HĐND tỉnh Yên Bái: Tạo đòn bẩy bằng chính sách

HĐND tỉnh Yên Bái khoá XVIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã ban hành khung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 – 2020.

Các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giúp người chăn nuôi có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND về một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 40/2018/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo trên 16.000 liều, đạt 100% kế hoạch; hỗ trợ phát triển cơ sở chăn nuôi hàng hóa. Cụ thể, hỗ trợ 447 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con/cơ sở với mức 20 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ 70 cơ sở chăn nuôi lợn thịt có quy mô 100 con/lứa; hỗ trợ 146 cơ sở chăn nuôi lợn nái có quy mô từ 15 con trở lên, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ 346 cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 1.000 con trở lên với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/cơ sở, đạt 100% kế hoạch… Tổng kinh phí hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi giai đoạn này trên 28,8 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh được người dân hưởng ứng tham gia, góp phần tăng trưởng đầu đàn và sản lượng thịt hơi.

Đặc biệt, năm 2020, để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 13 về một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí thực hiện trên trên 29,1 tỷ đồng. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố triển khai hỗ trợ với tổng số 2.023 hộ đăng ký tham gia, thực hiện hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi lợn nái, chăn nuôi gia cầm đặc sản, chăn nuôi dê và hỗ trợ trồng cây ngô đông trên đất hai vụ lúa với trên 2.101 ha. Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 có ý nghĩa nhân văn, thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định an ninh, chính trị, phát triển kinh tế – xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch.

Ông Nông Ích Chấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh rất phù hợp và kịp thời với thực tiễn sản xuất của các hộ trên địa bàn, góp phần từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Nghị quyết số 13 đã giúp người dân có điều kiện tái đàn, phục hồi sản xuất”. Được biết, thực hiện Nghị quyết số 13, huyện Văn Chấn đã hỗ trợ 166 cơ sở với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng. Trong đó, có 71 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 50 con trở lên, 62 cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô từ 5 con trở lên, 19 cơ sở chăn nuôi kết hợp 3 con lợn nái và 30 con lợn thịt trở lên, 1 cơ sở nuôi gia cầm đặc sản quy mô từ 200 con trở lên, 10 cơ sở nuôi gia cầm với quy mô 500 con trở lên, 2 cơ sở nuôi dê quy mô từ 30 con trở lên.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bình cho biết: “Qua giám sát cho thấy, các đề án, chính sách được triển khai thực hiện đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt trên 4,5%/năm; giữ vững an ninh lương thực, gia tăng mạnh mẽ về quy mô, diện tích, sản lượng cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Qua đó, Yên Bái đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung, góp phần thực hiện thành công Chương mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: