TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 4 NĂM 2022 CỦA ĐẢNG BỘ KHỐI CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP TỈNH YÊN BÁI

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 4  NĂM 2022  CỦA ĐẢNG BỘ KHỐI CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP TỈNH YÊN BÁI

THÔNG TIN ĐẢNG BỘ KHỐI

  1. Đảng ủy Khối triển khai đợt 1 Cuộc vận động quảng bá, sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thực hiện Công văn số 347- CV/BTGTU, ngày 08/3/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về  đôn đốc, hướng dẫn triển khai đợt 1 Cuộc vận động quảng bá, sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng ủy Khối yêu cầu các chi, đảng bộ cơ cở, đoàn thể khối tổ chức hưởng ứng, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động tham gia viết bài, tác phẩm báo chí về công tác xây dựng Đảng trên các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thuộc các lĩnh vực công tác tổ chức; tuyên giáo; kiểm tra; dân vận; đối ngoại; phòng, chống tham nhũng… được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in; phát thanh; truyền hình; báo điện tử; ảnh báo chí do Bộ Văn hóa – Thông tin trước đây và Bộ Thông tin – Truyền thông hiện nay cấp phép.

Hồ sơ tham dự Giải Báo chí về xây dựng Đảng được chuẩn bị 03 bộ.  gửi về Đảng ủy Khối (qua Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối) để xét chọn và tham gia giải thưởng của Tỉnh. Thời gian: Trước ngày 15 tháng 10 năm 2022.

Ban Thường vụ Đảng ủy Khối sẽ có hình thức khen thưởng đối với các chi, đảng bộ cơ sở có nhiều tác phẩm dự thi, các tác giả và nhóm tác giả là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động trong khối đạt giải cao của Cuộc vận động và Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng.

  1. Đảng ủy Khối triển khai cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai năm 2022.

Nhằm tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc thi  thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai năm 2022, Đảng ủy Khối đã triển khai cuộc thi tới các chi, đảng bộ cơ sở và các Đoàn thể Khối cụ thể đó là:

– Nội dung: Tập trung 03 nhóm chủ đề:

+ Nhóm 1: Bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

+ Nhóm 2: Nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay và sự nghiệp đổi mới, góp phần bảo vệ, lan tỏa Nghị quyết Đại hội XIII, tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

+ Nhóm 3: Thực tiễn và kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

– Số lượng: Thành viên Ban Chỉ đạo 35 Đảng ủy Khối: 07 bài, mỗi đồng chí 01 bài; thành viên Tổ thư ký, Tổ cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35: 90 bài, 01 bài/đồng chí.

– Thời gian, địa điểm gửi bài: Trước ngày 10/7/2022 (tính theo dấu Bưu điện). Địa chỉ gửi bài: Các bài viết tham gia dự thi gồm bản in (khổ A4) và file mềm (định dạng Microsft Word) gửi về Đảng ủy Khối (qua Ban Tuyên giáo Đảng ủy).

  1. Đảng ủy Khối chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Thực hiện Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 08/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo cấp uỷ các chi, đảng bộ cơ sở tiến hành tổng kết như sau:

– Căn cứ vào tình hình thực tiễn các chi, đảng bộ cơ sở tiến hành tổng kết Nghị quyết bằng hình thức phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Nội dung báo cáo tổng kết đánh giá khái quát kết quả đạt được về triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kết luận số 52-KL/TW, chỉ rõ tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đề xuất mục tiêu, giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của chi, đảng bộ cơ sở thời gian tới, gửi Đảng ủy Khối (qua Ban Tuyên giáo) trước ngày 15 tháng 7 năm 2022.

– Mốc thời gian tổng kết: Tính từ khi ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW đến hết năm 2021 và kết quả thực hiện nhiệm vụ đến tháng 6 năm 2022; đề xuất nội dung phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

  1. Đảng ủy Khối triển khai học tập chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước”

Thực hiện Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnhủy, nhằmnâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên, hội viên về tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng trong xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước. Qua đó, tích cực học tập, rèn luyện và thực hành nêu gương xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Đảng ủy Khối đã chỉđạo triển khai chuyên đề 2022 với nội dung cơ bản đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, con người; quan điểm của Đảng ta về xây dựng văn hóa, con người trong giai đoạn hiện nay; Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong quá trình nghiên cứu, học tập phải chú trọng việc liên hệ, thảo luận về thực trạng và nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và  quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Quy định số 16-QĐ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vềthực hiện văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị tại Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trên cơ sở đó, các chi, đảng bộ cơ sở, các đoàn thể khối cụ thể hóa nội dung chuyên đề gắn với nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị văn hóa, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, có khát vọng xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên bổ sung nội dung thực hiện chuyên đề 2022 vào bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu năm 2022. Kết quả thực hiện chuyên đề là một nội dung trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

THÔNG TIN TRONG TỈNH

  1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2022 – 2025. Việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội theo đúng quy định của Điều lệ Đảng; giúp các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện thống nhất, bảo đảm tổ chức thành công đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2022 – 2025 trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội phải được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chu đáo, bảo đảm đúng trình tự, đầy đủ nội dung theo quy định. Đồng thời, phải thực hiện theo phương châm kế thừa, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm an toàn, thiết thực, không phô trương, hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực; phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu.

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, thôn, bản, tổ dân phố gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Thông qua đại hội, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2022 – 2025 có nhiệm vụ Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 – 2022 và xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của chi bộ trong nhiệm kỳ 2022-2025; Bầu chi ủy (nếu có), bí thư, phó bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025.

Thời gian tổ chức đại hội không quá 01 ngày, Đại hội điểm xong trước ngày 30/4/2022, đại hội các chi bộ tổ chức xong trong tháng 5/2022 (trường hợp liên quan đến việc sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, thực hiện xong trước ngày 30/6/2022). Trên cơ sở có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và thống nhất phân công cấp ủy cấp trên dự, chỉ đạo việc tổ chức đại hội thì khuyến khích các đảng bộ huyện, thị, thành ủy chỉ đạo tổ chức đồng loạt đại hội chi bộ ở loại hình thôn, bản, tổ dân phố trong các ngày nghỉ cuối tuần vào tháng 05/2022.

Căn cứ tình hình dịch Covid-19, các cấp ủy cơ sở chỉ đạo thời gian và chương trình đại hội phù hợp, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.

Chuẩn bị văn kiện Đại hội và tổ chức thảo luận

Chuẩn bị văn kiện: Văn kiện đại hội phải được cấp ủy, nhất là người đứng đầu quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo, chất lượng, khả thi, phù hợp với đặc điểm của từng chi bộ.

Báo cáo chính trị phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế về kết quả lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2022 của chi bộ; kết quả tự phê bình và phê bình của chi ủy; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2020 – 2022; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2022 – 2025, hướng tới việc phấn đấu xây dựng chi bộ kiểu mẫu.

Dự thảo nghị quyết đại hội cần được tổng hợp, trình bày ngắn gọn, dễ hiểu những định hướng lớn, những nội dung cơ bản, quan trọng của dự thảo báo cáo chính trị và những nội dung theo chương trình để đại hội thảo luận, quyết định.

Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội phải cụ thể hóa được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong dự thảo nghị quyết đại hội thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành để tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội.

Đại hội phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đảng viên trong thảo luận đối với các văn kiện trình đại hội; bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả; các ý kiến khác nhau cần giành thời gian thảo luận, tranh luận, làm rõ, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng.

Công tác chuẩn bị nhân sự đại hội

Căn cứ tiêu chuẩn cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch số 145-KH/TƯ ngày 02/7/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với cấp ủy chi bộ trong kế hoạch tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, bảo đảm phù hợp, nâng cao chất lượng cấp ủy.

Cấp ủy, chi bộ phải thực hiện đúng quy trình, quy chế, quy định của Đảng; nhân sự cấp ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ phải bảo đảm về tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, uy tín. Chú ý phát hiện những nhân tố mới, có đức, có tài, có triển vọng phát triển phù hợp với quy hoạch chung của đảng bộ, chi bộ; chú trọng quan tâm đến những cán bộ, đảng viên trẻ, có uy tín, năng lực. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, cấp uỷ cơ sở phải chỉ đạo chặt chẽ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của tập thể cấp uỷ và cán bộ, đảng viên trong chi bộ; công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự, chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bè phái hoặc thái độ nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và tình hình thực tiễn của chi bộ, đảng ủy cơ sở xem xét, phê duyệt phương án nhân sự để giới thiệu cho đại hội chi bộ bầu theo đúng Quy chế bầu cử trong Đảng; đồng thời, bảo đảm điều kiện thực hiện tốt các chủ trương: Đối với chi bộ thôn, bản, tổ dân phố, cơ bản thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận; không thực hiện phó bí thư chi bộ chuyên trách công tác Đảng mà phải kiêm nhiệm thêm 01 chức danh (phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận hoặc đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố). Phấn đấu 100% trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên; Đối với chi bộ trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang, thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ với người đứng đầu tương ứng (trừ trường hợp không còn đủ tuổi công tác đến hết nhiệm kỳ).

Việc bầu cử trong đại hội thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 244-QD/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 20/3/2020 của Ban Chấp hành Trung ương hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Chi bộ có dưới 09 đảng viên chính thức bầu bí thư chi bộ, nếu cần bầu một phó bí thư; chi bộ có từ 09 đảng viên chính thức trở lên bầu chi ủy, bầu bí thư, phó bí thư chi bộ trong số chi ủy viên; chi bộ đông đảng viên bầu không quá 07 chi uỷ viên (tuỳ số lượng đảng viên hiện có của từng chi bộ, đảng ủy cơ sở chỉ đạo, quyết định số lượng chi ủy viên và cơ cấu cho phù hợp). Đại hội chi bộ bầu chi ủy trước, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số chi uỷ viên.

  1. Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Kế hoạch số 63-KH/TU Ngày 25/2/2022về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2022.

Kế hoạchvề nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2022 nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện nhiệm vụ nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Chương trình hành động số 56 CTr/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022.

Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chỉ số phúc người dân Yên Bái năm 2021, tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ, pháp nâng hạnh phúc của người dân năm 2022; trong đó, ưu chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính tiếp nối, lâu khuyến khích các mô hình mới, cách làm hay trên các lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng làm hàm chi số hạnh phúc và nâng cao chỉ số phúc với mục tiêu đưa Yên Bái phát nhanh, bền vững hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” đã được xác định trong quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 2025.

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, kế hoạch nêu mục tiêu cụ thể là: phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2022 đạt 61,2%, tăng 3,09% so với năm 2021.

Các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm nêu trong kế hoạch là: tập trung triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống. Cụ thể là đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân người dân; phấn đấu năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,5% (giả so sánh năm 2010); tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người đạt 50,0 triệu đồng/người.

Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 đạt trên 4,54%, có thêm ít nhất 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thể mạnh, sử dụng nhiều lao động địa phương, phấn đấu thành lập mới trên 300 doanh nghiệp, 80 hợp tác xã và 300 tổ hợp tác; mỗi địa phương cấp huyện phát triển mới từ 1 – 2 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo việc làm cho trên 50 lao động.

Toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 19.500 lao động; tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về học nghề; phân luồng, thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông tham gia học nghề; phấn đấu đào tạo nghề cho 18.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 66% (trong đó tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ là 34,9%), chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho 6.650 người…

Để thực hiệnđảm bảo các nội dung, yêu cầu theo Kế hoạch số 63- KH/TU, ngày 25/02/2022, Đảng ủy Khối yêu cầu các chi, đảng bộ trực thuộc lãnh đạo cán bộ, đảng viên tích cực tham mưu, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao, nhằm thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2022 của ngành, cơ quan, đơn vị mình đảm bảo cụ thể, chi tiết và bám sát các tiêu chí chung được quy định trong kế hoạch để thực hiện chỉ số hạnh phúc. Đồng thời, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nhận thức sâu sắc và toàn diện về ý nghĩa, tính nhân văn, tạo sự đồng thuận, có các giải pháp trong việc triển khai thực hiện nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái.

Các chi, đảng bộ trong khối doanh nghiệp quan tâm tham gia hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo, đặc biệt là chương trình làm nhà ở cho hộ nghèo, qua đó góp phần giúp đỡ công nhân, người lao động, nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh, và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đối vớiĐảng bộ Bưu điện tỉnh; Đảng bộ VNPT Yên Bái quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất bưu chính, viễn thông, mở rộng vùng phù sóng khắc phục vùng “ lõm sóng”  trên địa bàn tỉnh.

THÔNG TIN TRONG NƯỚC

  1. Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022)

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ, chính quyền ngụy Sài Gòn và trải qua 5 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Giai đoạn 2: Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Giai đoạn 3: Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc. Giai đoạn 4: Từ năm 1969 đến năm 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh đoàn kết, chiến đấu của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán. Giai đoạn 5: Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực mới, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa rất quan trọng, là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc; đánh dấu bước ngoặt quyết định, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Nguyên nhân của thắng lợi vĩ đại này, trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hai là, Nhân dân và các lực lượng vũ trang đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ; lao động quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ba là, cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đánh Mỹ và thắng Mỹ. Năm là, phát huy tinh thần đoàn kết; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta rút ra những kinh nghiệm quý báu: (1) Xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam. (2) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. (3) Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam. (4) Chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo, nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định. (5) Phải luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng.

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm. Cho đến nay, mặc dù số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhưng nhờ độ bao phủ vaccine tốt nên tỷ lệ tử vong thấp, dịch cơ bản đã được kiểm soát; kinh tế, xã hội từng bước được phục hồi, phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để góp phần phát huy giá trị truyền thống, ý nghĩa lịch sử Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ,  nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; trong đó cần nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm… Từ đó, tiếp tục bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho đông đảo quần chúng nhân dân.

Hai là, tuyên truyền khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt là đấu tranh đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Ba là, tuyên truyền về các hoạt động Kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải bảo đảm đúng định hướng, hiệu quả, an toàn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với các hoạt động thiết thực, cụ thể, các nội dung tuyên truyền cần cổ vũ, động viên, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với đất nước.

  1. Đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron, trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Theo Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá dịch Covid-19 vẫn còn trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến chủng không lường trước của virus SARS-CoV-2. Tuy vậy, dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Số ca mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua, số người mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày.

Biến chủng Omicron có xu hướng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận xuất hiện ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2[1] chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron; tại Thành phố Hồ Chí Minh, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Tuy nhiên, do tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt đã có sự quan tâm chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/số ca mắc trên toàn quốc giảm sâu. Tỷ lệ tử vong/số ca mắc, số ca đang điều trị tại bệnh viện, số ca nặng, nguy kịch đã giảm rất nhiều so với thời gian trước đây.

Để hạn chế cũng như giảm các nguy cơ lây lan của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, thực hiện 5K; nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà, không áp dụng theo các hướng dẫn từ các nguồn thông tin không tin cậy, chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, phân luồng, phân tuyến điều trị. Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp nhằm đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Các địa phương hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vaccine Covid-19 trong tháng 3/2022.

Bộ Y tế khẳng định: Vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt đã có sự quan tâm chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường và hoàn thành sớm tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vaccine phòng Covid-19 cho người dân.

Nhằm tiếp tục lan tỏa quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, khu vực và trong nước; đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng và các địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của người dân.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân đồng lòng thực hiện tốt phương châm phòng, chống dịch “5K + vaccine + công nghệ”, để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Ba là, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của người dân, kịp thời định hướng dư luận; đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không được kiểm chứng về tình hình dịch Covid-19.

  1. Kết quả Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022 – 2027
  2. 1. Một số kết quả chủ yếu của Đại hội

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 – 2027 tổ chức từ ngày 09 – 11/3/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 959 đại biểu chính thức, là những phụ nữ tiêu biểu có quá trình cống hiến trên các lĩnh vực công tác Hội, công tác Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, lực lượng vũ trang các cấp, đại diện các dân tộc, tôn giáo, các lĩnh vực hoạt động xã hội. Với chủ đề “Đoàn kết – Sáng tạo – Hội nhập – Phát triển” và ý thức trách nhiệm cao trước phong trào phụ nữ cả nước, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp, thể hiện trên 5 phương diện chủ yếu sau:

Thứ nhất, quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội, nhất là việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Báo cáo Chính trị được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng chủ trương, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chiến lược, các chương trình Mục tiêu quốc gia có liên quan trực tiếp tới công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Thứ hai, công tác nhân sự được tiến hành kỹ lưỡng, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa 13 gồm 155 đồng chí, đảm bảo tính kế thừa, đại diện tiêu biểu cho các lực lượng phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, các Ủy viên Ban Chấp hành tham gia tập trung thảo luận với tinh thần dân chủ xây dựng về Đề án nhân sự Đoàn Chủ tịch, Đề án nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Hội nghị đã bầu 31 đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII; 100% Ủy viên Ban Chấp hành có mặt đã bầu đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII; bầu 04 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Thứ ba, hình thức thảo luận, trao đổi thông tin cũng được đổi mới trong kỳ Đại hội lần này. Tại Đại hội, đã có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. Trong đó, có 18 tham luận và 10 clip trình bày tại các phiên toàn thể của Đại hội.

Thứ tư, công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hộiđược lan tỏa sâu rộng, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi ở tất cả các cấp Hội trong cả nước. Nhiều tỉnh/thành phố phổ biến tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ theo dõi truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Đại hội, phát trailer về Đại hội trên các trang Fanpage, nhiều tin, bài, phóng sự về Đại hội được đăng tải trên các đài, báo Trung ương và địa phương.

Thứ năm,công táchậu cần, an ninh của Đại hội đảm bảo chu đáo, an toàn. Trong quá trình tổ chức, Đại hội đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả từ các cơ quan, đơn vị, giúp Hội LHPN Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện và trong suốt quá trình tổ chức Đại hội…

Đại hội thông qua Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu của phong trào phụ nữ, công tác Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Điểm mới căn bản trong điều lệ là: (1) Công nhận, bổ sung quy định về hội viên danh dự nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có tầm ảnh hưởng, đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ, hoạt động Hội; (2) thành lập Ủy ban Kiểm tra các cấp Hội để đảm bảo tập trung xây dựng và thực hiện chuyên nghiệp hơn trong nhiệm kỳ tới.

3.2. Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022 – 2027

Trên cơ sở quan điểm của Đảng về định hướng phát triển đất nước, Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035, Đại hội đã thống nhất, nhiệmkỳ XIII xác định 03 nhiệm vụ trọng tâm theo 3 yếu tố quan trọng của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội:

(1) Tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Trong đó, trọng tâm là các nội dung:i) Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế; ii)Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em; iii) Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.      

(2) Tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện chức năng trên, chú trọng giám sát, phản biện xã hội và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Trong đó, trọng tâm là: i)Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ii) Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; iii) Thực hành dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức Hội; iv) Vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

(3) Tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế.Trong đó, trọng tâm là: i) Phát triển mạng lưới, thu hút hội viên, thành viên; ii) Nâng cao chất lượng cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội các cấp; iii) Xây dựng văn hóa tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành bộ máy cơ quan chuyên trách và hệ thống Hội; iv) Nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức Hội trong quan hệ đối ngoại.

Để thực hiện 03 nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm kỳ XIII, Đại hội sẽ tập trung vào 04 nhóm giải pháp chủ yếu là:

(i) Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức.

(ii) Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành.

(iii) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.

(iv) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và vận động nguồn lực.

Với tinh thần “Đoàn kết – Sáng tạo – Hội nhập – Phát triển”, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần tự chủ, sáng tạo, hội nhập, khát vọng vươn lên, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vì một nước Việt Nam phồn vinh, vì sự tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng của phụ nữ.

Nhằm lan tỏa thành công của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền về kết quả Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhấn mạnh các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp mà Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ 2022 – 2027, gắn với các phong trào thi đua của các cấp Hội Phụ nữ.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền các phong trào thi đua của phụ nữ về “Đoàn kết – Sáng tạo – Hội nhập – Phát triển” gắn với việc khẳng định vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, từng bước hội nhập quốc tế.

Ba là, từ kết quả Đại hội lần này, cần tiếp tục tuyên truyền để lan tỏa tinh thần của Đại hội đến các cấp hội Phụ nữ trong việc phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy vai trò, vị trí, sự cống hiến của phụ nữ Việt Nam. Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam năng động, sáng tạo, vươn lên khẳng định mình, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.

THÔNG TIN THẾ GIỚI

1.Công tác bảo hộ công dân Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine

Từ ngày 24/02/2022, tình hình ở Ukraine diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang nhanh chóng lan rộng trên lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng người Việt Nam đang cư trú, học tập và làm việc tại Ukraine.

Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, các cuộc giao tranh căng thẳng giữa quân đội Nga và Ukraine đã khiến số người tị nạn chạy khỏi các vùng chiến sự của Ukraine gia tăng, vượt mức 1,5 triệu người. Các cơ quan chức năng của Liên Hợp quốc dự báo, dòng người lánh nạn sẽ ngày càng tăng trong những ngày tới, có thể lên tới 4 triệu người. Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Ukraine có khoảng 7.000 người, sống tập trung tại một số thành phố lớn như Kiev (khoảng 800 người), Kharkov (khoảng 3.000 người), Odessa (khoảng 3.000 người) và một số thành phố nhỏ khác như Kherson, Donetsk…

Trước các diễn biến căng thẳng của tình hình Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần nêu lên quan điểm của mình về vấn đề nhân đạo và nhân quyền. Phát biểu tại Phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ngày 02/3/2022), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và mong muốn có thêm các nỗ lực để tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường, bao gồm cả người tị nạn, đảm bảo an toàn và tạo điều kiện sơ tán cho tất cả công dân nước ngoài sinh sống tại Ukraine.

Với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraine, một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan. Ngày 26/02/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo tại Công điện số 201 về bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine. Ngày 06/3/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo trực tiếp liên quan tới công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ kiều bào tại Ukraine. Trong đó, nhấn mạnh truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, “tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay”, không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương, không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh và đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị; dành ưu tiên cao nhất cho công tác này; có phương án triển khai cụ thể, quan trọng nhất là đưa kiều bào ra khỏi vùng chiến sự an toàn.

Tính đến hết ngày 02/3/2022 (theo giờ Việt Nam), phần lớn bà con ở Kiev và Odessa và hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán ra khỏi vùng chiến sự và đang được bố trí sang lánh nạn các nước lân cận. Việt Nam đã tổ chức thành công hai chuyến bay đưa công dân lánh nạn từ Romania ngày 07/3/2022 do Vietnam Airlines thực hiện và từ Ba Lan ngày 09/3/2022 do Bamboo Airways thực hiện. Như vậy, qua hai chuyến bay bảo hộ công dân, Việt Nam đã đưa được gần 600 người Việt ở Ukraine về nước an toàn.

Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, một số kênh truyền thông nước ngoài và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã tuyên truyên, xuyên tạc cho rằng “Chính phủ Việt Nam rất chậm và kém hiệu quả trong việc bảo vệ công dân của mình tại Ukraine”, nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động sơ tán người dân. Trước tình hình đó, công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian tới cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền khẳng định nhưng quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với vấn đề thực hiện bảo hộ công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài; tuyên truyền khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc.

Hai là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh có hiệu quả với những phần tử cơ hội chính trị, thù địch lợi dụng sự việc ở Ukraine để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Ba là, tăng cường tuyên truyền về tinh thần tương thân tương ái, về truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam thông qua các nghĩa cử, hành động cao đẹp. Khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước của bà con ta ở Ukraine cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

  1. Một số dự báo về thị trường dầu mỏ thế giới năm 2022

Cuối năm 2021, nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đưa ra các kịch bản, đánh giá đối với thị trường dầu mỏ. Nhìn chung, đa phần đều dự đoán triển vọng tích cực đối với giá dầu trong năm 2022. Mặc dù đã được dự đoán sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2022, nhưng giá dầu vẫn làm cộng đồng thế giới bất ngờ khi liên tiếp xác lập những đỉnh giá mới trong thời gian gần đây.

Sau hơn hai năm đối phó với đại dịch Covid-19, năm 2021, nền kinh tế thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi khi nhiều quốc gia đã dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Hoa Kỳ và một số quốc gia không ngừng tăng sau khi nền kinh tế hoạt động trở lại là nguyên nhân đẩy giá dầu tăng cao kỷ lục trong năm 2021. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2021, giá dầu thô đạt mức 76,56 USD/thùng.

Bước sang năm 2022, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến nhu cầu dầu mỏ thế giới. Nhiều tổ chức tư vấn dự báo, nhu cầu dầu mỏ trong quý I sẽ tạm thời suy giảm và phục hồi trở lại vào quý II. Theo quan điểm của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ảnh hưởng của biến thể Omicron chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, do dịch Covid-19 xuất hiện diễn biến mới nên sự phục hồi về nhu cầu sẽ tạm thời chậm lại.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine được coi là diễn biến khởi đầu, nghiêm trọng và tác động mạnh tới thị trường năng lượng toàn cầu. Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và chủ yếu bán dầu thô cho các công ty lọc dầu châu Âu. Nga cũng là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất cho khu vực này, chiếm khoảng 35% nguồn cung khí đốt. Tình hình căng thẳng Nga – Ukraine được cho là nguyên nhân mạnh mẽ nhất khiến giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong quý I năm 2022. Cùng với việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga như một biện pháp trừng phạt, ngày 08/3/2022, giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ ngày 24/2/2022.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định, giá dầu có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm 2022 nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một trong những “cú sốc” năng lượng lớn nhất từ trước đến nay. Bản đồ năng lượng toàn cầu có thể sẽ được định hình lại. Do đó, tình hình căng thẳng ở Ukraine và những hệ lụy đi kèm sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu một cách mạnh mẽ trong ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình phục hồi “hậu Covid-19” có thể sẽ bị chậm lại.

Mặc dù vậy, vẫn có những nhận định lạc quan cho rằng giá dầu sẽ dần hạ nhiệt. OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu, đã nâng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày. Mặt khác, giá dầu tăng cũng khuyến khích hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu. Điều này sẽ góp phần giải tỏa sự khan hiếm nguồn cung năng lượng. Bên cạnh đó, chuyển đổi năng lượng toàn cầu đã trở thành xu hướng lớn. Năng lượng tái tạo có hy vọng được củng cố và tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh. Nếu giá các loại hàng hóa chiến lược thế giới luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt là giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên thì sẽ có tác động lớn đến việc phát triển, sử dụng và phổ biến các loại năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời… Điều này đã từng diễn ra vào những năm 2008, khi giá dầu tiến tới ngưỡng 150 USD/thùng, người tiêu dùng bắt đầu sử dụng xe điện và các nguồn năng lượng sạch.

Trước tình hình giá xăng, dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử, các chuyên gia dự báo, giá xăng dầu trong nước trước đợt điều chỉnh giá sắp tới cũng sẽ tăng cao. Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp ảnh hưởng mà bản thân các nhà phân phối xăng dầu cũng chịu tác động lớn. Để hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tính lại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít với dầu, áp dụng từ ngày 01/4 đến hết năm 2022…

Để góp phần ổn định tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước sự biến động của thị trường dầu mỏ thế giới và trong nước thời gian gần đây, công tác tuyên truyền cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời, thường xuyên tình hình dầu mỏ trên thị trường thế giới, những tác động của việc giá dầu tăng cao đến đời sống người dân cũng như doanh nghiệp, sự phát triển kinh tế của các nước.

Hai là, thông tin, tuyên truyền về giá dầu và tình hình cung ứng xăng dầu trên thị trường cả nước, trong đó nhấn mạnh, Chính phủ, các ngành chức năng đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp liên quan đến giá cả, cung – cầu thị trường, cân đối cung – cầu và các phương án điều hành bình ổn giá của Chính phủ.

Ba là, các cơ quan báo chí cần tăng cường phát hiện, phản ánh kịp thời các hành vi kinh doanh không lành mạnh của doanh nghiệp xăng dầu, nhất là việc găm hàng đợi tăng giá, tạo sự khan hiếm giả hàng hóa trên thị trường.

  1. Một số tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây

3.1. Tình hình Bán đảo Triều Tiên

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 06/3/2022 đưa tin, nước này đã tiến hành “cuộc thử nghiệm quan trọng” để phát triển vệ tinh do thám, một ngày sau khi có tin Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo thứ hai chỉ trong một tuần. Đây là vụ thử nghiệm vũ khí thứ 9 kể từ đầu năm đến nay của Triều Tiên. Tên lửa được phóng từ khu vực Sunan, bay khoảng 270 km ở độ cao 560 km. Ngay sau đó, ngày 07/3/2022, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã triệu tập cuộc họp kín về động thái mới nhất của Triều Tiên. Đây là cuộc họp thứ hai của Hội đồng Bảo an trong khoảng một tuần về vụ phóng này. Tại cuộc họp, Tuyên bố chung của 11 quốc gia, bao gồm cả những nước không thuộc Hội đồng Bảo an cho rằng, Triều Tiên đã “phóng tên lửa đạn đạo” và đây là hành động vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ngày 08/3/2022, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã đạt được với cộng đồng quốc tế và Hàn Quốc.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), nhóm giám sát của cơ quan này đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy, có các hoạt động tại lò phản ứng 5 megawatt ở khu phức hợp phía Bắc Triều Tiên. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc cho rằng, Triều Tiên dường như đang xây dựng một khu phụ trợ cho một cơ sở làm giàu urani bằng máy ly tâm tại Yongbyon, mặc dù mục đích của hoạt động này vẫn chưa được xác định.

Vụ thử tên lửa đã nối lại chiến dịch thử nghiệm vũ khí dồn dập của Triều Tiên sau một tháng diễn ra Thế vận hội mùa Đông tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong bối cảnh cả thế giới đang tập trung sự chú ý vào Ukraine. Điều này đã làm dấy lên các lo ngại về vấn đề an ninh tại khu vực Đông Á. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, mục đích vụ thử tên lửa của Triều Tiên là để kiểm tra, cải tiến công nghệ vũ khí và giành được đòn bẩy ngoại giao với Mỹ sau 03 năm không có tiến triển nào trong đàm phán.

3.2. Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc

Ngày 02/3/2022, trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam đã có thông điệp trực tuyến quan trọng tại Phiên họp.

Phiên họp có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao thế giới với hơn 140 Nguyên thủ, Thủ tướng, Bộ trưởng các nước, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva. Nội dung phiên họp đề cập đến những vấn đề thời sự, cấp thiết hiện nay và những ưu tiên của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, thế giới hiện đang trong thời điểm quan trọng, tương lai của nhân loại đang được định hình bởi những vấn đề toàn cầu có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống. Đó là đại dịch Covid-19, tình trạng bạo lực và xung đột, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Bộ trưởng nhấn mạnh, tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp nhân loại tăng cường kết nối với nhau, tăng cường hiểu biết, đối thoại và hợp tác để giải quyết các vấn đề chung.

Tại sự kiện quan trọng và ở cấp cao nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tái khẳng định mong muốn đóng góp của Việt Nam thông qua việc ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2023 – 2025 với thông điệp: “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và Hợp tác. Bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người”.

  1. Xung quanh chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa của Hoa Kỳ

Ngày 11/02/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa với 5 trụ cột: Tự do và rộng mở – Kết nối – Thịnh vượng – An ninh – Có sức chống chịu tốt.

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được cho là một bước tiến nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trọng tâm của chiến lược là hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, nhằm đối phó với những thách thức cấp bách, từ việc cạnh tranh với Trung Quốc đến biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch. Đồng thời, chiến lược cũng thừa nhận một thực tế không thể phủ nhận là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trên thế giới và tương lai của nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Trong chiến lược, chính quyền của Tổng thống J.Biden cam kết tăng cường vai trò của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế. Hoa Kỳ sẽ củng cố khả năng “răn đe” trước những động thái “gây hấn” quân sự nhằm vào Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong khu vực. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác. Theo đó, Mỹ theo đuổi 5 mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Thứ nhất là tự do và rộng mở. Các biện pháp cụ thể gồm: (1) Đầu tư vào các thể chế dân chủ, báo chí tự do và một xã hội dân sự năng động; (2) Cải thiện minh bạch tài khóa ở khu vực và thúc đẩy cải cách; (3) Đảm bảo các vùng biển và bầu trời của khu vực được quản lý và sử dụng dựa theo luật pháp quốc tế; (4)Thúc đẩy các phương pháp tiếp cận chung đối với các công nghệ then chốt và mới nổi, internet và không gian mạng.

Thứ hai là kết nối. Theo đó, Mỹ xác định các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: (1) Tăng cường liên minh hiệp ước trong khu vực với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; (2) Tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương; (3) Đóng góp cho một ASEAN ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất. Ngoài ra, Mỹ hướng đến tăng cường nhóm Bộ Tứ và thực hiện các cam kết của Nhóm; ủng hộ sự tiếp tục trỗi dậy cũng như vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong khu vực; phối hợp để tăng cường khả năng chống chịu cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương; tạo dựng kết nối giữa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với khu vực châu Âu – Đại Tây Dương; mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á và các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Thứ ba là thịnh vượng. Mỹ sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng thông qua: (1) Đề xuất một khuôn khổ kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (2) Thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC); (3) Thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong khu vực thông qua sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn cùng với các đối tác trong nhóm G7.

Thứ tư là an ninh. Các mục tiêu cụ thể: (1) Tăng cường khả năng răn đe tổng hợp; (2) Thắt chặt hợp tác và tăng cường khả năng phối hợp cùng với các đồng minh và đối tác; duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan (Trung Quốc); (3) Đổi mới để tác nghiệp hiệu quả trong môi trường mới với mối đe dọa thay đổi nhanh chóng, bao gồm không gian, không gian mạng, các lĩnh vực công nghệ then chốt và mới nổi.

Bên cạnh đó, Mỹ hướng đến tăng cường khả năng răn đe và phối hợp mở rộng với các nước đồng minh, gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; tiếp tục thực hiện các mục tiêu của AUKUS; mở rộng sự hiện diện của Tuần duyên Mỹ cũng như hợp tác chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia khác; vận động Nghị viện để tài trợ cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương và Sáng kiến an ninh biển.

Thứ năm là có sức chống chịu. Mỹ nỗ lực hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm xây dựng các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và chính sách tới năm 2030 và 2050, nhất quán với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C; giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của khu vực trước những tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; chấm dứt đại dịch Covid-19, đồng thời củng cố an ninh y tế toàn cầu.

Việt Nam mong muốn các sáng kiến hợp tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Đồng thời, Việt Nam quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Mỹ, cũng như tất cả đối tác để thúc đẩy nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.

  1. Xu hướng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng “thích ứng linh hoạt” trên toàn cầu

Đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ 3 liên tiếp. Đến nay, thế giới đã có hơn 6 triệu người tử vong. Với những phát triển tích cực trong công nghệ sản xuất vaccine và điều trị, tỷ lệ tử vong do nhiễm Covid-19 của thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm qua. Điều này đã tạo cơ sở để nhiều nước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19.

Trong giai đoạn đầu ứng phó với một dịch bệnh chưa từng có, hàng loạt quốc gia áp dụng các biện pháp dịch tễ truyền thống như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly người nhiễm, cô lập khu vực tiếp xúc người nhiễm, phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và giao thương. Mô hình này sau đó được nhân rộng khắp thế giới với mức độ nghiêm ngặt tùy vào diễn biến dịch Covid-19. Châu Á trở thành hình mẫu chống dịch nhờ tiên phong siết chặt kiểm soát biên giới và truy vết quyết liệt chống lây nhiễm. Theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), ước tính có khoảng 4,2 tỷ người, tương đương 54% dân số thế giới và 60% GDP toàn cầu, sống trong tình trạng phong tỏa một phần hoặc toàn diện. Biện pháp này đã phần nào làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19 nhưng tạo ra sức ép ngày càng lớn trong xã hội và rất nhiều hệ lụy khác đối với nền kinh tế thế giới như: làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gián đoạn logistics, cùng tình trạng thiếu hụt và giá năng lượng tăng cao… Cụ thể, năm 2020 đã chứng kiến sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới. Khoảng 35% số doanh nghiệp toàn cầu bên bờ vực phá sản và hàng trăm triệu người mất việc do dịch bệnh Covid-19. Điều này đã buộc giới chức toàn cầu khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng ngừa, chữa trị Covid-19.

Nỗ lực nghiên cứu toàn cầu đã gặt hái nhiều thành quả, góp phần thay đổi cục diện trong cuộc chiến với virus. Các thành tựu khoa học thần tốc trong hai năm qua đưa thế giới bước vào giai đoạn ứng phó mới. Chương trình tiêm chủng trở thành xương sống chiến lược chống dịch ở các nước. Theo thống kê của tổ chức Our World in Data, tính đến ngày 06/3/2022, đã có hơn 10,8 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, 63,3% dân số thế giới được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Trong đó, nửa sau năm 2021, những nơi sớm đạt tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 trên toàn quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để khôi phục kinh tế.

Điều này cho thấy, quan điểm về ứng phó với Covid-19 trên toàn cầu đến nay đã thay đổi và đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị Covid-19 như điều trị bệnh nhân thông thường. Bởi vậy, dù ở thời điểm hiện tại, tuy số ca mắc mới có tăng cao do sự lây lan của biến thể Omicron, nhưng ngày càng có nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy đại dịch Covid-19 sắp bước sang giai đoạn “bệnh đặc hữu” mà con người có thể sống chung. Điều này được các chuyên gia đưa ra dựa trên cơ sở cho rằng, con người đã có được những hiểu biết nhất định và những công cụ hữu hiệu để chống lại dịch bệnh. Khi Covid-19 được xem là bệnh “đặc hữu” thì nó không còn là bệnh thuộc nhóm A (nhóm nguy hiểm) nữa, mà là một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường. Các cơ sở y tế sẽ tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm biến chứng, giảm tử vong; lập chuyên khoa, công việc chẩn đoán và điều trị giao cho bác sĩ lâm sàng như những khoa bệnh khác.

Từ cuối tháng 02/2022, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, đã công bố kế hoạch dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19. Tại Việt Nam, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3/2022. Đây được coi là bước chuyển quan trọng trong lộ trình sống chung an toàn và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19.

ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ TRONG THÁNG 4

* Thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; sinh hoạt chính trị tư tưởng và tuyên truyền kỷ niệm các hoạt động chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương trong tháng 4, Đề nghị các chi, đảng bộ, cácđoàn thể Khốilựa chọn những nội dung trong tài liệu sinh hoạt chi bộ đểsinh hoạt, trong đó tập trung một số nội dung sau:

1/ Tiếp tục tuyên truyền về việc triển khai và kết quả thực hiện NQTW4 (khóa XI, XII và XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhđề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước” . Tuyên truyền Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 08-02-2022 của Ban Bí thư ‘về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị”;  tuyên truyền Kế hoạch số 63- KH/TU, ngày 25/02/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái về nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2022; tuyên truyền Nghị quyết số  51-NQ/TU, ngày 22/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái “Về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”, 

2/ Tuyên truyền việc triển khai và kết quả bước đầu thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tuyên truyền Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chiến lược phát  triển Gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030… Tuyên truyền kết quả thực hiện NQTW8 khóa XI (Nghị quyết 29-NQ/TW) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tuyên truyền về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuyên truyền những điểm mới và kết quả nổi bật của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2022-2023. Tuyên truyền việc triển khai thực hiện Kết luận 25-KL/TW, ngày 30-12-2021 của Bộ Chính trị “về công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022-2023” cùng với công tác đảm bảo các hoạt động an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội.

3/ Tăng cường tuyên truyền theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối ngoại, thông tin đối ngoại; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; tránh để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, nhất là việc lợi dụng tình hình Ukraine để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

[1]Biến thể BA.2, còn được gọi là “Omicron tàng hình” đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI

 

Bài viết mới nhất: