Toàn văn phát biểu chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024

Sáng nay – 13/3, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đối số năm 2024, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu chỉ đạo định hướng một số nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác CĐS của tỉnh Yên Bái. Báo Yên Bái trân trọng gửi tới quý độc giả toàn văn phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ!


Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh,
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Thưa toàn thể Hội nghị!

Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tổng công ty VN Post, cùng toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị; xin gửi tới toàn thể các đồng chí lời chào thân ái, lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Thưa toàn thể các đồng chí!

Chúng ta đều biết và nhận thức rõ rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025”.

Sau gần 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, đến nay, có thể khẳng định rằng chúng ta đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, có mặt nổi trội, cụ thể là:

(1) Đã rất khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và ban hành đồng bộ các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, tạo ra đường hướng và xác định lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, hiệu quả, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn đến năm 2030; trong đó, có nhiều nội dung là tỉnh đi tiên phong của cả nước.

(2) Nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số đã có sự chuyển biến rất tích cực. Huy động được sự tham gia của nhiều thành phần, đối tượng theo đúng phương châm “toàn dân, toàn diện”. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã chủ động ký kết và triển khai có hiệu quả thỏa thuận hợp tác chiến lược với hai Tập đoàn viễn thông – công nghệ số hàng đầu của Việt Nam là Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT; đồng thời hợp tác với Tập đoàn FPT, Tổng công ty VN Post về chuyển đổi số.

(3) Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, các ban, sở, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số một cách bài bản, với nhiều cách làm sáng tạo, đặc trưng riêng “Dễ làm trước, khó làm sau”, “đồng thời từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên” và luôn nhất quán phương châm “Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”.

Với quan điểm và cách làm hiệu quả, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh đã phát huy được vai trò chỉ đạo, điều hành, định hướng để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số một cách chủ động, sáng tạo và hiệu quả.

(4) Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; các nền tảng số tiếp tục được phát triển, nâng cấp, và hoàn thiện, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và đảm bảo hoạt động thông suốt giữa các cấp chính quyền và đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

(5) Chú trọng xây dựng chính quyền số trên nền tảng chính quyền điện tử, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh tiếp tục được nâng cấp, chuẩn hóa nhằm phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cũng như việc tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp, được các các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao.

Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng với 80% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Yên Bái được nâng cấp, tích hợp “Trợ lý ảo” để hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

(6) Kinh tế số có bước thay đổi đáng kể, năm 2022 đứng thứ 2/14 tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố; năm 2023 đóng góp 12,2% vào GRDP toàn tỉnh. Đã triển khai một số nền tảng phát triển kinh tế số để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ và bền vững.

(7) Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án liên quan đến xã hội số. Người dân Yên Bái cơ bản đã sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới, dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

(8) Triển khai khoa học, bài bản 12 mô hình chuyển đổi số, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa khoa học và thực tiễn, thể hiện qua việc xây dựng các mô hình triển khai thí điểm ở phạm vi hẹp, sau đó tổ chức đo lường, đánh giá hiệu quả của từng mô hình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Ví dụ điển hình như: huyện Trấn Yên đã chủ động lựa chọn 04 xã và 04 thôn để thí điểm mô hình xã thông minh, thôn thông minh. Quá trình triển khai các tiêu chí đã giúp cho người dân có điều kiện giao tiếp trực tuyến với chính quyền, được hướng dẫn đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ Internet miễn phí tại các nhà văn hóa thôn… góp phần để huyện hoàn thành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Hoặc như việc xây dựng thành công mô hình chuyển đổi số tại thôn đặc biệt khó khăn – thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên với quyết tâm “thôn đặc biệt khó khăn chuyển đổi số thành công thì không có lý do gì mà các thôn, các xã có điều kiện thuận lợi hơn lại không thể chuyển đổi số được”.

Minh chứng rõ nét nhất cho kết quả chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian qua đó là chỉ số chuyển đổi số DTI của tỉnh tăng nhanh và đều qua các năm. Đến hết năm 2022, Yên Bái đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 25 bậc so với năm 2020, đứng thứ 03/63 tỉnh, thành phố về khả năng cải thiện chỉ số DTI (sau các tỉnh: Vĩnh Phúc 37 bậc, Ninh Thuận 36 bậc).

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các ban, sở, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của các tập đoàn công nghệ; sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đã đóng góp vào những kết quả rất đáng khích lệ trong thời gian qua.

Thưa toàn thể các đồng chí,

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác chuyển đổi số tỉnh Yên Bái vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức, đó là:

– Triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2023 có mặt trùng xuống; một số nội dung, nhiệm vụ được giao chậm được triển khai.

– Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về chuyển đổi số còn chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số; kỹ năng số cơ bản và thói quen sử dụng công nghệ số còn hạn chế.

– Nhân lực có trình độ công nghệ thông tin làm việc trong các cơ quan, đơn vị và trong doanh nghiệp còn thiếu; hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn ở nhiều nơi hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

– Nguồn lực dành cho công tác chuyển đổi số còn hạn chế. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.

– Việc xây dựng cơ sở dữ liệu (bao gồm cả cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành) và số hóa, cập nhật thông tin, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung còn chậm.

– Nhận thức và mức độ quan tâm về an toàn, bảo mật thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân còn hạn chế; việc kiểm soát, ngăn ngừa thông tin xấu độc, lừa đảo trên môi trường mạng còn nhiều thách thức.

– Kinh tế số chưa có bước chuyển rõ nét; tỷ trọng kinh tế số trong tổng quy mô GRDP của tỉnh chưa cao; mức độ chuyển đổi số trong các loại hình doanh nghiệp còn chậm.

Thưa toàn thể Hội nghị!

Trong năm 2024, tôi đề nghị Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh, các ban, sở, ngành, địa phương cần bám sát chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số – Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững” để xây dựng, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 với những chỉ tiêu cụ thể, đảm bảo khoa học, sát thực, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, thực hiện tốt một số nội dung sau:

(1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông mạnh mẽ về chuyển đổi số; làm tốt công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cơ bản, tạo và duy trì thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

(2) Huy động, phát huy vai trò trung tâm và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng cả hệ thống chính trị triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số theo phương châm “Toàn dân, toàn diện”. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng.

Thí điểm triển khai mô hình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số giữa các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số của tỉnh, doanh nghiệp viễn thông – công nghệ số trong và ngoài tỉnh với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

(3) Phát huy vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh phong trào phát triển công dân số trong các tầng lớp nhân dân.

Trước mắt, trong năm 2024, phát động sâu rộng phong trào “Bình dân học AI” trong toàn tỉnh; thí điểm triển khai nền tảng Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

(4) Tập trung phát triển kinh tế số; đưa tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 16,5%. Nghiên cứu lựa chọn xây dựng huyện Văn Yên thành mô hình điểm về phát triển kinh tế số cấp huyện. Tích cực hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử và có phát sinh giao dịch. Đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, phần mềm du lịch thông minh nhằm hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch.

(5) Đẩy mạnh thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin vào làm việc trong hệ thống chính trị; thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, phân tích và xử lý dữ liệu số cho cán bộ, công chức các cấp. Tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để trao đổi cán bộ 2 chiều nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời, luận chuyển cán bộ từ tỉnh về huyện và ngược lại để hỗ trợ cho các địa phương.

(6) Tập trung đẩy nhanh quá trình xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết hợp đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; trên cơ sở đó, đẩy nhanh tiến độ số hóa, cập nhật thông tin vào các cơ sở dữ liệu đã xây dựng bảo đảm nguyên tắc: “đúng, đủ, sạch, sống”.

(7) Tiếp tục triển khai các hợp phần thuộc giai đoạn 2 của dự án “Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái” theo kế hoạch.

(8) Tiếp tục hoàn thiện, triển khai hiệu quả nền tảng Yên Bái – S, Sổ tay Đảng viên điện tử, Bàn làm việc số, Phòng họp không giấy… Nghiên cứu xây dựng, phát triển và triển khai các nền tảng: Nền tảng Tra cứu số liệu thống kê các ngành, lĩnh vực tỉnh Yên Bái; Nền tảng quản trị bộ chỉ tiêu kinh tế – xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của 3 cấp chính quyền tỉnh Yên Bái…

(9) Nghiên cứu đề xuất đưa một số chỉ tiêu quan trọng về chuyển đổi số đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm để giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện; đồng thời, tham mưu để đưa một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030.

(10) Đề nghị các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục đồng hành với tỉnh Yên Bái trong việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số; chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tư vấn các giải pháp số phù hợp nhằm đổi mới mô hình quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thưa các đồng chí!

Với nền tảng và những kết quả tích cực trong thời gian qua, với khí thế mới, sự khát vọng vươn lên cùng xu hướng phát triển của thời đại, Tôi tin tưởng rằng công tác chuyển đổi số tỉnh Yên Bái trong năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2024 cũng như cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Một lần nữa, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tôi xin kính chúc các vị đại biểu, khách quý và các đồng chí về dự Hội nghị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: