Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu. Đây là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của dữ liệu số, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ‘Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030’. Đây là một bản chiến lược quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam, hướng tới xây dựng hạ tầng dữ liệu, một hạ tầng mới làm nền tảng để chuyển đổi số quốc gia.
Ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cho biết, được ban hành đầu tháng 2/2024, tư tưởng chính của chiến lược là hướng dữ liệu, lấy dữ liệu làm trung tâm để thực hiện các hoạt động liên quan đến phát triển các hạ tầng, các nền tảng dựa trên dữ liệu.
“Hạ tầng dữ liệu với dữ liệu mở, dữ liệu lớn, dữ liệu có cấu trúc và cả dữ liệu phi cấu trúc sẽ tạo dựng nền móng cho chuyển đổi số, cho phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tư tưởng xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, định hướng để toàn dân cùng tham gia phát triển dữ liệu và cùng hướng lợi ích từ dữ liệu”, ông Trần Minh Tân chia sẻ.
Chiến lược dữ liệu quốc gia có mục tiêu như: Phát triển dữ liệu công, tổ chức khai thác chia sẻ phục vụ phát triển xã hội; Phát triển dữ liệu tư, tạo thị trường dữ liệu và cũng hướng tới phát triển kinh tế. Song song đó, còn là việc làm sao để bảo vệ an toàn dữ liệu và khai thác tài nguyên dòng chảy dữ liệu qua biên giới, để dữ liệu ở lại tại Việt Nam.
Một việc quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai là công bố danh mục dữ liệu mở, dữ liệu lớn và khung chiến lược dữ liệu của bộ, tỉnh mình, hoặc lồng ghép các nội dung về chiến lược phát triển dữ liệu trong các đề án, kế hoạch về chuyển đổi số hằng năm của bộ, ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ với chiến lược dữ liệu quốc gia.
“Việc này rất quan trọng, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể cùng tham gia vào phát triển, chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu của các bộ, tỉnh”, đại diện Viện Chiến lược TT&TT nhấn mạnh.
Tìm lời giải cho lưu trữ và xử lý dữ liệu trong thời chuyển đổi số
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đặng Văn Tú, Giám đốc công nghệ Công ty CMC Global cho rằng, bức tranh chuyển đổi số tại Việt Nam và khu vực châu Á đang diễn ra tích cực và mạnh mẽ. Trong đó, dữ liệu là yếu tố then chốt để tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
“Mọi bài toán chuyển đổi số đều liên quan đến dữ liệu. Lưu trữ dữ liệu có thể đơn giản nhưng xử lý dữ liệu thì khác. Tùy vào mục đích mà cần có hồ chứa data cũng như công cụ khai thác và cách xử lý hiệu quả”, ông Đặng Văn Tú nhận định.
Khai thác dữ liệu hiệu quả sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho các doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số đã đạt được các thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp chưa rõ việc thực hiện chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ đâu, lưu trữ và khai thác dữ liệu thế nào để vừa hiệu quả vừa đảm bảo an toàn bảo mật thông tin. Điều này xảy ra với tỷ lệ nhiều hơn ở các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, cũng như nhân lực hạn chế.
“Khối lượng dữ liệu ngày càng tăng cùng nhu cầu ra quyết định theo thời gian thực đặt ra bài toán khiến các doanh nghiệp cần có một hình thức tự động hóa tiên tiến hơn. Không chỉ thích ứng với các thay đổi, giải pháp này còn cần học hỏi từ tương tác và đưa ra các quyết định thông minh. Đây là lúc AI phát huy tác dụng”, ông Lường Anh Tuấn, Giám đốc mảng Tự động hóa quy trình kinh doanh (BPA) của CMC Global chia sẻ.
“Bằng cách tích hợp BPA vào trí tuệ nhân tạo (AI), các doanh nghiệp có thể tự động hóa các quy trình phức tạp mà những phương pháp truyền thống trước đây không thể, giúp tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện tại”, ông Lường Anh Tuấn cho biết thêm.
Để giải bài toán giúp tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp hướng tới mục tiêu hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc kiểm soát và xử lý dữ liệu, các chuyên gia công nghệ của CMC đã ứng dụng công nghệ AI, tự động hoá, low code, chuyển đổi hạ tầng điện toán đám mây để giảm tải server vận hành. Các quy trình vốn là thủ công như nhập liệu, điền giấy tờ… nay đều đã được tự động hoá, giúp tiết kiệm thời gian, tài nguyên và chi phí vận hành.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm kinh doanh MISA Nguyễn Ngọc Lệ khẳng định: Tổ chức, khai thác tốt dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh hơn và gia tăng năng suất rất nhiều lần, đặc biệt là khi dữ liệu được ứng dụng AI để xử lý.
“Ở nhiều doanh nghiệp, có tình trạng mỗi bộ phận, phòng ban dùng các giải pháp khác nhau nên không kết nối được với nhau dẫn đến thông tin phải nhập đi nhập lại, dữ liệu phân mảnh. Bên cạnh đó, một số giải pháp chỉ phù hợp với một giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, khi cần thay thế thì khó kế thừa dữ liệu trước đó. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các giải pháp ERP toàn diện (hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện hiệu suất quản lý và tổ chức các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp) do chi phí cao và dự thừa tính năng”, bà Nguyễn Ngọc Lệ cho biết.