Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh phát triển kinh tế số (KTS), nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ và bền vững.
Để hỗ trợ DN xây dựng, phát triển, hình thành DN chuyển đổi số (CĐS) năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, huyện Văn Chấn CĐS với 5 nội dung; trong đó, có giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản phẩm chè Shan tuyết đến tận gốc cây chè cổ thụ. Bước đầu đã thí điểm gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng và triển khai bộ tem dán trên sản phẩm chè khô đóng gói, chia theo 4 nhóm tuổi gồm: 500 tuổi trở lên, trên 400 tuổi, trên 200 tuổi, từ 100 tuổi trở lên.
Bà Lâm Thị Kim Thoa – Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết: “Giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh được triển khai cho sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng sẽ giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến tận gốc cây chè. Trên mỗi sản phẩm chè Shan tuyết do HTX sản xuất có gắn mã QR.
Theo đó, thông tin trên mã QR ngoài các thông tin về DN, giới thiệu về sản phẩm… còn tích hợp các thông tin nâng cao được cập nhật theo thời gian thực tại gốc cây chè gồm: nguyên liệu được hái từ cây chè nào; tuổi đời, tọa độ, độ cao, thời tiết, khí hậu, độ ẩm tại vị trí cây chè sinh sống; quy trình từ khi thu hái đến khi đóng gói sản phẩm được ghi nhận theo thời gian thực và đặc biệt là câu chuyện về mỗi gốc chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm”.
Qua thí điểm triển khai đối với cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ nét, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng.
Xác định được tầm quan trọng của thương mại điện tử (TMĐT), những năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp, hỗ trợ các DN đăng tải nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch TMĐT trong nước và quốc tế như: Voso.vn, Postmart.vn, Alibaba, Amazon… Sở cũng phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chợ 4.0 tạo thuận lợi cho cả người mua và người bán.
Chị Nguyễn Thị Lan – tiểu thương tại chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái cho biết: “Chúng tôi rất đồng tình với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này, tạo sự thuận tiện, an toàn cho cả người tiêu dùng lẫn hộ kinh doanh”.
Xác định CĐS là xu thế tất yếu và là một trong những chỉ tiêu quan trọng, góp phần chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế sang tăng trưởng xanh, tại Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, KTS chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh; năng suất lao động tăng bình quân từ 6,2%/năm.
Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; năng suất lao động tăng bình quân từ 6,8%/năm. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm; trong đó, đặc biệt đẩy mạnh phát triển TMĐT, phát triển KTS trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh…
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả nên chiến lược KTS của tỉnh đã đạt được những kết quả rất tích cực. Cụ thể, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, kinh tế số của tỉnh có bước tăng trưởng khá; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 6,2% GRDP của tỉnh. Trong lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ đưa gần 5.300 sản phẩm nông nghiệp lên các sàn TMĐT tỉnh và trong nước; trong đó, có hơn 200 sản phẩm OCOP. Các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy mạnh mẽ bằng nhiều hình thức.
Có thể nói, KTS đã từng bước được đưa vào các khâu, các công đoạn của chuỗi sản xuất – tiêu dùng và trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế; nhiều công nghệ số đã được áp dụng để đổi mới phương thức quản trị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế. Điển hình như trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi đã sử dụng hệ thống tưới tự động, hệ thống cho ăn tự động, máy bay phun thuốc trừ sâu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch ứng dụng nhận diện sản phẩm thông qua mã mạch, sàn TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ thực tế ảo trải nghiệm các hoạt động, các điểm du lịch…
Trong khu vực ngoài nhà nước, các DN, HTX đã tích cực ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác quản trị, tổ chức SXKD như: xây dựng website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sử dụng nền tảng số trong quản trị DN, sử dụng các phần mềm kế toán, khai và nộp thuế điện tử, sử dụng mã VietQR để thanh toán điện tử, ký số điện tử… nhằm nâng cao hiệu quả SXKD, tạo động lực phát triển bền vững.