15 năm qua, công tác chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã được tỉnh triển khai sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đến nay, đội ngũ trí thức tỉnh đã phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng, thực sự là nòng cốt và là động lực mạnh mẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo Cục thống kê tỉnh, toàn tỉnh có 35.419 trí thức hoạt động trong các lĩnh vực: y dược, kinh tế – kỹ thuật – nông lâm nghiệp, văn hóa, giáo dục, pháp luật; trong đó, có 34 tiến sĩ, 1.372 thạc sĩ, 34.013 đại học. Hoạt động của đội ngũ trí thức đã có những đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới; sáng tạo những công trình có giá trị, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh…
Trí thức ngành giao thông – vận tải đã góp phần tích cực từng bước hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn có tính liên vùng, liên ngành, gắn kết đồng bộ giữa thành thị và nông thôn.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 989,11 km mặt đường bê tông xi măng, mở mới 130,24 km đường đất và xây dựng 1.296 công trình thoát nước các loại.
Đặc biệt, là việc đầu tư xây dựng thêm 4 cầu bắc qua sông Hồng (cầu Trái Hút, cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán, cầu Cổ Phúc), đưa số lượng cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh lên 7 cái, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân hai bên bờ sông Hồng…
Trí thức ngành khoa học và công nghệ đã triển khai trên 500 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh và cấp bộ trên khắp các lĩnh vực. Thông qua các nhiệm vụ khoa học đã khẳng định được giá trị và hiệu quả mang lại của 112 dòng, giống cây trồng mới (giống hoa, cây ăn quả, cây lương thực, cây lâm nghiệp), 16 giống vật nuôi gia súc, gia cầm và 28 giống thủy sản mới phục vụ phát triển kinh tế của các địa phương.
Nhiều đề tài, dự án khoa học nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, có sức lan tỏa lớn, có khả năng nhân rộng, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương.
Trí thức ngành y tế với sự nhiệt huyết, không ngại khó đã nỗ lực hết mình đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tổ chức nhiều đợt khám bệnh, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho người dân, tham gia hiến máu tình nguyện. Nhiều sáng kiến, đề tài khoa học của các thầy thuốc trẻ được thực hiện đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân…
Có thể khẳng định, đội ngũ trí thức thuộc tất cả các lĩnh vực đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại và đã có sự trưởng thành về nhiều mặt. Họ đã ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là vinh dự của mình trước vận mệnh của dân tộc.
Để tạo điều kiện pháp lý, môi trường thuận lợi để trí thức hoạt động, phát triển và phát huy vai trò của mình trong nghiên cứu khoa học, trong lao động sáng tạo và cống hiến, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, cụ thể như: Chương trình hành động số 62-CTr/TU ngày 14/01/2009 thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Đề án số 08-ĐA/TU về “Đào tạo cán bộ trẻ có trình độ sau đại học giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020”; Đề án số 11-ĐA/TU ngày 19/6/2013 của Tỉnh ủy về “Đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2020″…
Các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để chăm lo, khuyến khích, thu hút đội ngũ trí thức.
Đơn cử như giai đoạn 2008 – 2022, toàn ngành giáo dục đã cử trên 250 người tham gia đào tạo trình độ sau đại học; trong đó, cử 10 trường hợp tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 140 về việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP giai đoạn 2021 – 2025.
Năm 2021, toàn ngành đã thực hiện đào tạo cho 326 trường hợp; năm 2022, đã cử 164 trường hợp tham gia đào tạo nâng chuẩn. Sở cũng tham mưu ban hành và triển khai thực hiện chế độ, chính sách để khuyến khích tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại ngành giáo dục tỉnh.
Nhờ đó, đã có 322 trường hợp; trong đó, có 200 trường hợp tham gia đào tạo trình độ sau đại học, thu hút 122 giáo viên chất lượng cao với tổng kinh phí hỗ trợ 5,3 tỷ đồng; thực hiện tuyển dụng theo chế độ thu hút được 12 giáo viên là những sinh viên giỏi về công tác tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.
Ngành y tế cũng đã có chính sách thu hút tuyển dụng với các đối tượng là tiến sĩ y học, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ đa khoa, mức hỗ trợ từ 100 – 500 triệu đồng/người với cam kết làm việc tại đơn vị được thu hút tối thiểu 120 tháng; chính sách đào tạo với các đối tượng sinh viên đang học bác sĩ nội trú, công chức, viên chức được cử đi học tiến sĩ học, bác sĩ chuyên khoa II hệ lâm sàng, cận lâm sàng, bác sĩ nội trú với mức hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng/người…
Xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính chiến lược của các cấp ủy, chính quyền. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ liên quan đến công tác của đội ngũ trí thức, đó là: “Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Yên Bái, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển”.
Đây là cơ hội, cũng như thách thức của đội ngũ trí thức tỉnh nhà, đòi hỏi đội ngũ trí thức tiếp tục đổi mới, phát triển cả về chất và lượng, tiếp tục phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Để làm tốt nhiệm vụ đó, tại Hội thảo “Đội ngũ trí thức Yên Bái 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X” đã đưa ra một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức; tăng cường tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với đội ngũ trí thức; qua đó, tập hợp, định hướng và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trong việc hoạch định cơ chế, chính sách; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ, thu hút trí thức có tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc, chế độ tiền lương, bảo hiểm để trí thức yên tâm công tác.
Đồng thời, thực hiện tốt việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, trí thức đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn, quy định; đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục – đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường, tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông…