Hơn 2 năm triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) và các ứng dụng công nghệ thông tin, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí quản lý và làm giảm chi phí thời gian “rỗng” cho cả người bệnh và thầy thuốc.
BVĐK tỉnh đã sử dụng VssID thay cho xuất trình thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thông thường, tiện lợi cho người bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám chữa bệnh, hỗ trợ bác sĩ phân tích, gợi ý chẩn đoán; triển khai dự án VR (thực tế ảo), các cơ quan nội tạng của bệnh nhân được mô phỏng thông qua các hình ảnh ảo, 3D…
Bệnh viện phát triển đa kênh (Omni-channel) để tương tác với bệnh nhân, kết hợp sử dụng mạng xã hội như Facebook và Zalo để dễ dàng truyền tải và cung cấp thông tin; phát triển các hình thức tư vấn cho bệnh nhân sử dụng IoT (Internet vạn vật) từ các chỉ số khoa học, đại diện cho tình trạng sức khỏe thực tế của cơ thế của mình (nhịp tim, nhịp thở, độ bão hoà oxy trong máu, giấc ngủ, mức độ stress) thu được từ cảm biến của các nền tảng đa dạng: đồng hồ đeo tay, dây đeo cổ tay, thắt lưng, điện thoại thông minh…
Cùng với đó, Bệnh viện tăng cường khai thác công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) để tăng tương tác giữa bệnh nhân và bác sĩ, cung cấp các dịch vụ như: đặt lịch hẹn nhanh, truy cập trực tuyến hồ sơ y tế, gửi yêu cầu và cung cấp hỗ trợ theo thời gian thực…, triển khai đào tạo trực tuyến và ứng dụng Telemedicine hình thức D2D (bác sĩ tới bác sĩ), tăng cơ hội tham gia đào tạo và đào tạo lại cho các thầy thuốc, hội chẩn ca bệnh hoặc chỉ định cấp cứu phù hợp từ nhiều nguồn lực ngoài bệnh viện đến Bệnh viện.
Cùng đó, BVĐK tỉnh đã sớm triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phương pháp thanh toán trực tuyến bằng nhiều hình thức: quẹt thẻ ngân hàng qua máy POS; chuyển khoản trực tiếp Mobibanking, chuyển khoản qua các ứng dụng thanh toán Zalopay, ViettelPay, chuyển khoản qua ví điện từ Momo, Moca, ShopeePay; quẹt QR code…
Sau hơn 2 năm triển khai BAĐT và các ứng dụng công nghệ thông tin, Bệnh viện đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí quản lý và làm giảm chi phí thời gian “rỗng” cho cả người bệnh và thầy thuốc. Người bệnh cũng dễ dàng truy cập hồ sơ, thông tin sức khỏe cá nhân của mình. Qua đó, các dữ liệu tổng hợp hình thành Big data được khai thác hiệu quả.
Được biết, hiện BVĐK tỉnh có quy mô 750 giường bệnh, 500 nhân sự làm việc trực tiếp; điểm chất lượng đạt 4,32/5, cao nhất trong các bệnh viện cùng khu vực.