Cục Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái nâng cao chất lượng thi hành án gắn với ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực

Hoạt động thi hành án dân sự (THADS) luôn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan và thường xuyên gắn với tiền, tài sản của các đương sự. Do vậy, công chức THADS thường xuyên đối mặt với cám dỗ từ tất cả các bên liên quan nên nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng là khá lớn.

Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ giải quyết án tồn đọng.

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 25/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2021 – 2025, Cục THADS tỉnh không để xảy ra vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tường – Cục trưởng Cục THADS tỉnh về công tác PCTN của ngành.

P.V: Thưa ông, thời gian qua, Cục THADS đã triển khai những biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn và PCTN trong ngành?

Ông Trần Văn Tường: Cục THADS tỉnh là cơ quan trực thuộc Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) với nhiệm vụ, quyền hạn: quản lý, chỉ đạo về THADS trên địa bàn tỉnh; trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định; lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án, phối hợp trong xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù; giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS; thực hiện quản lý công chức, kinh phí, phương tiện hoạt động của cơ quan THADS tại địa phương; giúp UBND cùng cấp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn trong THADS; báo cáo công tác THADS trước HĐND, UBND theo quy định của pháp luật…

Do đặc thù của ngành chủ yếu và thường xuyên tác động đến lợi ích vật chất (tiền và tài sản) của các bên đương sự nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt là những chấp hành viên.

Công tác PCTN những năm qua tại các cơ quan THADS tỉnh luôn được cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị đặc biệt quan tâm, chú trọng. Cục THADS tỉnh đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; chú trọng kiểm tra, giám sát lĩnh vực, nhiệm vụ có nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thực hiện các giải pháp PCTN, tiêu cực.

Trong đó, xác định lấy công tác phòng ngừa là chính; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực trong các cơ quan THADS trong tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng quy định của pháp luật.

Tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong THADS; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra. Đến nay, các cơ quan THADS tỉnh chưa xảy ra vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

P.V: Ông có thể cho biết Cục THADS có những biện pháp gì để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình thi hành án? Và những vấn đề tồn tại, hạn chế?

Ông Trần Văn Tường: Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 07 của Tỉnh ủy và thực hiện Quy chế kiểm tra trong THADS được ban hành kèm theo Quyết định số 196 ngày 3/3/2021 của Tổng Cục THADS, Cục THADS tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra toàn diện cấp trên đối với cấp dưới (kiểm tra toàn diện các mặt công tác tại các đơn vị THADS cấp huyện; trong đó, có nội dung triển khai, thực hiện công tác PCTN); Cục và các chi cục THADS cấp huyện đã thực hiện 30 cuộc tự kiểm tra toàn diện các mặt công tác.

Ông Trần Văn Tường – Cục trưởng Cục THADS tỉnh.

Công tác kiểm tra và tự kiểm tra đã kịp thời phát hiện thiếu sót, vi phạm của công chức, nhất là chấp hành viên trong thực hiện công vụ, có biện pháp xử lý kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS; ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Qua công tác kiểm tra cho thấy, vẫn còn một số tồn tại như: nội dung, hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về PCTN chưa phong phú, hiệu quả có mặt còn chưa cao; quan điểm về việc xử lý những hành vi vi phạm kỷ luật trong công tác của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan có lúc chưa cương quyết, còn nương nhẹ; đội ngũ làm công tác PCTN còn ít kinh nghiệm; tinh thần phê bình và tự phê bình của cán bộ, đảng viên có nơi, có lúc chưa cao; tinh thần đấu tranh PCTN, tiêu cực có phần hạn chế.

Tham nhũng thường diễn biến phức tạp, hành vi tham nhũng có thể che đậy bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi; còn có kẽ hở về pháp luật chưa được khắc phục kịp thời, đặc biệt là chế độ trách nhiệm trong một số nhiệm vụ, lĩnh vực công tác chưa rõ ràng; tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực có mặt còn hạn chế. Do đó, đôi khi việc đánh giá hiệu quả công tác PCTN tại các đơn vị còn chưa thực sự khách quan và triệt để…

P.V: Thời gian tới, Cục THADS có kế hoạch gì để tăng cường hiệu quả công tác PCTN, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức?

Ông Trần Văn Tường: Để tăng cường công tác PCTN, tiêu cực, các cơ quan THADS trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN; quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các văn bản về PCTN, tiêu cực của cấp trên tại đơn vị; rà soát, nắm bắt và quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nhất là tư tưởng, mối quan hệ của cán bộ, đảng viên từ Cục đến chi cục.

Coi trọng việc nắm bắt, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ; thực hiện đúng quy định về kê khai và công khai tài sản, thu nhập, về kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; chú trọng công tác tiếp dân, thủ trưởng các cơ quan THADS trực tiếp tiếp công dân định kỳ hàng tháng, bố trí cán bộ có năng lực, vững trình độ chuyên môn, thái độ cư xử hòa nhã, tận tình trực tiếp công dân.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: