Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bằng nhiều giải pháp, các ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu năm, góp phần cải thiện chỉ số Chuyển đổi số (DTI).
Cuối năm 2021, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn là xã đầu tiên của tỉnh được triển khai xây dựng mô hình điểm về CĐS. Đến nay, tỷ lệ bao phủ sóng di động 4G đạt trên 95%; phát triển hạ tầng cố định băng rộng đảm bảo 100% thôn, bản; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt 41,49%; hạ tầng mạng nội bộ (LAN) của UBND xã được nâng cấp kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II… sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu CĐS của địa phương.
Ông Hoàng Văn Soàn – Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết: “Đến nay, 100% văn bản đến của UBND xã đã được tiếp nhận và xử lý đúng quy trình trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đặc biệt, 100% văn bản đi của UBND xã Tú Lệ gửi các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử đã được ký số chuyên dùng”.
Trên cơ sở kế thừa những kết quả tích cực đạt được từ mô hình CĐS của xã Tú Lệ; đồng thời, bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, năm 2022, UBND tỉnh đã triển khai thí điểm các mô hình CĐS sở, ban, ngành; huyện, thị xã, thành phố.
Qua đó, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn CĐS, CĐS nâng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, Bộ chỉ số đánh giá DTI cấp sở gồm 3 chỉ số chính; 20 chỉ số thành phần; thang điểm 1.000 điểm. Bộ chỉ số đánh giá DTI cấp huyện gồm 6 chỉ số chính; 40 chỉ số thành phần; thang điểm 1.000 điểm.
Năm 2023, có 19 sở, ban, ngành và 9 huyện, thị xã, thành phố được đánh giá xếp hạng. Trong đó có 12 sở, ban, ngành, địa phương có sự thăng tiến về thứ hạng; 10 sở, ban, ngành, địa phương duy trì về thứ hạng; 7 sở, ban, ngành, địa phương bị tụt hạng.
Qua chấm điểm chỉ số DTI năm 2023 cho thấy, các sở, ngành, địa phương đã quan tâm nhiều hơn tới thực hiện nhiệm vụ CĐS trong công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số vào thực hiện nhiệm vụ được giao; việc nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến… tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công.
Là địa phương 2 năm liền dẫn đầu về Chỉ số DTI khối các huyện, thị xã, thành phố, thành phố Yên Bái có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ CĐS của địa phương. Tại thành phố Yên Bái, lãnh đạo thành phố đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Thành phố đã triển khai chấm điểm xác định chỉ số cải cách hành chính đối với các xã, phường; phát động phong trào thi đua áp dụng giải pháp mới để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, trong năm 2023, thành phố đã có 636/686 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt 92,71%; 100% hồ sơ được giải quyết trước hạn, nhanh chóng, kịp thời; người dân đánh giá hài lòng và rất hài lòng.
Để nâng cao chỉ số DTI, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực, kinh phí, xây dựng kế hoạch cụ thể để khắc phục các tiêu chí chưa đạt được, các tiêu chí đạt điểm thấp và cả các tiêu chí chưa đạt điểm tối đa để tiếp tục nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ và CĐS tại cơ quan, đơn vị mình cũng như cải thiện thứ hạng trong năm 2024.
Các sở, ngành, địa phương cần đặc biệt bám sát chủ đề CĐS quốc gia năm 2024 và căn cứ Kế hoạch CĐS năm 2024 của UBND tỉnh để ban hành Kế hoạch CĐS năm 2024 của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đảm bảo rõ mục tiêu, rõ nhiệm vụ, rõ người thực hiện, đảm bảo thiết thực, khả thi.
Cùng với đó, bố trí nguồn lực hợp lý, xác định những công việc cấp bách, thiết yếu để tập trung ưu tiên thực hiện trước; xác định việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng góp phần trong việc nâng cao chỉ số DTI; các sở, ngành, địa phương cần duy trì các nhóm tiêu chí đã đạt điểm số cao; phân công rõ việc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện CĐS của cơ quan, đơn vị mình; nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đề ra nhằm đảm bảo cải thiện, nâng cao các nhóm tiêu chí đạt điểm thấp, chưa đạt điểm.