Chuyển đổi số ở thành phố Yên Bái: Nỗ lực để người dân hạnh phúc hơn

Một thế hệ công dân số ở thành phố Yên Bái đang dần hình thành để phù hợp với sự phát triển của thời đại kinh tế số, xã hội số. Thành phố phấn đấu 86% công dân trong độ tuổi lao động là công dân số.

Mô hình “Ngày thứ 7 CĐS” của phường Nguyễn Thái Học đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân

Mang tiện ích đến với người dân

Bà Bùi Thị Hiền ở tổ dân phố 11, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân người có công với cách mạng. Thay vì định kỳ mỗi tháng phải đến bưu điện đúng ngày để trực tiếp nhận toàn bộ số tiền thì nay bà Hiền đã đăng ký số tài khoản ngân hàng để được chi trả các chế độ qua tài khoản ngân hàng.

Với hình thức này, bà Hiền không chỉ nắm bắt được thông tin số tiền trợ cấp hàng tháng mà còn không phải vất vả đi lại và chờ đợi lĩnh trợ cấp như trước.

Bà Hiền chia sẻ: “Tôi thường hay vắng nhà đi thăm con cháu, có lúc mấy tháng, rồi lại phải đi nằm viện mấy tháng. Nhưng bây giờ hàng tháng tiền trợ cấp được chuyển vào tài khoản như này, tôi thấy rất thuận lợi và rất tiện ích, không lo bị rơi, bị mất”.

Phường Nguyễn Thái Học hiện có 346 người có công và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, phường đã thành lập 15 tổ công tác, trong đó lực lượng nòng cốt là công chức văn hóa – xã hội phụ trách công tác lao động – thương binh và xã hội, lực lượng công an phường phối hợp với tổ trưởng dân phố đến từng hộ gia đình đối tượng để khảo sát, xác minh thông tin và vận động, tuyên truyền về việc thực hiện chi trả qua tài khoản cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND phường Bùi Ngọc Giang cho biết: Đến nay, phường đã có 127 trường hợp là đối tượng chính sách, người có công đồng thuận nhận chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, đạt 91,3%; 185/200 đối tượng bảo trợ xã hội nhận chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, đạt 96,6%. Trong thời gian tới, phường tiếp tục tuyên truyền, vận động; tập trung đưa ra các giải pháp vận động các hộ đồng thuận nhận chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đảm bảo đạt mục tiêu theo chỉ đạo của thành phố.

Cũng trong thời gian qua, mô hình “Ngày thứ 7 CĐS” của phường Nguyễn Thái Học đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Nhiều người từ chỗ chưa biết, còn mập mờ, lơ mơ được các cán bộ công chức, các thành viên trong Tổ CĐS hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình đã từng bước sửu dụng thành thạo các ứng dụng số. Người dân được hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng số trong các giao dịch hành chính, thanh toán trực tuyến, sử dụng ứng dụng VNeID trong thực hiện các thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia; sử dụng các app chăm sóc sức khỏe từ xa, sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử, nộp thuế phi nông nghiệp và các loại thuế khác qua ứng dụng Etax Mobile.

“Phường đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện CĐS qua hình thức “cầm tay, chỉ việc”, đảm bảo các hoạt động được triển khai sát với nhu cầu tìm hiểu của nhân dân, thể hiện việc chính quyền gần dân trong thực hiện công tác CĐS, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ CĐS cộng đồng, nâng cao các chỉ số xây dựng Công dân số, phấn đấu xây dựng phường Nguyễn Thái Học đạt danh hiệu phường CĐS nâng cao trong năm 2024”, Chủ tịch UBND phường Bùi Ngọc Giang cho biết.

86% công dân trong độ tuổi lao động là công dân số

Trước đây, chị Ngô Huyền Trang, tiểu thương kinh doanh ở chợ Bến Đò thường phải tích trữ tiền lẻ để trả lại cho khách hàng, việc quản lý nguồn tiền trong 1 ngày với chị cũng khá vất vả, đôi khi còn gặp phải rủi ro như tiền rách, tiền giả hoặc mất mát.

Chị Trang cho biết: “Được nhân viên Viettel Yên Bái hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Viettel Money, in mã QR, cách sử dụng để chuyển tiền và nhận tiền, tôi thấy rất thuận lợi. Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ tiện lợi mà còn chính xác, nhanh chóng, đồng thời, hạn chế việc bị trộm cắp tài sản, tiền giả”.

Không chỉ người bán, người mua cũng đã có những trải nghiệm thiết thực, thú vị khi đi chợ 4.0. Chị Nguyễn Thị Thoa, phường Nguyễn Thái Học giờ đi chợ chỉ cần mang theo chiếc điện thoại. Chị Thoa chia sẻ: “Tôi chỉ mang theo điện thoại là có thể mua hàng, không phải sử dụng tiền mặt, không phải đổi tiền lẻ”.

Chợ Bến Đò, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đi vào hoạt động từ tháng 3/2023 với gần 90 điểm ki-ốt, gần 400 điểm kinh doanh cố định. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết tiểu thương tại chợ đã mở tài khoản ngân hàng và được trang bị bảng mã quét QR.

Chị Hoàng Thị Mai Hương, tiểu thương tại chợ Bến Đò cho biết: “Ngay khi chuyển sang chợ Bến Đò mới để kinh doanh, tôi đã được hỗ trợ tạo tài khoản Viettel Money, trang bị bảng quét mã QR để khách hàng tiện thanh toán. Tôi thấy rất tiện lợi bởi việc mua bán không cần phải dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn lại không phải lo trả lại tiền thừa”.

Hiện nay, hầu hết các quầy hàng, ki-ốt kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố, tiểu thương và người mua hàng đã sử dụng tiện ích thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc qua bảng quét mã QR. Các con số phấn đấu mà thành phố đặt ra là: tỷ lệ người dân dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh đạt 62%; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đạt 84%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được tập huấn, phổ biến kỹ năng số cơ bản đạt 85%; tỷ lệ người dân (có đủ điều kiện) được tạo lập tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đạt tối thiểu 85%; tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến đạt 95%.

Cùng với đó, tỷ lệ người dân được cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đạt 92%; tỷ lệ người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 92%; tỷ lệ người dân đến tuổi trưởng thành được cài đặt và sử dụng app “Sổ sức khỏe điện tử” để theo dõi thông tin khám, chữa bệnh đạt 88%; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt từ 25% trở lên; tỷ lệ người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt từ 45% trở lên; phấn đấu 86% công dân trong độ tuổi lao động là công dân số.

Với các thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt, thành phố phấn đấu tỷ lệ hộ gia đình thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ cung cấp điện đạt 85%, đối với dịch vụ cung cấp nước đạt 80,26%; nộp phí vệ sinh môi trường đạt tối thiểu 50%; nộp các khoản phí, khoản đóng góp không dùng tiền mặt đạt tối thiểu 80%; nộp thuế phi nông nghiệp đạt 65%; nộp phí trước bạ xe máy, ô tô đạt 90%.

Đoàn viên, thanh niên thành phố Yên Bái là lực lượng nòng cốt trong các Tổ CĐS cộng đồng, lực lượng tiên phong trong công tác CĐS tại địa phương

Đới với chợ, thành phố đặt chỉ tiêu: tỷ lệ chợ có hạ tầng và được phủ sóng Internet băng rộng có điểm phát wifi phục vụ đẩy mạnh thanh toán trực tuyến đạt 60%; tỷ lệ hộ kinh doanh tại chợ thanh toán không dùng tiền mặt đạt tối thiểu 92%, hộ kinh doanh ngoài chợ đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ hộ kinh doanh bán lẻ có thiết bị thanh toán điện tử đạt 86%…

Với sự phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều người sử dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp, tham gia vào các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Một thế hệ công dân số ở thành phố Yên Bái đang dần hình thành để phù hợp với sự phát triển của thời đại kinh tế số, xã hội số.

Vì cuộc sống tốt đẹp hơn

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả; tiêu biểu như mô hình: “Thủ tục hành chính không chờ”, “Hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng nền tảng số tại nhà”, “Tổ chức chi trả, thanh toán dịch vụ công bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt”, “Thanh toán không dùng tiền mặt: phí chợ, phí vệ sinh môi trường, thu đảng phí, đoàn phí”, “Chi trả qua tài khoản kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng”, “Hướng dẫn sử dụng Bản đồ điện tử nhân viên Y tế, Bản đồ điện tử xe cứu thương”, phong trào “Ngày không dùng tiền mặt”, “Ngày thứ 6 lên sàn” “Ngày thứ 7 CĐS”…

CĐS đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, tổ chức; mỗi người dân đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS với các hoạt động phát triển mạnh như: giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, mua sắm trực tuyến, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính, thanh toán hóa đơn điện tử…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác CĐS, xây dựng đô thị thông minh, thành phố cũng gặp những khó khăn do nhận thức của một số người dân về lợi ích của CĐS chưa đầy đủ, toàn diện. Một bộ phận người dân sử dụng điện thoại thông minh cấu hình còn thấp hoặc không sử dụng điện thoại thông minh nên việc triển khai các nền tảng ứng dụng số còn gặp khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin ở nhiều cơ quan, đơn vị còn thiếu, chưa đồng bộ, hiện đại (còn một số thiết bị lỗi thời không tương thích với phần mềm sử dụng trong chuyển đổi số, wifi công cộng còn ít…), gây khó khăn cho việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Hiệu quả hoạt động của các Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, thôn chưa cao; số lượng người dân có tài khoản định danh điện tử và số lượng người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân còn thấp.

Để tiếp tục thúc đẩy công tác CĐS giúp người dân hạnh phúc hơn, ngoài việc đầu tư nâng cấp hạ tầng của các đơn vị cung cấp viễn thông, thành phố tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, sự tâm huyết trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp trong thực hiện CĐS, triển khai mô hình công dân số, tạo sự lan tỏa, lôi cuốn nhằm tập hợp cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia công cuộc CĐS.

“Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho các tổ CĐS cộng đồng, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động, tích cực nâng cao các kỹ năng ứng dụng công nghệ số, đảm bảo an toàn thông tin, tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, trở thành tác nhân thúc đẩy CĐS mạnh mẽ hơn. Duy trì tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng số. Tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, lợi thế sẵn có để thúc đẩy CĐS, gắn với triển khai hiệu quả công dân số trên địa bàn. Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, am hiểu sâu kinh tế – xã hội, có kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin để phát huy tiềm năng, trí tuệ tập thể tạo sự đồng bộ trong thực hiện CĐS trên từng lĩnh vực; tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi số, các sáng kiến và thực hiện các sáng kiến về CĐS”, bà Hoàng Thị Hồng Diệp – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố cho biết.

Với tinh thần “CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, thành phố Yên Bái đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu trong hành trình CĐS mang lại lợi ích thiết thực, đem lại sự hài lòng và hạnh phúc cho người dân.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: