Hỏi: Luật Công đoàn năm 2012 được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày, tháng, năm nào?
Trả lời: Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Luật này thay thế Luật Công đoàn năm 1990.
Hỏi: Xin cho biết vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn theo Luật Công đoàn năm 2012?
Trả lời: Điều 1 Luật Công đoàn năm 2012 quy định như sau:
Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công đoàn là tổ chức đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hỏi: Xin cho biết, Luật Công đoàn năm 2012 quy định như thế nào về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của công đoàn, hệ thống tổ chức công đoàn?
Trả lời: Điều 6 Luật Công đoàn năm 2012 quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn như sau:
Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 7 Luật Công đoàn năm 2012 quy định hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn cơ sở được tổ chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Hỏi: Xin hỏi, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp có được quyền đại diện cho người lao động tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương hay không? Luật Công đoàn năm 2012 quy định quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động như thế nào?
Trả lời: Điều 10 Luật Công đoàn năm 2012 quy định quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của tổ chức công đoàn như sau:
– Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.
– Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể.
– Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.
– Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
– Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.
– Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
– Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.
– Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.
– Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.
– Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tổ chức công đoàn doanh nghiệp có quyền tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương.
Hỏi: Xin cho biết, theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012 tổ chức công đoàn có quyền và trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội ở những lĩnh vực nào?
Trả lời: Điều 11 Luật Công đoàn năm 2012 quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội như sau:
– Tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế – xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và chính sách, pháp luật khác liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
– Phối hợp với cơ quan nhà nước nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật bảo hộ lao động, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, vệ sinh lao động.
– Tham gia với cơ quan nhà nước quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.
– Tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
– Tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
– Phối hợp tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Hỏi: Theo Luật Công đoàn năm 2012, công đoàn các cấp có quyền kiến nghị với cơ quan hành chính nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật có liên quan đến quyền của người lao động không?
Trả lời: Điều 12 Luật Công đoàn năm 2012 quy định như sau:
– Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh ra trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
– Công đoàn các cấp có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Như vậy công đoàn các cấp có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật có liên quan đến quyền của người lao động.
Công đoàn Viên chức tỉnh