Hướng dẫn quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khắc phục thiệt hại và các sự cố do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Sở Tài chính vừa ban hành văn bản số 1933/STC-QLNS gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khắc phục thiệt hại và các sự cố do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Sở Tài chính thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khắc phục thiệt hại và các sự cố do bão số 3 gây ra

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khắc phục thiệt hại và các sự cố do bão số 3 gây ra, như sau:

* Đối với việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các địa phương, đơn vị để khắc phục hậu quả thiên tai:

1. Về chính sách an sinh xã hội:

a. Hỗ trợ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2G21 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội:

– Người bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc do các lý do bất khả kháng khác tại nơi cư trú được xem xét hỗ trợ với mức tối thiểu bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này (mức chuẩn được điều chỉnh tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ là 500.000đ/tháng): Mức hỗ trợ là 5.000.000 đồng/người. Trình tự xem xét hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 20/NĐ-CP.

– Hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này (mức chuẩn được điều chỉnh tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2G24 của Chính phủ là 500.000đ/tháng): Mức hỗ trợ là 25.000.000 đồng/người. Trình tự xem xét hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 20/NĐ-CP.

– Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ. Trình tự xem xét hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 20/NĐ-CP.

– Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ. Trình tự xem xét hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 20/NĐ-CP.

– Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ. Trình tự xem xét hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 20/NĐ-CP.

b. Hỗ trợ theo Nghị quyết số 66/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái:

– Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 30% đến dưới 50% diện tích mái, mức hỗ trợ 2.000.000 đồng/nhà.

– Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 50% đến dưới 70% diện tích mái, mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/nhà.

– Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 70% diện tích mái trở lên, mức hỗ trợ 4.000.000 đồng/nhà.

– Hộ gia đình, cá nhân có tư trang, vật dụng phục vụ sinh hoạt, đời sống thường ngày bị hư hỏng hoàn toàn hoặc mất hết, mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/nhà.

2. Về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ và Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái:

2.1. Về mức hỗ trợ:

a. Hỗ trợ đối với cây trồng:

– Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

– Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.

– Diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha.

– Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.

– Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

– Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

b. Hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp:

– Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

– Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.

c. Hỗ trợ đối với nuôi thuỷ, hải sản:

– Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 5.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 50% -70% hỗ trợ 3.000. 000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 50%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

– Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 50% – 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 50%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha.

– Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 50% – 70%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% – 50%, hỗ trợ 3.000.000 đồng /100 m3 lồng;

– Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 25.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 50% – 70% hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 50%, hỗ trợ từ 10.000.000 đồng/ha;

– Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 45.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 50% – 70%, hỗ trợ 25.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 50%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.

– Diện tích nuôi trồng các loại thuỷ, hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 50% – 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 50%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

d. Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm:

– Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 17.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 30.000 đồng/con.

– Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 350.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 800.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con.

– Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi, hỗ trợ 6.500.000 đồng/con; bò sữa trên 12 tháng tuổi, hỗ trợ 10.000.000 đồng/con.

– Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi, hỗ trợ 4.000.000 đồng/con; trên 12 tháng tuổi, hỗ trợ 6.000. 000 đồng/con.

– Hươu, nai, cừu: Hỗ trợ 2.000.000 đồng/con.

– Dê đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi, hỗ trợ 1.150.000 đồng/con; trên 12 tháng tuổi, hỗ trợ 1.500.000 đồng/con.

– Thỏ đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 30.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 50.000 đồng/con.

2.2. Nguyên tắc hỗ trợ:

– Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại).

– Thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật. Giống cây, con, hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương.

– Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng chế độ và đúng đối tượng.

– Mức hỗ trợ tối đa không vượt quá mức thiệt hại thực tế. Cơ chế, phương thức hỗ trợ được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.

– Trường hợp đối tượng được hưởng nhiều chính sách có cùng nội dung hỗ trợ thì được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.

2.3. Điều kiện, trình tự, thủ tục hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc quy định mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

2.4. Về trình tự, thủ tục: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc quy định mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

3. Về khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu:

– Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật NSNN, theo đó: Các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực địa phương (nguồn dự phòng ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác) để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trường hợp thiệt hại lớn, sau khi các địa phương đã sử dụng nguồn lực của mình nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thì Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

– Thực hiện theo quy định tại Điều 16 Quyết định số 571/QĐ-BCH ngày 12/4/2022 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

* Đối với việc hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện: Thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn đóng góp tự nguyện theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị, cơ quan có liên quan có trách nhiệm phân bổ cụ thể và sử dụng số kinh phí được bổ sung đảm bảo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; sử dụng nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cùng với nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp (mức độ thiệt hại, nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc cấp mình quản lý) gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. Quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được nhận kinh phí hỗ trợ theo quy định để làm căn cứ chi trả kinh phí hỗ trợ, đồng thời gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, giám sát thực hiện.

Tổ chức việc triển khai hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân được kịp thời, đúng quy định. Tiếp nhận, quản lý và tổng hợp quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn, đảm bảo kinh phí được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chính sách, chế độ và công khai, minh bạch. Kinh phí không sử dụng hết phải nộp trả ngân sách tỉnh, không được sử dụng vào mục đích khác. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn. Kết thúc đợt chi trả báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp chung toàn tỉnh (mức độ thiệt hại, nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương) gửi Sở Tài chính để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức hỗ trợ khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình và kết quả thực hiện.

Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Chữ thập đỏ chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo đúng quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ.

Sở Tài chính trên cơ sở kết quả rà soát, thẩm định, tổng hợp chung toàn tỉnh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định nhu cầu kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại. Trường hợp ngân sách địa phương thiếu nguồn, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi các Bộ (Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính) đề xuất nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Sở Tài chính làm thủ tục cấp kinh phí theo Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Tải về [430.71 KB]

Theo Cổng TTĐT tỉnh

Bài viết mới nhất: