Đảng uỷ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: Các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ

Nhằm tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Đảng bộ Khối về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả; tạo chuyển biến tích cực về lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.  Đảng uỷ Khối đã ban hành Kế hoạch số 264-KH/ĐUK, ngày 17/5/2024 của Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối về Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TU ngày 03/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ.

Đảng uỷ Khối tổ chức quán triệt Chỉ thị số 46-CT/TU ngày 03/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ

Trong Kế hoạch, Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường quán triệt, tuyên truyền, tạo bước chuyển biến căn bản, rõ nét trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và phát động phong trào đấu tranh, đẩy lùi tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong thi hành nhiệm vụ gắn với thực hiện công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua đó, khơi dậy và lan tỏa tinh thần tích cực, trách nhiệm, tạo động lực mới, nhất là khát vọng phát triển, cống hiến của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trong đó, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải thực sự nêu gương, là người truyền cảm hứng về niềm tin, khát vọng cống hiến, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Nhận diện, kiểm điểm, đánh giá trên tinh thần tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” để có biện pháp kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và đẩy lùi tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa có toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hóa, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thi hành nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc. Thực hiện tốt phương châm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, thấu đáo, thông suốt trước khi quyết định; các công việc phải đúng, trúng những vấn đề cần tập trung chỉ đạo, nhất là việc khó, những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra; chủ động dự báo tình hình, sâu sát, nắm chắc cơ sở, nhất là địa bàn, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, không để bị động, bất ngờ.

Thường xuyên rà soát các nhiệm vụ, công việc của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, thống kê, phát hiện đối với những nội dung còn để chậm trễ, kéo dài; xem xét quyết định ngay những nội dung thuộc thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất những nội dung không thuộc thẩm quyền để giải quyết. Cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm kiểm tra việc tổ chức khắc phục, hiệu quả khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra của cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý.

Đảng uỷ Khối tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở

Cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kết hợp giữa xây và chống để chấn chỉnh, khắc phục, đẩy lùi tình trạng nêu trên, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần quyết liệt thực hiện trong thời điểm hiện nay như: Rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị theo hướng quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị, chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành.