Ngày 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 tới của Quốc hội.
Trong số ý kiến, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, có việc “cử tri, nhân dân bày tỏ sự đau xót khi một số cán bộ cấp cao đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất uy tín, không thể tiếp tục đảm nhiệm trọng trách được Đảng, nhân dân giao phó”.
Cử tri, người dân đề nghị trong công tác cán bộ không thể nhìn bề ngoài cán bộ hiện tại thấy tốt rồi bố trí mà phải đánh giá sâu xa, cốt lõi, theo dõi thời gian dài để có xem xét, đánh giá kỹ càng, lựa chọn chính xác.
Chọn cán bộ không thể nhìn bề ngoài
Dự thảo báo cáo nêu rõ cử tri, nhân dân đánh giá cao Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể về phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác đối ngoại… đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Đáng chú ý, theo ông Chiến, cử tri, nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng bí thư – trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện.
Thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước. Cử tri, nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Văn Hòa – ủy viên Ủy ban Pháp luật – cho biết khi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 7, rất nhiều cử tri bày tỏ sự ủng hộ rất cao về công tác phòng chống tham nhũng. Đặc biệt việc xử lý nghiêm minh, quyết liệt, rất kịp thời, nhanh chóng “loại bỏ những con sâu không để làm rầu nồi canh”, không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù đó là ai. Từ đó tạo thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và quốc tế cũng đánh giá cao việc này.
Theo ông Hòa, qua đây cử tri cũng đề nghị Đảng, Nhà nước trong việc lựa chọn công tác cán bộ dù cấp cao hay cấp thấp cũng phải “cân, đong, đo, đếm, đánh giá, xem xét rất kỹ càng mới bố trí”. “Cử tri, người dân đề nghị trong công tác cán bộ không thể nhìn bề ngoài cán bộ hiện tại thấy tốt rồi bố trí mà phải đánh giá sâu xa, cốt lõi, theo dõi thời gian dài để có xem xét, đánh giá kỹ càng, lựa chọn chính xác”, ông Hòa nêu.
Giải quyết nước sinh hoạt, tình hình ngộ độc thực phẩm…
Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Văn Chiến, cử tri và người dân còn băn khoăn, lo lắng số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc tăng.
Cùng với đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, xăng, dầu tiếp tục tăng… giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng. Việc này đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là những người làm công ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.
Cử tri và nhân dân còn lo lắng về tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…
Đặc biệt ông Chiến cho hay cử tri, nhân dân rất lo lắng về tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, còn tiềm ẩn cao ở các bếp ăn tập thể. Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội chưa được quan tâm xử lý nghiêm minh…
Bên cạnh đó còn tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Người bệnh có bảo hiểm được hưởng thấp và ít danh mục thuốc nên bảo hiểm y tế chưa thực sự là nguồn đảm bảo chính cho người dân khi đi khám chữa bệnh…
Từ đó, đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Giải quyết đủ nước sinh hoạt cho người dân ở một số vùng khó khăn như vùng núi, vùng Tây Nam Bộ…
Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội xem xét 39 nội dung
Ngày 15-5, báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong chương trình kỳ họp thứ 7 tới của Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 20-5.
Theo đó, bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Đồng thời không bố trí trong chương trình nội dung trình Quốc hội xem xét quyết định một số dự án sử dụng dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Quốc hội sẽ bố trí thảo luận riêng tại tổ với nội dung về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
Điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Bố trí Quốc hội họp riêng đối với nội dung về quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Như vậy, theo ông Cường, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp, 15 nội dung về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Kiến nghị rà soát các điều kiện thực hiện chính sách tiền lương mới
Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1-7. Trong đó cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp…