Chính quyền cần xây dựng, hướng dẫn quy trình chuẩn cho từng trường hợp, để doanh nghiệp chủ động sản xuất và phòng chống dịch, như vậy mới giảm nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Hội thảo trực tuyến “Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch Covid-19: Vấn đề và giải pháp”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức.
Bị kẹt cứng bởi một ổ 4 chìa
Tại Hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, phản ánh, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở nhiều địa phương đang tạo áp lực lớn với cộng đồng doanh nghiêp, làm tê liệt hoạt động sản xuất tại 19 tỉnh phía Nam. Nhất là khi một số địa phương không linh hoạt khi triển khai, các doanh nghiệp chưa có lao động bị F0 vẫn phải đóng cửa.
Toàn ngành dệt may hiện chỉ vận hành được 10-15% công suất. May mặc là mặt hàng thời trang, không ai muốn nhận sản phẩm khi thời vụ đã qua, nên các doanh nghiệp bị đối tác thúc ép giao hàng rất ghê. Một số doanh nghiệp phía Nam phải xoay sở gửi đơn hàng cho phía Bắc sản xuất hộ, nhưng lại không vận chuyển được nguyên, phụ liệu và cán bộ kỹ thuật ra vì khó “thông chốt” khi qua các địa phương.
“Một số đối tác nước ngoài đã tính toán đến việc chuyển đơn hàng sang các nước khác để đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung ứng, khiến nhiều doanh nghiệp ngành may ngồi trên đống lửa”, ông Giang chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistic Việt Nam, ví von, vận tải hàng hóa hiện nay giống như “một ổ khóa có 4 chìa”. “Chìa” đầu tiên là Bộ Y tế quy định lái xe phải có xét nghiệm âm tính. “Chìa” thứ hai là Bộ GTVT yêu cầu mã nhận diện QR code và “luồng xanh”. “Chìa” thứ ba là Bộ Công thương quy định về hàng hóa thiết yếu và vận tải hàng hóa thiếu yếu. “Chìa” cuối cùng là các chốt phòng dịch do địa phương thành lập.
Cả 4 “chìa khóa” này đang gây khó khăn cho vận tải, đẩy chi phí tăng vọt. Hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa là “mạch máu” của kinh tế đất nước, trong đó có sản xuất công nghiệp. Nhà máy sản xuất đã khó khăn để tồn tại, nay thêm khâu vận tải không thuận lợi nên khó khăn nhân đôi.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), cho rằng, nếu doanh nghiệp lương thực, thực phẩm không hoạt động sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” chỉ phù hợp với thời gian ngắn. Sau 3 tuần, tâm lý của mọi người từ cán bộ đến công nhân viên bắt đầu ngao ngán. Doanh nghiệp ngoài lo ăn 3 bữa, có nơi còn bồi dưỡng 200.000 đồng/ngày cũng không thể giữ chân công nhân. Tất cả đều muốn rời khỏi nhà máy, không yên tâm làm việc bởi ai cũng có gia đình, ai cũng muốn về nhà.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cũng hoang mang. Nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế luôn thường trực, trong khi lại thiếu những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể từ Chính phủ. Mỗi tỉnh áp dụng một kiểu, đặc biệt là quy định về hàng thiết yếu.
Các doanh nghiệp cho biết, thị trường Mỹ và châu Âu đã mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu khởi sắc. Vì thế, cần giảm thiểu tình trạng ngừng hoạt động, tránh nguy cơ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng. Cùng với đó, hàng chục nghìn công nhân về quê dẫn tới tình trạng thiếu lao động. Như vậy, rất khó đảm bảo khả năng cung ứng, sản xuất các đơn hàng quy mô lớn cho các tập đoàn đa quốc gia.
Chỉ riêng 4 ngành dệt may – da giày, túi xách, điện tử, gỗ và lâm sản đã có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 150 tỷ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch cả nước, với 8 triệu lao động. Nếu chuỗi cung ứng đứt gẫy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội.
Muốn chủ động, tự chịu trách nhiệm
Bà Đỗ Thuý Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành cần thay đổi quan điểm, coi các doanh nghiệp như một trong những lực lượng chủ chốt cùng phối hợp, thay vì là đối tượng chịu sự kiểm soát của chính quyền về phòng chống dịch. Chính quyền cần xây dựng, hướng dẫn quy trình chuẩn cho từng trường hợp, để doanh nghiệp chủ động sản xuất và phòng chống dịch.
Nếu dịch còn kéo dài, doanh nghiệp không thể tiếp tục đóng cửa mãi. Bà Hương e ngại, như vậy chuỗi sản xuất sẽ đứt gẫy và người lao động không có việc làm. Làm sao giúp cho doanh nghiệp tự chủ được sản xuất và quản lý y tế tại chỗ.
“Do đó, chúng tôi đề xuất cho phép doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa đón công nhân đến nơi làm việc, đảm bảo quy trình sức khỏe nghiêm ngặt nhất. Cho phép doanh nghiệp mua các dụng cụ test nhanh để xét nghiệm cho người lao động. Bộ Y tế cần ban hành quy trình khi doanh nghiệp có ca nhiễm, nghi nhiễm để cách ly ngay tại nhà máy, hoặc đưa đi điều trị, nhằm bảo vệ ‘vùng xanh’ và tiếp tục sản xuất”, bà Hương nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, Chính phủ cần để doanh nghiệp hoạt động bình thường, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo an toàn bởi dịch còn có thể kéo dài. Ông cũng đề nghị bỏ tất cả quy định danh mục hàng thiết yếu, vấn đề là đảm bảo an toàn sức khỏe cho tài xế nên cần áp dụng thống nhất về phương pháp xét nghiệm, thời hạn. Hãy để doanh nghiệp có vai trò tự chủ nhiều hơn trong đảm bảo an toàn dịch bệnh cho mình.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhìn nhận, đang có tình trạng thực hiện Chỉ thị 16 khác nhau ở các địa phương. Nhiều địa phương chỉ lo chống dịch, chưa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Cần xác định chống dịch và chống suy giảm kinh tế luôn phải song hành. Dịch Covid-19 còn kéo dài, phải có biện pháp sống chung với dịch, có kịch bản thống nhất từ Chính phủ, áp dụng đồng bộ ở các địa phương; trong đó đề cao vai trò, tính tự chủ của doanh nghiệp. Dịch bệnh, nạn đói và thiếu việc làm đều là các vấn đề rất quan trọng hiện nay. Do vậy, ưu tiên phòng dịch bệnh phải đi đôi với việc cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh, ông Lộc bày tỏ ý kiến.