Cần phát huy tốt “hạt giống” chính trị – Bài cuối: Xây dựng Đảng mạnh từ cơ sở

Nhờ chủ động, sáng tạo và tập trung lãnh đạo toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, từ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Nhiều vấn đề mới xuất hiện trong thực tiễn được giải quyết kịp thời, góp phần quan trọng bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng chí Đỗ Đức Duy – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái tham gia “Ngày thứ Bảy cùng dân” tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. (Ảnh: Mạnh Cường)
Những vấn đề đặt ra
Đến ngày 30/6/2021, Đảng bộ tỉnh Yên Bái có 498 tổ chức cơ sở Đảng trong đó, 311 đảng bộ, 187 chi bộ, 2.736 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và trên 58.000 đảng viên. Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng cao.
Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở luôn chủ động, kịp thời phổ biến, quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, cụ thể hóa, vận dụng, ban hành các nghị quyết, chủ trương, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhiều nghị quyết được ban hành bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phát triển nền kinh tế – xã hội của tỉnh, vì thế, được các cấp ủy đảng nhanh chóng triển khai, đi vào cuộc sống, nhân dân tin tưởng, trở thành kim chỉ nam trong hành động.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được tăng cường, quan tâm xây dựng đội ngũ cấp ủy viên các cấp có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trách nhiệm, gương mẫu, có cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự kế thừa ổn định, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy theo hướng dân chủ, khoa học, phân công cụ thể “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” bước đầu đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ được quan tâm, bảo đảm quy trình theo quy định và có nhiều đổi mới.
Vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hướng dẫn của cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm. Hiệu quả công tác dân vận được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân được củng cố, phát huy.
Công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý, phân công nhiệm vụ đảng viên và phát triển đảng viên được tập trung chỉ đạo, có chuyển biến tích cực. Mô hình tổ chức đảng và các tổ chức chính trị – xã hội được kịp thời kiện toàn, đồng bộ với việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh, nhất là cán bộ, công chức trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy được quan tâm, chất lượng ngày càng nâng lên. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc được tăng cường, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy được đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp ủy cơ sở và cấp trên cơ sở vẫn còn một số hạn chế. Nội dung, phương thức và chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là việc tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đôi lúc chưa cao.
Việc đổi mới nội dung sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng nói chung còn hạn chế, đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn. Năng lực, trình độ, hiệu quả lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp cơ sở còn thấp, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Vai trò tiền phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa được phát huy đầy đủ. Trong công tác tự phê bình và phê bình, còn có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, ngại đấu tranh, “dĩ hòa vi quý”.
Việc khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm hàng năm ở một số cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thực sự nghiêm túc, kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa toàn diện, có nơi còn hình thức.
Công tác phát triển Đảng, nhất là khu vực ngoài Nhà nước còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể còn thấp, số lượng quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng trong các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tư nhân thấp…
Đồng chí Chu Đình Ngữ – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Làng Mới, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên.
Giải pháp đồng bộ và lâu dài
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Năng lực dự báo, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế. Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của một số tổ chức cơ sở đảng chưa bám sát tình hình thực tế.
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ quan đơn vị chưa cao, còn thụ động, trông chờ vào cấp trên, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, thiếu quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng, phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội cũng như tạo nguồn, giao nhiệm vụ, bồi dưỡng kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, đặc biệt là trong doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân…
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo theo hướng “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” gắn với phân công chịu trách nhiệm cụ thể. Mục tiêu mà Tỉnh ủy Yên Bái đưa ra rất sát với tình hình thực tế ở địa phương.
Cụ thể, đến năm 2025, 100% cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng quy chế làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định và thực hiện nghiêm quy chế làm việc đã đề ra; phấn đấu 100% các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra hàng năm, 100% đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên hằng năm. Về trình độ chuyên môn, phấn đấu 100% cấp ủy viên cấp trên trực tiếp cơ sở có trình độ đại học trở lên, 85% cấp ủy viên cấp cơ sở có trình độ đại học trở lên…
Về xây dựng, sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng và phát triển đảng viên, hàng năm, thành lập từ 6 tổ chức đảng trở lên trong các doanh nghiệp hợp tác xã; kịp thời sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; số đảng viên kết nạp hằng năm từ 1.800 đảng viên trở lên; trong đó, phấn đấu kết nạp từ 180 đảng viên trở lên là quần chúng ưu tú trong các doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân…
Để làm tốt nhiệm vụ này, Yên Bái cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng bằng việc rà soát, hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình, nhất là quy chế làm việc, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát kịp thời, hiệu quả. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Nâng cao năng lực dự báo, khả năng phát hiện, bám sát tình hình, đánh giá, lựa chọn đúng vấn đề trọng tâm cần giải quyết để nghiên cứu, thể chế hóa, cụ thể hóa, hoạch định chủ trương, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, chương trình, kế hoạch của cấp ủy có tính thực tiễn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, khả thi và có tầm nhìn dài hạn.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện cơ chế “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” khuyến khích tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo gắn với tăng cường, kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải trình, triển khai kịp thời khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ gắn với lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy viên cơ sở cấp trên trực tiếp cơ sở, tập trung xây dựng đội ngũ cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…
Theo Báo Yên Bái
Bài viết mới nhất: