại biểu được tham gia thảo luận tại nghị trường.

Nhìn lại hơn 3 tuần làm việc của đợt 1 kỳ họp thứ tám cho thấy, từ lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành đến từng đại biểu luôn phát huy vai trò, tích cực nghiên cứu, nêu cao tinh thần trách nhiệm để những vấn đề thiết thực từ thực tiễn, hơi thở của cuộc sống được phản ánh, truyền tải đến nghị trường; qua đó, đề ra các giải pháp hữu hiệu để triển khai trong thời gian tới. Điều này càng khẳng định, Quốc hội luôn linh hoạt và quyết đoán ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vì mục tiêu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: