Hiện nay, Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Yên Bái có 74 chi, đảng bộ cơ sở với gần 4.800 đảng viên, trong có 47 tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan hành chính, 8 tổ chức cơ sở đảng trong đơn vị sự nghiệp, 19 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp. Cán bộ, đảng viên trong khối phần lớn có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị đồng đều ở mức cao, có tầm ảnh hưởng trong công tác lãnh đạo, tham mưu, cụ thể hóa những quyết sách quan trọng, toàn diện của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã tổ chức quán triệt, phổ biến kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, gần đây nhất là Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quyết định số 300-QĐ/TU, ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái; Nghị quyết số 66-NQ/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. ban hành Quy chế số 21 – QC/ĐUK, ngày 01/3/2022 về công tác dân vận trong Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Qua đó, nhận thức về công tác dân vận được nâng cao đã góp phần trực tiếp vào hiệu quả xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ được phân công phụ trách. Đồng thời, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cũng đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đưa công tác dân vận ở cơ sở đi vào nền nếp.
Cùng với đó, bám sát mục tiêu tổng quát năm 2023, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chính trị theo Chương trình hành động số 135 của Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm, Đảng ủy khối đã xây dựng kế hoạch, đề ra các mục tiêu cụ thể với các giải pháp sát với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trong Khối, đặc biệt là trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
Chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; kịp thời cung cấp thông tin, nắm tình hình, báo cáo, đề xuất các chủ trương, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội nghị: “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp; đưa các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể lên sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”.
Cấp ủy cơ sở đã phối hợp với lãnh đạo chuyên môn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ chính trị; đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xây dựng doanh nghiệp giỏi, cơ quan, đơn vị văn hóa. Chỉ đạo cán bộ, đảng viên thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo sự nghiêm minh của nền hành chính góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Kết quả, các chi, đảng bộ khối hành chính, sự nghiệp đã xác định và thực hiện hoàn thành toàn bộ 1.966 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, trong đó: 365 nhiệm vụ cụ thể theo nội dung Chương trình hành động số 135-CTr/TU của Tỉnh ủy và 1.601 nhiệm vụ do ngành dọc cấp trên giao và các cơ quan, đơn vị xác định.
Các chi, đảng bộ khối doanh nghiệp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2023 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, dự ước: Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khối đạt trên 9.899 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,6 triệu đồng/tháng (đạt 106% kế hoạch); nộp ngân sách đạt 870 tỷ đồng, nộp bảo hiểm xã hội đạt trên 60,8 tỷ đồng (bằng 135% kế hoạch).
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác Dân vận chính quyền tại Đảng bộ Khối hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Việc tổ chức quán triệt các quan điểm của Đảng về công tác dân vận ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự chất lượng, thiếu thường xuyên; nhận thức về công tác Dân vận của một bộ phận các bộ, đảng viên chưa đầy đủ, sâu sắc; Hoạt động công tác dân vận, vai trò lãnh đạo của một số tổ chức đảng chưa rõ ràng, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo chuyên môn thiếu cụ thể, không ít cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác dân vận, chưa hiểu rõ về vai trò, nội dung công tác dân vận để xác định gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Tiếp tục phát huy vai trò công tác Dân vận chính quyền tại Đảng bộ Khối, Ban Thường vụ Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục chỉ đạo cấp ủy cơ sở tuyên truyền, thực hiện, theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp lần thứ IX; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị Nghị quyết số 66-NQ/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.
Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTG ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Các nghị định của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình cơ sở; đồng thời kiểm tra giám sát việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của các đoàn thể theo hướng thực chất, hiệu quả; tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát của các tổ chức đoàn thể đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; công tác thi đua khen thưởng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong việc tổ chức thực hiện công tác dân vận; đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” ; theo dõi, phát hiện các điển hình, nhân tố mới để bồi dưỡng, xây dựng; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả trên các lĩnh vực.
Tăng cường chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền ở các cơ quan sở, ngành cấp tỉnh. Kiểm tra, đánh giá người đứng đầu các cơ quan đơn vị trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhất là minh bạch về chi tiêu tài chính công, quản lý tài sản công, công tác tổ chức cán bộ.
Hoàng Phòng