Yên Bái đã duy trì có hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng (SOC); thành lập, kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, tích cực tham gia vào các hoạt động rà soát, phát hiện, phối hợp xử lý các tình huống mất an toàn thông tin mạng tại các sở, ban, ngành, địa phương.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Yên Bái có bước chuyển biến rõ nét trên các mặt, trụ cột của CĐS.
Nhận thức về CĐS của cán bộ công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp và người dân đã được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, nhận thức và mức độ quan tâm về an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân còn hạn chế; việc kiểm soát, ngăn ngừa thông tin xấu độc, lừa đảo trên môi trường mạng còn gặp khó khăn.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng (AT-ANTTM), Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đảm bảo AT-ANTTM, điển hình là Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái; chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo đảm AT-ANTTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái…
Cũng như các địa phương, các ngành trong tỉnh, thời gian qua, huyện Trấn Yên xác định việc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật trong chấp hành bảo đảm AT-ANTTM, công tác quản lý thông tin trên không gian mạng; các phương án xử lý sự cố an ninh, an toàn thông tin và phòng, chống tấn công mạng; sử dụng hệ thống thông tin tại cơ quan, đơn vị… là nhiệm vụ hàng đầu.
Theo đó, Trấn Yên thường xuyên quán triệt các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018, Luật An ninh mạng; thực hiện Đề án “Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng” trên địa bàn huyện… UBND các xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc theo quy định, nội quy đảm bảo AT-ANTTM trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan mình.
“Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã xây dựng nội quy, quy chế và tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định về AT-ANTTM. Trên địa bàn huyện chưa phát hiện vụ việc lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng sự kiện chính trị, xã hội tại địa phương thực hiện hoạt động phức tạp trên môi trường mạng.” – ông Phạm Huy Mai – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trấn Yên chia sẻ.
Ông Nguyễn Thúc Mạnh – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái cho biết: Hiện nay, tỉnh đã duy trì có hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng (SOC) tỉnh Yên Bái; thành lập, kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Yên Bái với 41 thành viên luôn tích cực tham gia vào các hoạt động rà soát, phát hiện, phối hợp xử lý các tình huống mất an toàn thông tin mạng tại các sở, ban, ngành, địa phương.
Chú trọng làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực về an toàn thông tin, từ năm 2022 đến nay, đã có 40 cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng được tham gia 6 khóa đào tạo, thi chứng chỉ quốc tế về quản trị mạng, an toàn thông tin mạng để hướng dẫn kĩ năng nhận diện và phòng chống hành vi lừa đảo trên không gian mạng; thông tin về tình hình công tác an toàn thông tin; dự báo và khuyến nghị các nội dung cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin tại địa phương.
Yên Bái đã tổ chức diễn tập thực chiến và bồi dưỡng cho 98 cán bộ kỹ thuật, chuyên trách, bán chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tại các buổi diễn tập, học viên được chia đội, hướng dẫn cách thức tham gia diễn tập; hướng dẫn sử dụng các công cụ cho đội phòng thủ, tấn công mạng; sử dụng các công cụ rò quét, khắc phục sự cố…
Đồng thời, Yên Bái còn thí điểm triển khai mô hình đảm bảo an toàn thông tin cấp xã tại UBND thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình. Đã tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời triển khai phổ biến, nhân rộng mô hình ra phạm vi toàn tỉnh.
“Từ năm 2022 đến nay, đã phát hiện 2.554 IP có hành vi thực hiện rà quét mạng; 211 IP có hành vi kết nối tới máy chủ độc hại; phát hiện và xử lý 6.704 trường hợp máy tính nhiễm mã độc; phát hiện 9.915 trường hợp máy tính có lỗ hổng tại các cơ quan, đơn vị; khắc phục 9 sự cố máy tính kết nối với máy chủ mã độc.” – ông Kim Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm CĐS tỉnh Yên Bái cho biết.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 38/38 hệ thống thông tin của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố được phê duyệt cấp độ an toàn, trong đó 10/38 hệ thống thông tin đã triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt, đạt 26,3%; 140/173 hệ thống thông tin cấp xã được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin, đạt 81% (trong đó, 5/173 hệ thống thông tin đã triển khai phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt, gồm hệ thống UBND thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình); UBND các xã: Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Hưng Thịnh thuộc huyện Trấn Yên; đạt 2,9%).
Thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc đảm bảo AT-ANTTM, bảo vệ thông tin cá nhân, ngăn ngừa thông tin xấu độc, phòng chống lừa đảo trên môi trường mạng, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững.