Trung tâm Xác thực điện tử cung cấp 4 nhóm dịch vụ, giải quyết các nhu cầu cấp thiết của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công Đề án 06 và chương trình Chuyển đổi số Quốc gia…
Chiều 1/7, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) tổ chức Lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và Nghị định số 69/2024 về định danh và xác thực điện tử.
Trên cơ sở triển khai Nghị Định 69 ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã xây dựng Trung tâm Xác thực điện tử và chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7.
Từ việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân, ứng dụng vào các hoạt động kinh tế xã hội, Trung tâm Xác thực điện tử cung cấp 4 nhóm dịch vụ, khi đi vào hoạt động được kỳ vọng giải quyết các nhu cầu cấp thiết của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và chương trình Chuyển đổi số Quốc gia.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, khẳng định: Việc định danh chính xác cá nhân trên môi trường số là bước chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ, lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích chính, đặc biệt giúp cho việc minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trên môi trường điện tử.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội còn cho biết, theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).
Đối với thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc. Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân… góp phần dự phòng biến cố, bình ổn xã hội.
Cũng theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, công dân đề nghị tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công quốc gia; Cổng dịch vụ Công Bộ Công an, Ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý căn cước.
Luật Căn cước mới được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.