Ngành ngân hàng tỉnh Yên Bái khẳng định vai trò huyết mạch nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động nguồn vốn tại địa phương, khai thác tốt nguồn vốn ngoài tỉnh, nguồn vốn điều hòa hệ thống; tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng…

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái.

Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn, tác động đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, với vai trò huyết mạch nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong năm, NHNN Chi nhánh tỉnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động nguồn vốn tại địa phương, khai thác tốt nguồn vốn ngoài tỉnh, nguồn vốn điều hòa hệ thống; tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung nguồn vốn tín dụng để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Theo NHNN Chi nhánh tỉnh, ước đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 10,23% so với cuối năm 2023. Nguồn vốn huy động tăng trưởng khá, giúp các ngân hàng, tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, cải thiện khả năng thanh khoản và thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm vốn cho nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 49.000 tỷ đồng, tăng 17,99% so với cuối năm 2023, hoàn thành và vượt xa kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tối thiểu đặt ra trong năm là 10 -12%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ưu tiên đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, với mục tiêu khơi thông nguồn vốn, phát triển sản xuất kinh doanh, ngành đã tăng cường các giải pháp nắm bắt, tháo gỡ kịp thời khó khăn của doanh nghiệp thông qua Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Lũy kế đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ vốn vay đối với 1.776 lượt khách hàng, số tiền cam kết cho vay là 27.692 tỷ đồng và doanh số cho vay là 74.616 tỷ đồng; cam kết hỗ trợ giảm lãi suất cho 7.381 khách hàng với dư nợ là 6.406 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 47 khách hàng với số tiền 550 tỷ đồng và cơ cấu lại vay cũ về mức phù hợp cho 198 doanh nghiệp với dư nợ là 1.967 tỷ đồng.

Trong năm 2024, cũng ghi nhận sự nỗ lực, tâm huyết của các ngân hàng thương mại trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng của bão số 3. Thực hiện sự chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu, đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 201 khách hàng với dư nợ là 31,4 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 4.453 khách hàng với dư nợ là 4.865,5 tỷ đồng; cho vay mới 3.088 khách hàng với dư nợ là 544,3 tỷ đồng. Các biện pháp trên đã hỗ trợ khách hàng bước đầu khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Cùng với hệ thống ngân hàng thương mại, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống và tái sản xuất sau bão, thực thi hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cho biết: “Ngay sau khi thiên tai xảy ra, đơn vị đã rà soát nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng chính sách để khắc phục thiệt hại sau thiên tai của người dân để trình Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương giao vốn bổ sung. Tổng nhu cầu vốn là 350 tỷ đồng, trong đó đáp ứng từ nguồn vốn thu hồi và vốn còn tồn 120 tỷ đồng, đã trình Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương giao bổ sung 230 tỷ đồng; tham mưu với UBND tỉnh chuyển bổ sung 40 tỷ đồng để cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão. Sau bão, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung giải ngân cho 2.143 khách hàng vay vốn khôi phục kinh tế, ổn định đời sống với số tiền trên 135,5 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các chương trình cho vay: nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm. Kết quả trên đã thực sự giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo”.

Bước sang năm 2025, toàn ngành phấn đấu tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế so với năm 2024 từ 10% đến 12% trở lên; tỷ lệ nợ xấu nội bảng so với tổng dư nợ dưới 2%. NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục chủ động nắm bắt diễn biến tình hình về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối trên địa bàn; chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân thực hiện các giải pháp, hình thức huy động nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng xuất khẩu, lưu thông hàng hóa.

Đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Cùng đó, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt và bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán; tăng cường quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối. Chủ động kết nối các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 7,87% so với 31/12/2023, chiếm 42,45% tổng dư nợ; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 1.050 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 6,01% so với 31/12/2023, chiếm 15,92% so với tổng dư nợ; dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 10,9% so với 31/12/2023.

Theo Báo Yên Bái

 

Bài viết mới nhất: