Trong công tác khuyến học, CĐS mở ra cánh cửa mới, tạo ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Vì vậy, thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, nhân dân về CĐS; đồng thời, tích cực triển khai CĐS trong các hoạt động, phong trào của Hội.
Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền về CĐS dưới nhiều hình thức đa dạng như: trên website của Hội, trên các ứng dụng Zalo, Facebook; phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là các hoạt động mới, chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc; chỉ đạo các huyện, thị, thành Hội xây dựng kế hoạch, phối hợp với trung tâm truyền thông – văn hóa, đài truyền thanh xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền về các tập thể, cá nhân có những giải pháp, sáng kiến CĐS; vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên, nhân dân khai thác, sử dụng thông tin trên Internet một cách hữu ích phục vụ cho học tập, lao động, cuộc sống hàng ngày thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các cấp Hội…
Cùng với tuyên truyền CĐS khuyến học, Hội còn chung tay cùng các sở, ngành, địa phương vận động nhân dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công dân số Yên Bái-S kết nối chính quyền với người dân. Tuyên truyền đã đưa CĐS khuyến học trên địa bàn tỉnh bước thêm nhiều bước tiến mới. Toàn xã hội có cái nhìn toàn diện hơn, thấu đáo hơn về CĐS và việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, từ đó thay đổi thói quen, hành động.
Bên cạnh đó, Hội đã đẩy mạnh chỉ đạo, xử lý các nội dung công tác trên môi trường mạng; triển khai đồng bộ hệ thống thư điện tử để xử lý, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh, lưu trữ tài liệu, gửi báo cáo, thống kê, giảm tối đa các loại văn bản in trên giấy; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ khuyến học chủ chốt. Tham gia lớp tập huấn sử dụng Bộ công cụ đánh giá mô hình “Công dân học tập” do Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức.
Đồng chí Nguyễn Thị Lụa – Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Văn Yên chia sẻ: “Tôi thấy Bộ công cụ đánh giá mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021 – 2030 là sản phẩm phần mềm rất hữu ích trong việc số hóa các mô hình học tập. Triển khai Bộ công cụ này chúng tôi sẽ dễ dàng phân cấp, sử dụng, quản lý từ cấp Hội đến công dân, việc tự động hóa, áp dụng công nghệ phần mềm trong quá trình thu thập thông tin, đánh giá các tiêu chí “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” được hỗ trợ tối đa. Ngoài ra, Bộ công cụ sẽ góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập, hướng tới xây dựng xã hội số, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.