Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các đơn vị nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh; từng bước hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu. Đảng uỷ Khối đã ban hành Chương trình số 09-CTr/ĐUK, ngày 14/5/2021 về “Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong Khối tại Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, sau một thời gian triển khai đã đạt được những kết quả bước đầu.
Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Yên Bái có 74 chi, đảng bộ cơ sở với gần 4.800 đảng viên, trong có 47 tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan hành chính, 8 tổ chức cơ sở đảng trong đơn vị sự nghiệp, 7 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước, 3 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước chi phối, 9 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Nhằm nâng cao vai trò của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người lao động tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tổ chức cho các đơn vị, doanh nghiệp ký kết thực hiện.
Chỉ đạo các chi, đảng bộ tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; xác định nhu cầu và năng lực đáp ứng sản phẩm dịch vụ, khả năng liên doanh, liên kết của các đơn vị trong Khối để từ đó xây dựng hình thức hợp tác, giao lưu, phối hợp bảo đảm sử dụng tối đa sản phẩm dịch vụ của nhau.
Xây dựng bộ tài liệu ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện chủ trương “ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau” giữa các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối; khuyến khích các doanh nghiệp, ngân hàng nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ, chủ động ký song phương, đa phương theo nhu cầu và tổ chức gặp gỡ, trao đổi, ký các nội dung hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau.
Gắn kết quả thực hiện Cuộc vận động với đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua của các tổ chức đảng và đảng viên đã tích cực tham gia có hiệu quả vào Cuộc vận động. Vận động các doanh nghiệp trong Khối không ngừng nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có chất lượng; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tốt việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm tới người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước.
Qua đó, nhận thức của phần lớn cán bộ, đảng viên và người lao động trong Khối đã có sự thay đổi, bắt đầu có sự so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt với hàng ngoại nhập để mua sắm phù hợp với túi tiền; tâm lý “sính” ngoại đã không còn là mốt của nhiều người như trước đây nữa. Trong hoạt động mua sắm chi tiêu công trong các đơn vị doanh nghiệp như trang thiết bị để làm việc… đã có sự ưu tiên dùng hàng Việt.
Về phía các doanh nghiệp, phần lớn đã tích cực triển khai các hoạt động thông qua việc mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến nên chất lượng hàng hoá sản xuất được nâng cao, mẫu mã sản phẩm cũng được đổi mới liên tục, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm nhằm giúp cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Trong đó, khối sản xuất ưu tiên mua sắm hàng trong nước phục vụ sản xuất kinh doanh và ưu tiên phân phối hàng trong nước, khối dịch vụ quan tâm nhiều hơn đến việc đổi mới cách thức phục vụ, chăm sóc khách hàng.
Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng được các doanh nghiệp đẩy mạnh thông qua Hội nghị Hợp tác và phát triển do Đảng ủy Khối tổ chức, một số doanh nghiệp trong Khối đã tìm được tiếng nói chung và đã đi đến ký kết các hợp tác cùng phát triển. Đây là dịp quảng bá sản phẩm, kích cầu thương mại và tìm kiếm, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong toàn Khối.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có những hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động đôi lúc chưa thường xuyên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người lao động chưa nghiêm túc thực hiện tinh thần, nội dung Cuộc vận động, vẫn còn tình trạng “sính” hàng ngoại.
Hoạt động quảng bá sản phẩm, kích cầu nội địa của một số doanh nghiệp vẫn chưa có hiệu quả cao. Trong khi đó, ngoài thị trường, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn còn tiếp diễn….đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt, gây băn khoăn, lo lắng cho người tiêu dùng.
Việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa nội địa và dịch vụ của một số doanh nghiệp, đơn vị còn mang tính đơn lẻ, chưa có kế hoạch và sự điều phối thống nhất. Một số doanh nghiệp chưa thực sự tích cực, chủ động giới thiệu, xây dựng thương hiệu của đơn vị mình để tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoài ngành.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, trong thời gian tới Đảng ủy Khối đã xác định thực hiện các giải pháp sau:
Một là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Chương trình số 09- CTr/ĐUK, ngày 14/5/2021 về “Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong Khối tại Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh” nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia chương trình.
Hai là: Lãnh đạo các doanh nghiệp trong Khối xác định trách nhiệm gương mẫu đi đầu khi thực hiện mua sắm công, sử dụng các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước có chất lượng tương đương hàng nhập ngoại để sản xuất kinh doanh.
Ba là: Các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, sản xuất những hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, hình thức đẹp, giá cả hợp lý, đặc biệt phát triển hệ thống phân phối, đưa sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng một cách thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành sau bán hàng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường quảng bá, giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng bằng nhiều kênh khác nhau như việc tham gia các hội chợ thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình khuyến mãi….
Bốn là: Các doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất, kiến nghị với các cơ quan của tỉnh và địa phương có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, phân phối. Ngoài ra, các ngành chức năng liên quan cũng cần đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tình trạng sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng… để bảo vệ uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung./.
Ngọc Khánh