Bên cạnh ban hành kế hoạch chuyển đổi số (CĐS), xây dựng chính quyền điện tử năm 2024, Sở Tư pháp Yên Bái còn phát động phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ CĐS, khuyến khích những cách làm hay, sáng tạo trong chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng chí Nguyễn Huy Cường – Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái cho biết: “Nhằm nêu cao tinh thần, phát huy sự sáng tạo của công chức, viên chức thực hiện các nhiệm vụ CĐS năm 2024, Sở Tư pháp Yên Bái đã kiện toàn Ban chỉ đạo và câu lạc bộ CĐS của cơ quan. Cùng với tuyên truyền tin tức về CĐS của tỉnh, của Sở với các nội dung phong phú, đa dạng, câu lạc bộ CĐS của Sở Tư pháp đã đi đầu triển khai, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức với những điểm mới của nền tảng số phục vụ công tác chuyên môn”.
Đưa nhiệm vụ CĐS thành hoạt động thường xuyên, thiết thực, Sở đã cử công chức, viên chức tham gia khóa bồi dưỡng trực tuyến CĐS do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; tập huấn triển khai ứng dụng các nền tảng số: nền tảng lưu chiểu, nền tảng Trợ lý ảo dành cho cán bộ, công chức tỉnh Yên Bái, triển khai Đề án 06; nâng cao nhận thức về CĐS do Bộ Nội vụ tổ chức…
Đến nay, 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của Sở được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất, 80% các máy trạm từ lãnh đạo đến chuyên viên được cài đặt phần mềm chống mã độc và vá lỗ hổng thông tin kịp thời, 80% hồ sơ công việc của Sở được xử lý trên môi trường mạng, 100% các văn bản được ký số bởi chữ ký số lãnh đạo được gửi đi trên môi trường mạng (trừ văn bản mật; một số văn bản đặc thù của ngành vẫn duy trì song song hai hình thức gửi); phối hợp với Trung tâm CĐS tỉnh Yên Bái cấp 28 tài khoản để thực hiện nền tảng Bàn làm việc số…
Bên cạnh tổ chức sinh hoạt Đảng viên trên nền tảng Sổ tay Đảng viên điện tử; khai thác sử dụng hiệu quả hệ thống phòng họp giao ban điện tử, Sở Tư pháp đã tăng cường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kết nối, tích hợp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, trả phiếu lý lịch tư pháp điện tử giữa phần mềm quản lý phiếu lý lịch tư pháp dùng chung và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh/thành phố để tích hợp giấy tờ vào hồ sơ vào phần mềm lý lịch tư pháp, nhận phiếu lý lịch tư pháp từ phần mềm lý lịch tư pháp.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 2.167 hồ sơ, trong đó có 1.987 hồ sơ tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến. Riêng đối với thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, hiện tại Sở thực hiện thí điểm không tiếp nhận hồ sơ giấy đối với thủ tục “Cấp phiếu lý lịch tư pháp” cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Qua đó, trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện 1.981/2.039 hồ sơ trực tuyến “Cấp phiếu lý lịch tư pháp” cho công dân.
Cùng với công tác lãnh đạo, triển khai, chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS, Sở Tư pháp đã chủ động đề ra biện pháp tháo gỡ hoặc phối hợp với các cấp, các ngành để giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 như: khó khăn trong nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch; khó khăn trong việc triển khai thực hiện mô hình điểm “Lưu trữ, chứng thực các giấy tờ tài liệu điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia môi trường số”.
Hiện, Sở Tư pháp đang thực hiện 125 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trong đó có 13 dịch vụ công toàn trình, 10 dịch vụ công một phần. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi; nhận được kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu điện, email, giảm được chi phí đi lại, đặc biệt, được giảm lệ phí TTHC (nếu có) khi nộp hồ sơ trực tuyến theo quy định tại Nghị quyết số 51/2023/NQ-HĐND ngày 05/0/2023 của HĐND tỉnh; giúp cơ quan nhà nước giảm thiểu áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện hơn, khoa học hơn.
Đồng chí Phạm Thị Minh Lý – Chánh Văn phòng Sở Tư pháp cho biết: Việc thực hiện không tiếp nhận hồ sơ giấy đối với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công tiếp nhận hồ sơ, thẩm định giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Góp phần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của CĐS nói chung, đối với cán bộ, công chức và viên chức của Sở nói riêng, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong hoạt động quản lý văn bản và điều hành, đưa nhiệm vụ CĐS trở thành hoạt động thường xuyên, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin góp phần cải cách TTHC.
“Sở Tư pháp Yên Bái sẽ tập trung đổi mới phương thức làm việc theo hướng hiện đại, tăng cường sử dụng và khai thác có hiệu quả các phần mềm: Quản lý văn bản điều hành, các phần mềm chứng thực, cấp phiếu lý lịch tư pháp, kế toán…; hoàn thành các tiêu chí chấm DTI năm 2024 và đánh giá mức độ hoàn thành CĐS của Sở giai đoạn 2023-2025; tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh theo quy định. Đặc biệt là tăng cường thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung, quy định của Đề án 06 đến đông đảo các tầng lớp nhân dân nhằm tạo ra sự chuyển biến nhận thức, góp phần đẩy mạnh việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh” – Đồng chí Nguyễn Huy Cường khẳng định.