Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái giải đáp về một số chế độ chính sách tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái vừa nhận được một số câu hỏi của bà Nguyễn Minh Anh có địa chỉ email: minhanh@gmail.com và bà Hoàng Anh có địa chỉ email hoanganh@gmail.com về một số chế độ chính sách khi bà tham gia BHXH, BHYT. Sau đây là trả lời của cơ quan chức năng về một số vấn đề độc giả nêu.

Người dân đến khám, chữa bệnh BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên.

Bà Nguyễn Minh Anh có địa chỉ email: minhanh@gmail.com hỏi: Tôi đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, con tôi đang công tác trong ngành công an, nên tôi được hưởng thêm chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) thân nhân công an. Tôi muốn hỏi nếu như vậy thì tôi hưởng theo chế độ nào, tôi có thể không tham gia BHYT bắt buộc mà hưởng theo chế độ bên thân nhân công an được không? Nếu vẫn hưởng theo BHYT bắt buộc thì tôi có được hưởng theo mã quyền lợi cao hơn không? (mã hiện tại là mã 4)

BHXH tỉnh Yên Bái trả lời: Căn cứ khoản 6 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật số 25/2008/QH12) sửa đổi Điều 12 của Luật BHYT; Căn cứ Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, quy định đối tượng tham gia BHYT bao gồm 6 nhóm: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng (trong nhóm này bao gồm người tham gia BHXH bắt buộc); nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng (trong nhóm này có người tham gia BHYT là thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, học viên Công an nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân); nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; nhóm do người sử dụng lao động đóng (trong nhóm này có người tham gia BHYT là thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân).

Theo đó, bà Nguyễn Minh Anh đang đồng thời thuộc 2 nhóm đối tượng tham gia BHYT, có 2 trường hợp: đồng thời thuộc các nhóm 1.1 và 1.3; hoặc đồng thời thuộc các nhóm 1.1 và 1.6. Căn cứ khoản 7, Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 quy định về trách nhiệm đóng BHYT: Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật BHYT. Do đó, bà Nguyễn Minh Anh phải tham gia BHYT theo nhóm 1.1 là nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.

Căn cứ Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức hưởng BHYT thì người tham gia BHYT theo đối tượng đóng BHXH bắt buộc hay thân nhân công an đều được hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến (có mã hưởng ký hiệu là số 4 theo quy định của BHXH Việt Nam).

Bà Hoàng Anh có địa chỉ email hoanganh@gmail.com hỏi: Tháng 12/2023, tôi chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty và được hưởng chế độ thất nghiệp từ 1/2024 đến 3/2024, quyền lợi thẻ là (80%) nhưng tôi là người dân tộc ở xã, được hưởng thẻ theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Vậy, tôi muốn hỏi tôi phải hưởng hết thẻ thất nghiệp (3 tháng) rồi mới mua thẻ theo Nghị định 75 hay có thể mua luôn thẻ theo Nghị định số 75 từ 1/2024 mà ko cần dùng thẻ thất nghiệp?

BHXH tỉnh Yên Bái trả lời: Căn cứ khoản 6 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) (Luật số 25/2008/QH12) sửa đổi Điều 12 của Luật BHYT; căn cứ Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, quy định đối tượng tham gia BHYT bao gồm 6 nhóm: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng (trong nhóm này bao gồm người tham gia BHYT là người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp); nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng (trong nhóm này có người tham gia BHYT là “Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ” được bổ sung theo điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP); nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; nhóm do người sử dụng lao động đóng.

Theo đó, bà Hoàng Anh đồng thời đang thuộc 2 nhóm đối tượng tham gia BHYT tại nhóm 1.2 và 1.4.

Căn cứ khoản 7, Điều 1, Luật số 46/2014/QH13 quy định về trách nhiệm đóng BHYT: Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật BHYT. Như vậy, bà Hoàng Anh tham gia BHYT theo nhóm do cơ quan BHXH đóng là nhóm “người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Sau đó, khi hết hạn sử dụng của thẻ BHYT được cấp theo nhóm “Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp”, trường hợp nếu bà thuộc đối tượng “Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ” thì tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm đối tượng này và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, người tham gia phải đóng 30% mức đóng BHYT.

Trường hợp có nội dung gì còn chưa rõ, đề nghị bà liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi bà cư trú để được hướng dẫn, giải đáp thêm.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: