Những ngày tháng Sáu đầy ắp sự kiện trọng đại của tỉnh và đất nước, cùng với đội ngũ những người làm báo cả nước, người làm báo tỉnh Yên Bái đang có rất nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022).
Trong đó, phải kể đến phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn: học Bác, làm báo là để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà báo lớn của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã dạy: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Để cụ thể hóa lời dạy đó của Người, trong từng trang viết, mỗi bài báo đòi hỏi người làm báo phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện để luôn giữ cho mình “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Nhà báo trong mọi thời đại đều là những người phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, là người bắc cầu nối tình dân – nghĩa Đảng thông qua công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tới nhân dân và ngược lại, mang tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng.
Vì thế, để phục vụ nhân dân được tốt hơn, nhà báo phải đến với dân, ăn cùng dân, ở cùng dân, sâu sát cơ sở để lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhân dân. Từ đó, mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, báo chí là một kênh thông tin tham gia giúp cấp ủy, chính quyền các cấp hoạch định chính sách, đề ra chủ trương, đường lối, nghị quyết đúng đắn, sát thực tế và hợp lòng dân, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp.
Để tránh tình trạng thương mại hóa báo chí, chạy theo cơ chế thị trường, suy giảm đạo đức, lối sống và phản ánh thực tế không trung thực, khách quan, Bác Hồ cũng đã dạy người làm báo: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nói lên, không cần phải bịa đặt ra”; “nói có sách, mách có chứng”, chỉ rõ “cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào”…
Vì thế, mà trong hàng ngàn bài báo chủ yếu phục vụ nhân dân của Bác đều phản ánh rất trung thực từ nỗi đau khổ cùng cực của người dân mất nước, tới niềm vui sướng tột bậc khi được hưởng cuộc sống tự do, hòa bình. Hay, nỗi day dứt của người cầm bút chân chính trước những bất công, hủ tục, tệ nạn và sử dụng ngòi bút làm vũ khí sắc bén, vạch trần tội ác của kẻ thù, tạo sức mạnh lan tỏa, khích lệ, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân.
Có lẽ, những người làm báo Yên Bái đều chưa quên bài học của cựu nhà báo Lê Duy Phong – nguyên Trưởng ban Ban Bạn đọc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Vốn là một nhà báo năng nổ, tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, song do bản lĩnh, lập trường tư tưởng không vững vàng đã nhanh chóng bị những cám dỗ của cơ chế thị trường hạ gục. Bài học đó cho thấy, chỉ có chuyên môn, năng lực thôi chưa đủ mà nhà báo chân chính hôm nay phải đi tiên phong trong đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của kẻ địch để định hướng dư luận xã hội, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân mà như Bác Hồ dạy, phải “có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.
Học tập phong cách làm báo của Bác, những năm qua, đội ngũ những người làm báo nói chung và Báo Yên Bái nói riêng đã phát huy được thế mạnh, đảm bảo thông tin nhanh nhạy, chân thực, khách quan, chính xác, kịp thời, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội theo đúng định hướng và tôn chỉ, mục đích tờ báo của Đảng bộ tỉnh.
Góp phần khơi dậy truyền thống, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, niềm tự hào dân tộc; phát hiện, biểu dương tuyên truyền sâu rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; tích cực đấu tranh chống lại những cái xấu, những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội.
Đặc biệt, cùng với những nhà báo tên tuổi, có kinh nghiệm, Báo Yên Bái hôm nay đã có thêm nhiều phóng viên trẻ có bản lĩnh chính trị, yêu nghề, sâu sát với cơ sở, gắn bó với nhân dân, có những tác phẩm tốt, hiệu quả chính trị – xã hội cao, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được các cấp, các ngành của tỉnh và Trung ương khen thưởng như các nhà báo: Quang Thiều, Văn Toàn, Mạnh Cường, Hùng Cường, Thanh Chi, Hoài Anh, Thu Trang…
Học tập phong cách làm báo của Bác để phục vụ nhân dân được tốt hơn đã, đang và sẽ mãi là yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với mỗi nhà báo nói chung và các nhà báo Báo Yên Bái nói riêng. Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay chính là thời điểm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái ra sức thi đua lao động, học tập, đưa Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Đây cũng là dịp để mỗi nhà báo tăng cường trau dồi thêm đạo đức nghề nghiệp gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những tác phẩm báo chí chất lượng, phản ánh trung thực mọi mặt đời sống xã hội của nhân dân như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Tự hào hơn nữa đời người được làm báo Đảng
Ngày 21/6 năm nay, đông đảo những người làm báo cùng nhân dân cả nước kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí Việt Nam ra đời cách đây hàng trăm năm, bắt đầu từ tờ báo in chữ quốc ngữ đầu tiên. Nhưng phải đến năm 1925 nền báo chí cách mạng mới xuất hiện mở đầu là tờ báo Thanh niên của Việt Nam cách mạng đồng chí hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, ra số đầu tiên vào ngày 21/6. Nhà báo Nguyễn Bội Đông – nguyên Tổng biên tập Báo Yên Bái. Trong 97 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi có hơn 37 năm hoạt động cùng báo chí, trong đó có 25 năm được vinh danh làm báo Đảng – tờ báo của Đảng bộ địa phương, là cơ quan ngôn luận của Đảng, là tiếng nói của chính quyền và nhân dân với trọng trách là đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, đến đồng bào các dân tộc và góp phần động viên, cổ vũ, tìm ra được những nhân tố, điển hình đưa chủ trương, đường lối, chính sách trở thành hiện thực trong cuộc sống và là diễn đàn để nhân dân bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình với Đảng và Nhà nước. Trong công cuộc đổi mới, báo Đảng không ngừng khơi dậy tinh thần đổi mới, phát triển và biểu dương rất kịp thời những nhân tố, những điển hình tiên tiến; báo Đảng đã thổi một luồng sinh khí mới đến mọi miền quê, mọi tổ chức Đảng, đoàn thể và nhân dân khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Và phải nói rằng, tờ báo của Đảng bộ đã có những đóng góp rất xứng đáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Nghề báo cho tôi sự trưởng thành Nếu tôi đến với nghề báo có thể coi là một cái duyên thì việc theo đuổi nghề báo đến bây giờ là đam mê. Đam mê với những chuyến đi, đam mê với việc tìm kiếm đề tài, đam mê trong tìm cách thể hiện, đam mê với những khuôn hình và đam mê với những câu chuyện mà mình muốn kể với công chúng. Nhà báo Hoàng Hà – Phó Trưởng phòng Chuyên đề, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Hơn 17 năm liên tục tham gia làm báo chuyên nghiệp với rất nhiều tác phẩm báo chí, tôi đã không ngừng nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức thể hiện để tích lũy nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Thông qua mỗi tác phẩm báo chí là bài học trân quý giúp tôi trưởng thành hơn, từ đó không chỉ người tốt được tôn vinh, việc làm tốt được lan tỏa mà nét đẹp của con người Yên Bái được tỏa sáng. Nhà báo cũng là cán bộ dân vận Với đặc thù huyện Mù Cang Chải có trên 90% dân số là đồng bào Mông, địa hình đồi núi dốc, giao thông đi lại không thuận lợi nên quá trình đi thực tế cơ sở rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bên cạnh đó, quá trình tác nghiệp cũng có những khó khăn riêng, vì người dân thường xuyên đi làm đồng, làm nương rẫy xa nhà nên khó gặp được nhân vật theo kế hoạch dự định. Với lợi thế bản thân cũng là người Mông nghe, nói, hiểu ngôn ngữ cũng như phong tục, tập quán của đồng bào nên có nhiều thuận lợi khi đi cơ sở. Lợi thế đó đã giúp tôi hoà nhập nhanh với bà con, tạo được lòng tin để bà con yên tâm chia sẻ chân thành về công việc, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của mình. Phóng viên Hờ A Cớ – Trung tâm Truyền thông và Văn hoá huyện Mù Cang Chải. Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công việc của một phóng viên còn cho tôi cơ hội để tuyên truyền, vận động đồng bào mình xoá bỏ hủ tục, giữ gìn văn hoá truyền thống, xây dựng nông thôn mới; vận động, thuyết phục bà con không nghe theo lời kẻ xấu xuất cảnh trái phép, không làm những việc trái với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Với cá nhân tôi, công việc làm báo và nhà báo cũng là làm dân vận. |