Những bác sĩ tận tâm với người bệnh, những cán bộ cấp ủy chi bộ tận tụy với bản làng ở các thôn, bản vùng cao… Với họ, nêu gương, trước hết là để rèn giũa chính bản thân mình. Nhưng cũng chính bởi vậy, họ được ghi nhận bằng tấm bằng khen danh giá của Thủ tướng Chính phủ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và còn điều quan trọng hơn thế…
“Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” – nhận thức sâu sắc ý nghĩa nội dung ấy trong Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, nhiều cán bộ, đảng viên đã nghiêm túc thực hành nêu gương bằng hành động cụ thể, ở những vị trí, vai trò công tác của bản thân.
Đó là những bác sĩ tận tâm với người bệnh, những cán bộ cấp ủy chi bộ tận tụy với bản làng ở các thôn, bản vùng cao… Với họ, nêu gương, trước hết là để rèn giũa chính bản thân mình. Nhưng cũng chính bởi vậy, họ được ghi nhận bằng tấm bằng khen danh giá của Thủ tướng Chính phủ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quan trọng hơn, mỗi một sự nêu gương như thế sẽ là nền tảng vững chắc củng cố thêm niềm tin của quần chúng nhân dân với cán bộ, đảng viên.
Người bác sĩ tận tâm
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các chuẩn mực đạo đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, với bác sĩ Trần Quang Mạnh – Bí thư Chi bộ Khối ngoại sản, Trưởng Khoa Ngoại, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ trước hết là không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để phục vụ và chăm sóc người bệnh ngày một tốt hơn. Giai đoạn 2016 – 2021, bác sĩ chuyên khoa I Trần Quang Mạnh đã thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, triển khai trên 20 kỹ thuật mới, trong đó phần lớn là các kỹ thuật phẫu thuật nội soi đòi hỏi trình độ cao.
“Mong muốn nâng cao chất lượng chăm sóc, giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương chính là động lực để tôi cùng đồng nghiệp nghiên cứu, triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh” – suy nghĩ của người bác sĩ được mệnh danh là “đôi bàn tay vàng” chuyên ngành ngoại khoa của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ nói riêng và ngành y tế tỉnh nói chung cho thấy rõ sự tận tâm của người thầy thuốc.
Sự tận tâm không chỉ đến từ tay nghề chuyên môn mà còn đến từ sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của người bệnh. Thế nên, bác sĩ Mạnh được nhiều người bệnh ghi nhận ở thái độ quan tâm, ân cần, bởi trong tâm thức người bác sĩ này vẫn luôn ghi nhớ “12 điều y đức” và lời dạy “Lương y như từ mẫu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kiêm nhiệm vai trò Phó Chủ nhiệm Chi hội Thầy thuốc trẻ của Bệnh viện, ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Mạnh còn cùng đồng nghiệp tham gia nhiều hoạt động khám bệnh thiện nguyện hay hiến máu tình nguyện…
Trở thành 1 trong 3 cá nhân của tỉnh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì “Có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2021” không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân bác sĩ Mạnh mà cũng chính là cách nêu gương thiết thực nhất với cán bộ, đảng viên của người bác sĩ trẻ trên cương vị lãnh đạo, quản lý.
Người trưởng bản tận tụy
“Được bà con trong bản tin tưởng phải sống thật tốt, quý trọng bà con, bằng những việc làm tốt và nếu chỉ một việc không tốt thì dân không tin, không quý nữa. Bởi vậy, bản thân mình phải thường xuyên gương mẫu học tập và làm theo Bác Hồ, xứng đáng là người đảng viên gương mẫu” – anh Triệu Văn Lý – Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vàng Ngần – nơi xa xôi nhất của xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, đã tự răn mình như vậy để suốt nhiều năm qua có những đóng góp lớn cho bản làng.
“Tôi nghĩ, đảng viên không được nghèo, phải có kinh tế khá trở lên mới vận động được người dân tin tưởng làm theo”. Nghĩ vậy, nên từ nhiều năm trước, anh Lý đã quyết tâm tìm cây trồng có giá trị đưa về trồng ở đồi rừng. Chọn cây quế thay cho những đồi lau lách, mỗi năm, anh cùng gia đình trồng thêm và trồng thay thế khoảng 1 ha quế để có được hơn 10 ha quế ngày hôm nay với giá trị tới 5-7 tỷ đồng.
Thấy anh làm, bà con học. Vừa vận động bà con cùng làm, anh Lý vừa ươm quế giống để phát triển gia đình vừa hướng dẫn bà con trồng quế. Đến nay, cả bản có trên 350 ha quế hữu cơ. Nhiều hộ trong bản thoát nghèo, rồi trở nên khá, giàu nhờ cây quế. Ngoài quế, anh Lý còn phát triển thêm chăn nuôi, khai hoang ruộng nước, cũng là để bà con học tập tích cực tăng gia sản xuất cho đời sống ngày một khấm khá.
Đảm nhận vai trò Trưởng bản từ năm 2016, ngay khi đó, anh Lý đã nghĩ đến việc gây dựng, phát triển một quỹ chung của thôn, bản: “Tôi đã chủ động đề xuất tiếp tục phát triển đồi quế chung của thôn lúc đó có diện tích khoảng 15 ha. Hàng năm, trồng thay thế và trồng thêm khoảng từ 3 – 7 ha và phân công các hộ trong bản luân phiên chăm sóc bảo vệ, khai thác khi cần thiết để chi cho các hoạt động chung của bản”.
Đồi quế chung của thôn Vàng Ngần giờ đã lên đến diện tích 35 ha, mỗi năm cho thu về khoảng 150 triệu đồng, giúp bản nhiều việc ý nghĩa như hỗ trợ hộ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, làm nhà thiếu tiền; cho người dân vay không lãi để phát triển kinh tế; mua vật liệu tu sửa, mở đường; thậm chí, hỗ trợ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi hộ dịp tết Nguyên đán.
Anh Đặng Nho Lý – người dân bản Vàng Ngần bảo rằng: “Tết đã vui, nhận được quà của bản lại càng phấn khởi. Cái này cũng là có phần công sức của Trưởng bản Lý”.
Trăn trở nhiều nữa trong tâm trí Trưởng bản Lý là chuyện con đường của bản, thế nên anh luôn tính chuyện làm đường với bà con. Đồng lòng với anh Lý, năm 2017, cả bản chung tay tự mở mới được 12 km đường đi được bằng ô tô tải lên khu dân cư Ngã Hai xa nhất bản.
Tháng 5 năm 2020, được huyện hỗ trợ 170 triệu đồng mua vật liệu, dân bản cũng đóng góp thêm tiền và ngày công bê tông hóa 1,5 km. Tính từ năm 2020 đến nay, nhân dân trong bản đã làm được 5,5 km đường giao thông, trong đó có 2,3 km đường trục chính.
Trong câu chuyện của người Dao Vàng Ngần còn nhắc lại bao thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 năm 2018. Ngay trong thời điểm khó khăn đó, người Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản ấy đã cùng Chi bộ và bà con nhân dân đoàn kết vượt khó, khắc phục hơn 10 km đường giao thông, dựng lại nhà cho 5 hộ bị sập hoàn toàn, di dời khẩn cấp 9 hộ, khôi phục 5 ha ruộng nước, góp thêm tiền và gần 400 ngày công cùng với các nhà hảo tâm xây dựng lại điểm trường mầm non Vàng Ngần bị sập đổ.
Không chỉ quan tâm tới đời sống vật chất cho bà con, lo lắng về sự mai một những phong tục tập quán tốt đẹp của người Dao trong cộng đồng, suốt nhiều năm qua, anh Triệu Văn Lý còn quyết tâm đi học chữ viết (chữ Nôm Dao), các lễ tục dân tộc. Anh đã được cấp sắc 12 đèn, là chức sắc cao nhất trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao.
Trưởng bản Triệu Văn Lý đã cùng những người cao tuổi trong bản 2 năm mở một lớp dạy chữ Nôm Dao, phong tục cho người trẻ trong bản; bàn bạc, đưa vào hương ước của bản quy định mặc trang phục dân tộc trong những ngày lễ trọng, ngày tết, ngày cưới để lưu truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, anh cùng Chi bộ vận động bà con dân bản loại bỏ, cải tiến những hủ tục tốn kém tiền bạc, thời gian như tục thách cưới cao, cúng bái khi ốm đau… Đến nay, ở Vàng Ngần rất ít người sinh con thứ ba trở lên, không còn hôn nhân cận huyết thống, khi ốm đau bà con đã tự giác đi khám ở các cơ sở y tế…
Sự yêu mến, tín nhiệm của người dân Vàng Ngần với người đảng viên, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Triệu Văn Lý đã được khẳng định bằng niềm tin tưởng khi nghe theo những hòa giải của anh lúc xảy ra mâu thuẫn trong thôn bản. “Các vụ việc mâu thuẫn trong bản tôi đều nắm được và cùng với các ban, ngành đến tìm hiểu, hòa giải kịp thời. Những việc liên quan đến xã khác hoặc liên quan đến pháp luật, tôi báo cáo xin ý kiến của xã để hòa giải, giải quyết. Trong 5 năm qua, chỉ có 1 việc xã phải xuống bản để giải quyết” – anh Lý cho hay.
Mỗi năm giảm 15 – 20% hộ nghèo; tuy cuối năm 2019 mới có điện lưới quốc gia nhưng hiện nay có hơn 80% số hộ có ti vi, 30% có máy giặt, gần 100% có xe máy, có hộ mua được cả ô tô bán tải, ô tô tải, máy xúc; tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học của bản đều được đến trường… Bản Vàng Ngần hôm nay khấm khá nhiều nhờ sự đóng góp không nhỏ của người Phó Bí thư Chi bộ, trưởng bản tận tụy với bà con đến vậy. Chi bộ Vàng Ngần, có sự nhiệt huyết, làm gương của người cán bộ cấp ủy ấy, trong liên tục 10 năm (từ 2010 đến 2020) được công nhận là Chi bộ “Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”.
Theo Báo Yên Bái