Yên Bái xây dựng mô hình chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm

Năm 2022, tỉnh đã triển khai hiệu quả việc xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình chuyển đổi số (CĐS) tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cơ quan nhà nước; trường học; công dân số; tổ chuyển đổi số cộng đồng; nền tảng “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”.

Các Hội thi “Truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số” được huyện Lục Yên tổ chức bài bản góp phần nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông ở cơ sở. (Ảnh: K.T)

Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 2022, tỉnh đã hoàn thành triển khai thí điểm và nhân rộng 7 mô hình CĐS, điển hình là mô hình tổ CĐS cộng đồng. Xác định CĐS cần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, các kế hoạch, chương trình, mô hình CĐS của tỉnh trong năm 2022 đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Một trong những giải pháp then chốt thực hiện mục tiêu là việc thành lập tổ CĐS cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Tổ CĐS cộng đồng tham gia thực hiện các nhiệm vụ CĐS của tỉnh, huyện hoặc xã. Khi người dân nhận thức được CĐS tạo giá trị tốt hơn thì sẽ hưởng ứng, sử dụng, thậm chí tiên phong sử dụng, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy ngược lại để chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn.

Hết năm 2022, cấp xã có 173/173 xã, phường, thị trấn với 1.744 thành viên và 1.356/1.356 thôn, tổ dân phố đã thành lập tổ CĐS cộng đồng với 9.107 thành viên. Với kết quả đạt được, Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập được 100% tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn.

Đối với cấp xã, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện CĐS xã, phường, thị trấn năm 2022. Theo đó, toàn tỉnh có 73/173 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện CĐS. Đi đầu là đơn vị thành phố Yên Bái, với 5 xã, phường được lựa chọn để triển khai; trong đó 1 xã đạt 17/17 mục tiêu, 4 phường đã cơ bản hoàn thành 16/17 mục tiêu.

Huyện Văn Yên ước tính có 18 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã CĐS, trong đó có thị trấn Mậu A và xã Đông Cuông đạt tiêu chuẩn xã CĐS nâng cao. Tính đến hết năm 2022, có 30% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện đã hoàn thành các chỉ tiêu CĐS.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả CĐS tại cấp xã, phường, thị trấn, UBND tỉnh đã ban hành Bộ Chỉ tiêu tạm thời đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn CĐS, CĐS nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 làm căn cứ để các địa phương đăng ký thực hiện trong những năm tiếp theo.

Tại các cơ quan nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan được lựa chọn triển khai thí điểm CĐS cấp sở, ban, ngành; xây dựng kế hoạch thực hiện CĐS với 24 mục tiêu, 34 nhiệm vụ và lựa chọn 17 phần mềm, nền tảng để triển khai; kết quả đã có 34/34 nhiệm vụ hoàn thành, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm mô hình CĐS tại Sở Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh đã triển khai nhân rộng tại 10 sở, ban, ngành.

Từ việc xây dựng các mô hình CĐS với phương châm thực hiện toàn dân, toàn diện, “không để ai ngoài cuộc trong công cuộc CĐS” cho thấy người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ công chức, viên chức về CĐS cần thay đổi nhận thức và chủ động đi trước, dẫn dắt.

Trong đó, cấp tỉnh, huyện cần thường xuyên tổ chức hội nghị, chương trình về CĐS và sẵn sàng đưa vào thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ số, nền tảng số mới. Triển khai nhiều giải pháp nhận thức số, truyền thông lan tỏa kiến thức, cách làm mới, cách làm hay và các điển hình, tiêu biểu trong CĐS. Nếu nhu cầu CĐS xuất phát từ trong dân, người dân thấy cần thiết, cần được sử dụng, trải nghiệm công nghệ số, hạ tầng số để giúp cuộc sống tiện lợi hơn, thì tổ CĐS cộng đồng cần phổ biến, nâng cao nhận thức số, triển khai dịch vụ số, nền tảng số đến từng người dân và mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: