Trong thời gian qua, với sự tư vấn hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, khu vực kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái, nòng cốt là HTX đã đạt được những thành công bước đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để rõ hơn vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.
– Xin ông cho biết Liên minh HTX tỉnh đã triển khai giải pháp gì nhằm hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ và xúc tiến thương mại?
– Ông Đỗ Nhân Đạo: Trong những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, định hướng và dẫn dắt các HTX triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ cho các đơn vị thành viên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM), quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Đặc biệt chú trọng hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Cụ thể, hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng sản phẩm OCOP, kết nối cung – cầu; tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh do Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh tổ chức; hỗ trợ các HTX đổi mới công nghệ từ nguồn kinh phí của tỉnh; chương trình khuyến công, khuyến nông của Trung ương, của tỉnh nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của HTX như: xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa; hệ thống lò sấy hơi, máy sấy rau củ quả; dây chuyền chưng cất tinh dầu quế, tinh dầu sả; hệ thống nghiền bã quế làm chất đốt và làm phân bón…
Nhờ đó, các HTX đã nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Nhiều HTX đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, tiêu biểu như một số sản phẩm: măng tre Bát độ của các HTX liên kết trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, cung ứng cho Công ty cổ phẩn Yên Thành chế biến sâu, để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Đài Loan; sản phẩm chè đen chế biến theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA) – tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững của Anh quốc, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước: Nga, Nhật Bản, Anh quốc hay chè Shan tuyết, các sản phẩm chế biến từ quế, tinh dầu quế, chế biến gỗ rừng trồng…
– Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chuyển đổi số (CĐS) trong các HTX hiện nay?
– Ông Đỗ Nhân Đạo: Trong xu hướng hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0, khu vực kinh tế tập thể, HTX không thể đứng ngoài cuộc trong CĐS và áp dụng số.
Đây là nhiệm vụ mà Liên minh HTX tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện hỗ trợ tích cực cho các HTX tiến hành CĐS trong quản lý chất lượng và trong sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, thực hiện thương mại điện tử đối với các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Đơn vị đã thỏa thuận hợp tác với Viettel Yên Bái về giải pháp công nghệ CĐS cho HTX, doanh nghiệp; hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Shopee, Lazada, Tiki…; hướng dẫn các HTX thực hiện livestream quảng bá, bán sản phẩm trên nền tảng tiktok, facebook…
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, thực trạng CĐS của các HTX ở từng lĩnh vực có sự khác nhau. Trong đó, có khoảng 15% HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh, phần mềm quản lý. Bên cạnh đó, có khoảng 10% HTX nông nghiệp bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số.
Đối với các HTX phi nông nghiệp, tỷ lệ ứng dụng công nghệ số được áp dụng cao hơn, từ 50 – 60% trong các khâu sản xuất, kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Nhờ sự ưu việt của CĐS, nhiều HTX đã kết nối, quảng bá và mở thêm được nhiều cửa hàng, đại lý, đơn vị tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đơn cử như HTX Trà Shan tuyết Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) đã ứng dụng hiệu quả CĐS cho việc gắn mã số chỉ dẫn cho từng cây chè cổ, trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm hình ảnh cây chè Shan tuyết và thương hiệu của HTX lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiktok, facebook…
Đến nay, HTX đang sở hữu thương hiệu Trà TDG và được quảng bá qua các tài khoản Tiktok: Chú Lâm Tâm Đạo và A Tủa Phình Hồ… với hàng trăm ngàn followers và hàng triệu lượt xem. Nhờ đó, sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Phình Hồ được nâng cao giá trị, bao tiêu toàn bộ nguyên liệu cho các hộ thành viên, sản lượng chè thành phẩm đạt trên 3 tấn/năm, thương hiệu chè Shan tuyết Phình Hồ đã cán mốc 15 triệu lượt xem trên các nền tảng Tiktok và Facebook.
– Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả CĐS trong việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm cho HTX?
– Ông Đỗ Nhân Đạo: Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy CĐS, kinh tế số theo hướng bền vững và vận dụng các nguồn lực để hỗ trợ trang thiết bị phục vụ CĐS, nhất là ở khâu tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.
Đồng thời xác định rõ sản phẩm chủ lực của địa phương, của HTX để xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết hợp với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quan tâm đến mẫu mã bao bì sản phẩm, có giải pháp quảng bá thương hiệu sản phẩm trong cả nước và toàn cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ theo vùng, miền và xuất khẩu.
Ngoài ra, đẩy mạnh việc tập huấn và đào tạo, nâng cao nhận thức và trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của ứng dụng CĐS và thương mại điện tử; giới thiệu các mô hình HTX thực hiện CĐS thành công để các HTX học tập, ứng dụng; mở rộng các hoạt động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!