Yên Bái phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024: Chỉ bàn làm, không bàn lùi!

Đến hết tháng 8/2024, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh Yên Bái có nhiều kết quả nổi bật, kinh tế – xã hội giữ tốc độ phát triển ổn định. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã “cản” bước tiến này. Vượt gian khó, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,7%, Yên Bái đã triển khai một loạt giải pháp quyết liệt, linh hoạt để giữ vững mục tiêu tăng trưởng của năm.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra tiến độ dự án đường kết nối Mường La (Sơn La) – Than Uyên (Lai Châu) – Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC16).

Không để bão lũ “cản đường”

Từ đầu năm 2024 cho đến hết tháng 8, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh thuận lợi, nhiều chỉ tiêu đạt cao, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị phát triển, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, kinh tế tăng trưởng ổn định, công tác an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao được quan tâm, đời sống người dân ngày càng được chăm lo, cải thiện. Tuy nhiên, ngày 10/9, cơn bão số 3 (Yagi) ập đến đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho tỉnh Yên Bái.

Đối với khu vực dọc sông Hồng, các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái, mưa lớn kéo dài. Trên địa bàn thành phố làm 15/15 xã, phường bị ngập, trong đó có 8 địa phương bị ngập hoàn toàn. Huyện Trấn Yên có 12 xã bị cô lập do ngập nước; nhiều xã của huyện Văn Yên ngập sâu. Hệ thống hạ tầng xã hội như giao thông, y tế, trường học, viễn thông, thủy lợi, nhà cửa của nhân dân bị tàn phá nặng nề …

Khu vực sông Chảy gồm 16 xã của huyện Lục Yên và 22 xã của huyện Yên Bình. Mưa lớn cùng nước từ thượng nguồn đồ về dẫn đến mực nước hồ Thác Bà lên nhanh, thời điểm ngày 10/9/2024, nước hồ Thác Bà dâng cao, có nguy cơ vỡ đập thủy điện. Việc điều tiết, xả lũ đã làm sạt lở hai bên bờ sông Chảy đoạn qua thị trấn Thác Bà, xã Hán Đà, xã Vĩnh Kiên và gây ngập úng các xã vùng hạ lưu, nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt, khó tiếp cận để cứu nạn cứu hộ. Khu vực các huyện phía Tây do địa hình chia cắt bởi các suối, ngòi, nhiều dãy núi cao, lượng mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, toàn bộ lượng nước mưa đồ về Ngòi Thia gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại nhiều điểm…

Theo thống kê của tỉnh Yên Bái, mưa lũ làm 54 người bị chết; 42 người bị thương; 27.331 nhà bị thiệt hại; 7.006 ha cây trồng bị ảnh hưởng; 336.325 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…; tổng thiệt hại ước tính trên 5.738 tỷ đồng. Nhiều địa phương sau bão không có điện và nước sạch, sóng viễn thông cũng gần như tê liệt. Bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các lĩnh vực sản xuất chính, từ công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đến nông nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ tới đà tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kiểm tra việc triển khai thực hiện Dự án di dân khẩn cấp, bố trí tái định cư tại thôn Sài Lương 2, xã An Lương, huyện Văn Chấn do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Bài toán đặt ra cho tỉnh Yên Bái ngay sau bão là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay khi bão lũ tan, công cuộc tái thiết đã được cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn tập trung dồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ. Toàn tỉnh đã huy động trên 105.090 lượt người, khoảng 1.500 phương tiện vận chuyển, máy móc phục vụ công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Công tác tìm kiếm cứu nạn được ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã huy động tối đa các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân bị chết do sạt lở đất, cứu trợ người dân ở những vùng bị cô lập; chỉ đạo các lực lượng quân sự phối hợp với chính quyền các địa phương có các điểm bị sạt lở, thiệt hại về người để huy động lực lượng, phương tiện xuống hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân, đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, đồng thời hỗ trợ gia đình di dời tạm thời người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở…

Bàn làm, không bàn lùi

Ngay khi kết thúc chiến dịch khắc phục hậu quả bão lũ, tỉnh Yên Bái đã tiếp tục tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2024 đặt ra. Để duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 7,7% trong bối cảnh hiện tại thực sự rất khó khăn. Bởi vậy, ngay sau khi đưa nhịp sống quay trở lại bình thường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung cao độ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, trong đó, tập trung các giải pháp khôi phục nhanh chuỗi sản xuất – cung ứng, kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, tăng thu ngân sách, đưa hoạt động du lịch trở lại…

Với quyết tâm cao và những quyết sách đúng cùng sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kết thúc tháng 9/2024 đã có 26/46 chỉ tiêu chủ yếu có số liệu đánh giá, trong đó có 5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 12 chỉ tiêu đạt từ 75% kế hoạch trở lên; 4 chỉ tiêu đạt từ 50% kế hoạch đến dưới 75% kế hoạch, cơ bản bảo đảm tiến độ.

Mặc dù bị bão lũ nhưng tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng vẫn ước đạt 7,15%, đứng thứ 9/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Yên Bái ban hành ngay Nghị quyết quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024 trên địa bàn, góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, tạo động lực tái đầu tư phát triển sản xuất. Công nhận thêm 12 sản phẩm OCOP, nâng tổng số lên 247 sản phẩm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 110/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 309 triệu USD, tăng 26% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến 11/10/2024 đạt trên 2.500 tỷ đồng, bằng 72,5% dự toán trung ương giao…

Công nhân Công ty cổ phần An Tiến Industries Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu cuối năm.

Đánh giá về những kết quả của địa phương tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 26 (mở rộng) về tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng, đồng chí Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những kết quả đạt được trong thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng của Yên Bái thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao, sự chủ động, tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Những việc làm, kết quả đạt được đã củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân.

Tiếp nối thành quả đã đạt được, 3 tháng cuối năm, với quyết tâm chỉ bàn làm, không bàn lùi, Yên Bái sẽ triển khai các giải pháp căn cơ để vừa “chạy nước rút” thực hiện toàn diện các chỉ tiêu đặt ra, vừa kiến thiết vừa thúc đẩy tăng trưởng. Tỉnh kiên quyết khắc phục biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, gây kìm hãm sự phát triển; chỉ đạo và tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tăng tốc, bứt phá, nhanh chóng khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân sau cơn bão số 3; phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới phương pháp lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, quyết tâm thực hiện hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Chương trình hành động số 188-CTr/TU, ngày 25/11/2023 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024…

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: