Cần phát huy tốt “hạt giống” chính trị – Bài 1: Xứng danh quê hương cách mạng

Nhiều năm qua, công tác phát triển đảng viên, xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chi bộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có chuyển biến tích cực. Các chi bộ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng. Cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống tốt, qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thế hệ trẻ xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên ôn lại truyền thống cách mạng.
Cách đây hơn 90 năm, Khởi nghĩa Yên Bái nổ ra. Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và không thành công nhưng Khởi nghĩa Yên Bái đã ghi vào trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, có ảnh hưởng rộng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước và Đông Dương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cuộc khởi nghĩa thất bại.
Các thành viên chủ chốt bị truy nã gắt gao, giam cầm và hành hình. Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính cùng 11 người khác bị áp giải từ Hà Nội lên Yên Bái xử trảm sáng sớm ngày 17/6/1930. Trước đó, cùng với hình thức trên, thực dân Pháp đã hành hình 4 người khác vào ngày 8/5/1930. Sự hy sinh quả cảm của các nghĩa sĩ năm đó đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước, tô thắm thêm trang sử oanh liệt đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Trong cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái có ghi, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ảnh hưởng và uy tín của Đảng đã tác động rất mạnh đến Yên Bái, thúc đẩy nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân phong kiến, góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do cho các dân tộc.
Những năm 40 của thế kỷ XX, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động và xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Từ thực tế trên, Trung ương Đảng đã ra quyết định xây dựng cơ sở cách mạng ở Vần – Hiền Lương nhằm mục đích làm nơi dừng chân cho các đồng chí tù vượt ngục từ nhà tù Sơn La ra và xây dựng căn cứ cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.
Ngày 7/5/1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời ở thị xã Yên Bái đã mở ra sự chuyển hướng đấu tranh của nhân dân sang một giai đoạn mới. Ngày 30/6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm bí thư – đánh dấu một mốc son lịch sử trong phong trào cách mạng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái.
Sau khi thành lập, lực lượng vũ trang Yên Bái đã lần lượt giải phóng các châu Văn Chấn, Lục Yên, phủ Trấn Yên, Yên Bình. Ngày 22/8/1945, tại vườn hoa thị xã Yên Bái, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái đã ra mắt nhân dân trước sự chứng kiến hân hoan của hàng vạn quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Yên Bái thắng lợi đã đập tan ách thống trị của đế quốc trong 60 năm kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm tỉnh ta, lật đổ chế độ phong kiến từ tỉnh xuống xã thống trị hàng ngàn năm. Sau khi được thành lập, Đảng bộ Yên Bái đã củng cố lực lượng, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, mở nhiều chiến dịch và giành được nhiều chiến thắng quan trọng đóng góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau khi hòa bình lập lại, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Yên Bái thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Giai đoạn 1954 – 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, lực lượng vũ trang Yên Bái tiếp tục được củng cố tăng cường, phối hợp cùng lực lượng an ninh tấn công tiêu diệt bọn phỉ, triệt phá các ổ nhóm phản động, bọn gián điệp nằm vùng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh đã lãnh đạo nhân dân, các lực lượng vũ trang chuyển mọi hoạt động của địa phương vào thời chiến, tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Kết thúc năm 1967, các lực lượng vũ trang Yên Bái đã bắn rơi 99 máy bay Mỹ, góp phần quan trọng vào chiến thắng, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, giữ vững tiến độ thi công Nhà máy Thủy điện Thác Bà, Sân bay Yên Bái, Nhà máy Z.183, bảo đảm an toàn các kho trung chuyển chiến lược của cấp trên.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Yên Bái có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải, tích cực sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yên Bái đã đóng góp cho Nhà nước 289.000 tấn lương thực, 146.000 tấn thực phẩm, vượt kế hoạch 115 – 120%.
Năm 1974, Yên Bái là tỉnh đầu tiên của các tỉnh vùng núi Tây Bắc đạt 5 tấn thóc/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 143.000 tấn. Đóng góp tích cực của Đảng bộ, quân và dân Yên Bái đã góp phần xứng đáng cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi tái lập tỉnh Yên Bái (10/1991), phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh vượt qua những khó khăn, thử thách, phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực tiễn đã cho thấy, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự gương mẫu xông pha trên mọi mặt trận của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cuộc sống của nhân dân Việt Hồng nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi miền Tây Bắc nói chung đang từng ngày đổi mới.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương chiến khu Vần – Hiền Lương, hiện nay, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng mà trực tiếp là các chi bộ ở cơ sở, đồng bào các dân tộc đang ngày đêm thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới để Việt Hồng mãi mãi xứng danh vùng đất cách mạng, nơi “giữ lửa” truyền thống”.
Ông Hoàng Xuân Cánh – Bí thư Đảng ủy xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên bày tỏ: “Đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ là quan trọng nhất. Nếu không đồng thuận thì dù cá nhân có năng lực cũng không phát huy được vai trò hạt nhân của chi bộ, không tạo được hiệu quả trong chỉ đạo điều hành”.
Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực tiễn đã chứng minh, mọi hoạt động của chi bộ nhằm đảm bảo cho đường lối, chủ trương của Đảng được quán triệt và thực hiện một cách có hiệu quả ở cơ sở. Đảng viên là những người có trách nhiệm góp phần xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ đảng viên tốt là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng.
Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng, đảng viên của Đảng được rèn luyện, thử thách trong thời kỳ cách mạng gian khổ, đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được coi trọng và chỉ đạo chặt chẽ.
Đồng chí Hà Thiết Hùng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn:
Đảng ta luôn coi chi bộ là tế bào, là cơ sở của Đảng, là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, là nơi giáo dục bồi dưỡng và rèn luyện đảng viên. Ở vào những thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, trước những khó khăn chồng chất, đảng viên là những chiến sĩ tiên phong, luôn luôn đi đầu trong các phong trào, sẵn sàng nhận gian khổ, khó khăn, kể cả phải hy sinh tính mạng của mình vì cách mạng, vì nhân dân. Họ được đồng bào tuyệt đối tin tưởng. Chính tinh thần đấu tranh và sự hy sinh bất khuất của những đảng viên – chiến sĩ cộng sản kiên trung đã góp phần xây đắp nên truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương anh hùng.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: