Thời gian qua, nhiều tổ chức Kinh tế tập thể ở Yên Bái đã vượt lên khó khăn nội tại thực hiện chuyển đổi số (CĐS) phù hợp với hạ tầng sản xuất, hạ tầng công nghệ thông tin và trình độ nhân lực, nên có không ít HTX đã thích ứng và từng bước tham gia vào CĐS thành công, đáp ứng yêu cầu mới, hướng tới hội nhập và phát triển bền vững trong thời đại 4.0.
Hợp tác xã Phát triển công nghệ số Hải Anh, Thành phố Yên Bái (HTX Hải Ảnh) là một điển hình, HTX đã nắm bắt cơ hội do CĐS mang lại để khởi nghiệp thành công, với mục tiêu mang công nghệ số tới các Hợp tác xã, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Hợp tác xã đã đẩy mạnh maketing và hoạt động phủ sóng trên nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội như: Chữ kí số; Hoá đơn điện tử; Phần mềm kế toán và Dịch vụ kế toán thuế; Phần mềm Giải pháp quản lý doanh nghiệp (Hệ thống quản lý nhân sự; kiểm soát vào – ra…); Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nhà thông minh (tưới tiêu tự động, nhà màng, nhà lưới tự động, bán tự động, cổng cửa tự động, nhận diện khuôn mặt, vân tay, giọng nói…); Thiết bị an ninh và các hệ thống điện tự động; điện nhẹ/phòng cháy/chống sét; Điện dân dụng; Dịch vụ nhà sạch; Cung cấp nhân sự…
Hiện có hàng trăm tổ chức, cá nhân ứng dụng, sử dụng các dịch vụ công nghệ thông minh mà HTX Hải Anh cung cấp, đã mang lại vô số những lợi ích mới như: Kết nối xã hội tốt hơn, cơ hội làm việc đa năng, lưu trữ thông tin, tự động hoá, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí…; đặc biệt, với các HTX khi sử dụng các dịch vụ công nghệ của HTX Hải Anh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Chữ ký số, hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán, dịch vụ kế toán, hệ thống quản lý nhân sự, hệ thống phòng, chống cháy nổ, kiểm soát vào – ra… góp phần thúc đẩy thực hiện số hóa các lĩnh vực hoạt động như: Quản lý hoạt động kinh doanh; Quản lý nhân sự; quản lý tài chính – kế toán; Tăng doanh số bán hàng; …đã góp phần giúp cho khu vực KTTT, HTX từng bước bắt kịp với xu thế chuyển đổi số của thời đại 4.0.
HTX sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải được thành lập tại huyện Mù Cang Chải là huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS &MN) của tỉnh Yên Bái. Giám đốc HTX Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: “Anh và các thành viên HTX đã dùng điện thoại thông minh (ĐTTM) và máy tính có kết nối Internet, để kết nối với các chuyên gia, kỹ sư trồng trọt, với những nông dân cùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, củ dền, rau cải mầm đá…ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Nhờ đó đã tiếp thu được những kỹ thuật mới đặc biệt là mô hình trồng nấm hương theo kỹ thuật của Trung Quốc, Nhật Bản…từ khâu làm đất, chọn giá thể, chọn giống, điều chỉnh nhiệt độ, chăm sóc cây trồng, thu hoạch….và đã thu được trái ngọt. Bên cạnh đó, các thành viên HTX còn chụp ảnh, quay video quy trình sản xuất và các nông sản của HTX đăng trên Facebook, Zalo hoặc cho xem qua phương thức gọi video trực tuyến…Với những cách làm này, các mặt hàng nông sản của HTX được quảng bá rộng rãi và dần có chỗ đứng tại các siêu thị, cửa hàng lớn ở một số tỉnh, thành phố”.
Hiện HTX tạo việc làm ổn định cho 10 thành viên với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng và tạo làm thường xuyên cho khoảng 60 lao động địa phương với mức thu nhập 150.000 đồng/người/ngày. Mọi người không phải đi làm xa, thu nhập ổn định, nhiều người từ khi vào làm ở HTX đã vươn lên thoát nghèo, mua sắm được nhiều đồ dùng có giá trị trong nhà.
Từ thực tiễn ở HTX sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải đã cho thấy, ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS &MN việc tiếp cận và thực hiện CĐS không có gì là cao siêu, khó thực hiện, mà chỉ đơn giản bắt đầu từ chiếc ĐTTM và máy tính có kết nối Internet, cộng với thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm như các thành viên trẻ của HTX, đây chính là những “viên gạch đầu tiên” trên con đường CĐS ở vùng cao,vùng đồng bào DTTS &MN.
Với tư duy nhạy bén, xác định CĐS sẽ là cơ hội, là chiến lược phát triển bền vững để HTX bay cao, bay xa đến các thị trường lớn và toàn cầu, đồng thời được sự định hướng, dẫn dắt, tư vấn của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và dược liệu Yên Bái (huyện Văn Yên) đã nhanh chóng tiếp cận với CĐS khi đưa các sản phẩm dược liệu trong đó có sản phẩm OCOP 3 sao Cao đặc cà gai leo của HTX đã lên các Sàn thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh Yên Bái và các sàn TMĐT lớn như: Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Sendo, Lazada…đồng thời áp dụng công nghệ số vào xây dựng tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR.
Giám đốc HTX trẻ 9X Phạm Văn Chiến cho biết: “Được sự tư vấn, giúp đỡ và được tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng về CĐS do Liên minh HTX tỉnh Yên Bái và các sở, ngành tổ chức. HTX đã ứng dụng TMĐT – một nền tảng của Kinh tế số, qua Website của HTX và các ứng dụng của mạng xã hội như: fcebook, Zalo, Tik tok…, cùng với phương thức bán hàng truyền thống. Mỗi năm HTX tiêu thụ được khoảng 6.000 hộp Cao cà gai leo, cùng nhiều sản phẩm Cao bột và trà, đem lại doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận của HTX ngày một tăng. Điều đó đã giúp các thành viên HTX có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất để tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Áp dụng khoa học, công nghệ mới tạo được sản phẩm chất lượng và thân thiện với môi trường là hướng đi mới của HTX Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi (HTX Thắng Lợi). HTX đã áp dụng công nghệ nhiệt phân, tái chế phế phẩm công nghiệp (săm lốp cũ, nhựa Palstic và các sản phẩm tận thu của các nhà máy, cơ sở sản xuất săm lốp ô tô, xe máy, giầy đế cao su…) để sản xuất dầu FO-R đạt tiêu chuẩn nhiên liệu đốt theo quy chuẩn quốc gia và có giá thành giảm 30% so với sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, còn thu hồi một số sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất như: Than các bon, thép, Gas… Năm 2022, sản phẩm dầu nhiệt phân FO-R của HTX đã được vinh danh Top 10 Thương hiệu sản phẩm dịch vụ vàng ASEAN.
Cùng với đó, HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành như: Chữ ký số, phần mềm kế toán và dịch vụ kế toán thuế, hoá đơn điện tử, thanh toán điện tử, hệ thống quản lý nhân sự, hệ thống Camera giám sát tự động, hệ thống điện tự động, hệ thống phòng cháy, chữa cháy…, đã giúp HTX tiết kiệm được thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện các giao dịch điện tử, chủ động và linh hoạt trong ký kết các văn bản, hợp đồng, mua bán hàng hoá bất cứ lúc nào, bất cứ đâu…, qua đó tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho HTX mỗi năm.
Thay vì lựa chọn hướng phát triển là những dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng đắt đỏ, Hợp tác xã thực phẩm sạch và du lịch Bảo Ngọc (HTX Bảo Ngọc) hướng đến phát triển du lịch Xanh – là loại hình du lịch dựa vào việc phát huy các cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa. HTX đã tận dụng lợi thế hồ Thác Bà có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ, cùng với hệ thống hang động đẹp, không chỉ có thế, hồ Thác Bà còn là di tích lịch sử quan trọng gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tày, Dao, Phù Lá, Cao Lan… ở huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Cùng với đó, HTX Bảo Ngọc còn có sản phẩm OCOP 3 sao Du lịch cộng đồng Bảo Ngọc Làng Ven cộng với hạ tầng du lịch đầy đủ có thể phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Với mục tiêu lan tỏa thông điệp tới du khách khi đến với Yên Bái đó là: “Nếu không thăm hồ Thác Bà, thì cũng coi như du khách chưa biết đến Yên Bái”, Ông Đặng Tiến Minh – Chủ tịch HĐQT HTX thực phẩm sạch và du lịch Bảo Ngọc cho biết: “Chúng tôi tận dụng tối đa việc truyền thông trên mạng xã hội, trên Website của HTX và trên các ứng dụng ĐTTM, đây là những hình thức truyền thông rộng rãi, chi phí ít, tiện lợi và hiệu quả cao cho người sử dụng dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt tiệc, đặt dịch vụ, thanh toán, chăm sóc khách hàng trực tuyến, kết hợp với ứng dụng các hình thức thanh toán điện tử nhanh, gọn, chính xác…
Ông Đặng Tiến Minh phấn khởi chia sẻ thêm: “Công nghệ số không chỉ giúp HTX Bảo Ngọc quảng bá được hình ảnh và các sản phẩm dịch vụ sâu, rộng đến với du khách, mà còn giúp HTX quản lý tốt hơn các hoạt động từ du khách, người lao động, đến doanh thu, đặc biệt là tạo ra thuận lợi nhất cho du khách và đã nhận được phản hồi tích cực từ du khách là họ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc hơn khi đến với Yên Bái, từ đó lượng khách đến với HTX ngày càng tăng”.
Với xu hướng ứng dụng công nghệ trong hoạt động tài chính và ngân hàng, hiện các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) không thể đứng ngoài cuộc đua về đầu tư và cạnh tranh về công nghệ. Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) phường Nguyễn Thái Học Đinh Thị Huệ cho biết: “Xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào quản lý hoạt động, từ tháng 6/2021 Quỹ đã khai trương dịch vụ chuyển tiền điện tử CF-eBank 24/7, đồng thời thực hiện thu hộ, chi hộ từ tháng 6/2022 với các nội dung: Chuyển tiền, rút tiền mặt tại Quỹ, chuyển tiền trả nợ gốc, lãi tiền vay tại Quỹ, chuyển tiền đến gửi tiết kiệm tại Quỹ…, có trên 50% các hoạt động giao dịch tại QTDND Nguyễn Thái Học không dùng tiền mặt. Hiện số dư tiền gửi của Quỹ là 107 tỷ đồng, dư nợ là 116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt gần 1,2 tỷ, hàng năm Quỹ đều có đóng góp rất tích cực vào ngân sách Nhà nước và làm tốt công tác an sinh xã hội”.
Có thể thấy, Quỹ TDND Phường Nguyễn Thái Học đã bắt nhịp CĐS theo hướng tích cực và hiệu quả, giúp Quỹ tăng trưởng và phục vụ nhu cầu vốn tốt hơn cho người dân, giúp tối đa hóa hiệu suất công việc, tăng tính minh bạch trong quản lý, điều hành, nâng cao vị thế của Quỹ và tăng thu lợi nhuận. Đối với khách hàng và thành viên: CĐS đã tạo môi trường giao dịch an toàn, tiện ích, nhanh gọn, chính xác, không phải kiểm đếm tiền mặt lưu thông, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mọi lúc, mọi nơi chỉ với thao tác đơn giản trên ĐTTM, hoặc máy tính cá nhân, giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại…
Mỗi câu chuyện truyền cảm hứng từ thực tiễn thực hiện CĐS của các tổ chức KTTT tỉnh Yên Bái trên đây, có thể khẳng định đó là sự thay đổi về nhận thức, sự tham gia có trách nhiệm và đầy hứng khởi của các tổ chức KTTT vào quá trình CĐS và đã gặt hái những thành công đáng khích lệ. Mỗi câu chuyện là một nguồn cảm hứng lan toả tới cộng đồng, đồng thời cũng là một định hướng để dẫn dắt hay gợi mở cho những tập thể và cá nhân khác trong khu vực KTTT nói riêng và các tổ chức và cá nhân chưa sẵn sàng, hoặc chưa tìm ra lối vào “hành trình chuyển đổi số” mà tỉnh Yên Bái và Chính phủ đã lựa chọn, để đưa tỉnh Yên Bái nói riêng và Đất nước Việt Nam tiến nhanh, tiến xa, hòa nhịp cùng bước tiến của nhân loại./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh