Xác định chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp, hướng đi giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững, thời gian qua, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch Yên Bái đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ, CĐS trong các hoạt động du lịch nhằm đem lại những thuận lợi và trải nghiệm mới cho du khách.
Bắt kịp xu hướng và đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, thời gian qua, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hưng Việt (viết tắt là Hưng Việt travel) tại huyện Yên Bình đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, kinh doanh. Bên cạnh tiếp cận khách hàng theo cách truyền thống, Công ty đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tour du lịch lên Website và trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook…
Đồng thời, áp dụng việc đặt tour và thanh toán trực tuyến, đem lại nhiều tiện ích cho du khách. Nhờ đáp ứng tốt nhu cầu tìm kiếm thông tin, trải nghiệm địa điểm du lịch trên Internet của du khách, lượng khách đăng ký tour qua kênh Online của Công ty không ngừng tăng lên qua các năm.
Xác định CĐS là bước đi đột phá giúp các doanh nghiệp lữ hành nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả, Hưng Việt travel đã chủ động chuyển đổi và quy chuẩn các trình tự nhập liệu, theo dõi số liệu và quy trình công việc tại tất cả các bộ phận, phòng, ban thông qua việc vận hành phần mềm kinh doanh.
Ông Nguyễn Việt Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hưng Việt cho biết: “Từ sau khi áp dụng công cụ, phần mềm quản lý kinh doanh, hoạt động của Công ty thuận lợi hơn rất nhiều, không chỉ hiệu suất công việc được tăng lên, quản lý dễ dàng mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị”.
Cùng với sự chủ động của các đơn vị kinh doanh du lịch, thời gian qua, ngành du lịch Yên Bái đã tập trung phát triển các nền tảng số du lịch làm cơ sở hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh trên toàn tỉnh. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên triển khai số hóa thông tin nhiều di tích, điểm đến trên địa bàn tỉnh như: Di tích Đền Mẫu phường Nam Cường, thành phố Yên Bái; Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên… Qua đó, giúp du khách tìm hiểu thông tin về các điểm đến, di tích lịch sử một cách dễ dàng, thuận tiện.
Hiện nay, CĐS là xu hướng tất yếu, tạo cơ hội để ngành du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, ngành đang tăng cường quảng bá du lịch trên các nền tảng số Facebook, Tiktok….
Tỉnh cũng xây dựng Cổng Du lịch tỉnh Yên Bái, liên thông với các nền tảng số về du lịch của tỉnh đảm bảo kết nối, chia sẻ, liên thông những dữ liệu cơ bản về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và các thông tin thiết yếu phục vụ công tác quản lý nhà nước, doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch đến địa phương; quan tâm triển khai nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ mở để phát triển các tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm để xây dựng và triển khai nền tảng du lịch 4.0; sử dụng hiệu quả các nền tảng số du lịch do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia triển khai; ứng dụng các nền tảng kết nối cung cầu về du lịch.
Cùng với đó, ngành du lịch cũng thúc đẩy, hỗ trợ CĐS trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh du lịch; xây dựng, giới thiệu, nhân rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh du lịch số và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho người dân, sử dụng các công nghệ số để tham gia vào chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch trong quá trình CĐS lĩnh vực du lịch…
Với những bước đi tích cực trong thực hiện CĐS, du lịch Yên Bái đã gặt hái được nhiều thành quả. Theo báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đón trên 1,3 triệu lượt khách, bằng 78% kế hoạch, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 170.700 lượt khách, bằng 56,9% kế hoạch.
Phát huy kết quả đạt được, ngành du lịch Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS, hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chất lượng và bền vững, phấn đấu số lượt khách du lịch trong năm 2024 đạt 1,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 300.000 lượt khách; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.500 tỷ đồng.